Sẵn sàng mọi phương án ứng phó với mưa lũ sau bão số 4

Chiều 19/9, bão số 4 với cường độ cấp 8, giật cấp 10 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam. Mặc dù cường độ của bão số 4 không mạnh, nhưng điều đáng lo ngại là hoàn lưu bão có thể gây mưa diện rộng với lượng khá lớn, tập trung vào các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, một phần Quảng Ngãi, không loại trừ khả năng sẽ tạo ngập lụt diện rộng như năm 2020. Các địa phương miền Trung đã chuẩn bị các phương án cụ thể để ứng phó với mưa bão nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 4. Ảnh: Võ Tiến

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế giúp dân chằng chống nhà cửa ứng phó với bão số 4. Ảnh: Võ Tiến

268.806 người thường trực xử lý khi có tình huống

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam cho biết, để chủ động ứng phó với bão số 4, Bộ Quốc phòng ban hành 2 công điện yêu cầu các đơn vị yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với bão ngay từ khi còn là áp thấp nhiệt đới. Theo đó, các đơn vị đã huy động 268.806 người (bao gồm 56.855 bộ đội và hơn 210.000 dân quân tự vệ) với trên 4.000 phương tiện (trong đó có 10 trực thăng) sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế khi có yêu cầu. Bộ Quốc phòng cũng chỉ đạo BĐBP khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền tránh trú bão.

Trong ngày 20/9, miền Trung tiếp tục có mưa to đến rất to có khả năng gây lũ lớn và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Kinh nghiệm từ bão số 3 và những cơn bão trước cho thấy hoàn lưu bão thường gây mưa rất lớn dẫn đến sạt lở đất mà loại hình thiên tai này rất khó dự báo và gây thiệt hại rất lớn về người cũng như cơ sở vật chất. Chính vì vậy, Đại tá Phạm Hải Châu đề nghị các địa phương làm tốt công tác rà soát các khu vực dễ bị sạt lở, có phương án thông báo, báo động một cách nhanh nhất để người dân biết được khu vực an toàn, chủ động di chuyển tới tránh trú. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt các phương án "4 tại chỗ", đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc khi bị chia cắt, cô lập.

Với tinh thần chủ động, những ngày qua, BĐBP các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão và hướng dẫn neo đậu tại bến, sắp xếp chằng néo tàu thuyền tránh va đập, đứt neo trôi dạt. Tính đến ngày 20/9, các đơn vị Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 66.960 phương tiện/306.725 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, duy trì trực 3.063 cán bộ, chiến sĩ/305 phương tiện các loại sẵn sàng tham gia xử lý khi có tình huống.

Sẵn sàng “4 tại chỗ”

Là địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành công tác ứng phó với bão và mưa lũ từ rất sớm. Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đã thu hoạch 100% lúa hè thu và 80% thủy sản. Trong tháng 8, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức đoàn kiểm tra hồ thủy điện và thủy lợi. Về cơ bản, an toàn hồ đập được đảm bảo, hiện, tất cả các hồ thủy lợi, thủy điện có mực nước thấp.

BĐBP Quảng Trị cử cán bộ trực ở các tuyến đường ngập úng, hướng dẫn người dân vòng đi đường khác để đảm bảo an toàn. Ảnh: Đình Tiến

BĐBP Quảng Trị cử cán bộ trực ở các tuyến đường ngập úng, hướng dẫn người dân vòng đi đường khác để đảm bảo an toàn. Ảnh: Đình Tiến

Ông Minh cho biết thêm, từ trưa 18/9, tất cả tàu thuyền của địa phương đã vào nơi neo đậu an toàn. Địa phương cũng chuẩn bị các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, dự trữ lương thực cũng như di dời dân khi có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất. Từ ngày 15/9, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cảnh báo về sạt lở đất đến các xã, huyện có nguy cơ cao như Phong Điền, Nam Đông, A Lưới, Hương Trà. “Trong trường hợp lượng mưa lớn, chúng tôi đã có phương án di dời, sơ tán khoảng 37 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở. Hiện, chúng tôi đang tập trung theo dõi các dự báo, lượng mưa và có kịch bản cụ thể thực hiện. Thừa Thiên Huế đang rất chủ động và đã lên các phương án chuẩn bị cụ thể, cố gắng ứng phó kịp thời nhất với diễn biến mưa lũ” – ông Minh cho hay.

Còn tại thành phố Đà Nẵng, ngay từ chiều tối 17/9 đã có mưa to, rất to, có nơi lên đến 200mm. Thành phố đã cho học sinh nghỉ học từ chiều 18/9 để ứng phó với bão số 4. Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đã giao nhiệm vụ cho các ban, ngành địa phương sẵn sàng ứng phó với mùa mưa lũ sắp tới. Hiện, ở âu thuyền Thọ Quang và các nơi neo đậu khác có 1.159 phương tiện/8.316 lao động đã về cập bến.

Ông Cường cho biết: “Trên tinh thần thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ban, ngành triển khai các phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa bão, đáp ứng với các kịch bản thiên tai năm 2024 mà thành phố Đà Nẵng đã ban hành. Thành phố Đà Nẵng cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, trang thiết bị và rà soát lại các phương tiện phục vụ việc ứng cứu. Các lực lượng chức năng đã chằng chống các trụ ăng ten, trạm điện, hạ tầng các cẩu cao ở các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn. Chúng tôi đang huy động các lực lượng sẵn sàng ứng phó với sạt lở và diễn biến nước lũ dâng cao ở các tuyến sông”.

Trong phương án ứng phó với bão số 4, thành phố Đà Nẵng cũng đã rà soát và đưa ra cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở từ năm 2023 và những điểm xung yếu. Đối với những điểm có thể bị sạt lở, chia cắt giao thông, thành phố đã có phương án tiếp cận để vừa tạo điều kiện thuận lợi trong cứu trợ, vừa xử lý hiệu quả những vấn đề cấp bách trong khu vực bị chia cắt.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, lực lượng BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng khác cắt tỉa cây xanh, gia cố nhà cửa, kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền để ứng phó bão và mưa lũ. Hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị Biên phòng đã đưa hàng trăm tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn. BĐBP Quảng Trị cũng giúp người dân chằng chống nhà cửa, cất giữ ngư lưới cụ bảo đảm an toàn. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Trên các tuyến đảo, BĐBP Quảng Trị đã vận động và hỗ trợ du khách đến tham quan trên địa bàn di chuyển vào đất liền để đảm bảo an toàn. Ngoài việc giúp dân, các cán bộ, chiến sĩ còn được phân công duy trì quân số trực tại các điểm xung yếu; rà soát những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập úng, gia đình neo đơn..., triển khai lực lượng thường trực, chuẩn bị sẵn sàng nơi ăn ở cho người dân vào tránh trú trong đơn vị khi cần thiết.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, điều đáng quan ngại nhất là mưa lớn sau bão sẽ tập trung ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam theo dự báo có thể tương tự như năm 2020, gây ngập lụt đô thị. Do đó, các địa phương cần đánh giá khả năng ngập lụt để xây dựng kịch bản ứng phó. Rà soát kỹ lại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, một số hồ thủy điện lớn có tác động cắt lũ cần thực hiện nghiêm chỉ đạo cắt lũ cho thượng lưu.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/san-sang-moi-phuong-an-ung-pho-voi-mua-lu-sau-bao-so-4-post481191.html