Quyền Bộ trưởng Y tế: 'Ghép ruột rất phức tạp'

Lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống.

Chiều 31/10, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long gửi thư đến Ban lãnh đạo Học viện Quân Y và Bệnh viện Quân Y 103 (Hà Nội) sau khi đơn vị này thực hiện thành công 2 ca ghép ruột từ người cho sống.

Ông Nguyễn Thanh Long đánh giá: "Việc thực hiện ghép ruột cho bệnh nhân từ người sống rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm".

Do đó, Bộ Y tế đánh giá cao năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Quân Y 103 nói riêng và ngành y tế nói chung. Đồng thời, trình độ, năng lực, y đức của nền y học nước nhà cũng được khẳng định.

 Bệnh viện Quân Y 103 phẫu thuật ghép ruột. Ảnh: BVCC.

Bệnh viện Quân Y 103 phẫu thuật ghép ruột. Ảnh: BVCC.

"Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Bệnh viện Quân Y 103, khẳng định những tiến bộ về y học của Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tập thể các bác sĩ và nhân viên y tế", ông Nguyễn Thanh Long viết trong thư.

Bên cạnh đó, quyền Bộ trưởng Y tế đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả của Học viện Quân Y với Bệnh viện Đại học Tohoku, Nhật Bản, để triển khai thành công đề tài "Nghiên cứu triển khai ghép ruột từ người cho sống".

Đây là thành quả có ý nghĩa trong việc làm chủ kỹ thuật ghép ruột tại Việt Nam. Thành công này là sự tiếp nối thành tựu trong lĩnh vực ghép thận, gan, tim, tụy - thận, phổi của Học viện Quân Y, Bệnh viện Quân Y 103 - một trong những trung tâm ghép tạng lớn của quân đội và cả nước.

 Họp báo thông tin về ca phẫu thuật ghép ruột lần đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: H.Q.

Họp báo thông tin về ca phẫu thuật ghép ruột lần đầu tiên tại Việt Nam. Ảnh: H.Q.

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y, cho biết phẫu thuật ghép ruột từ người cho sống lần đầu tiên tại Việt Nam được Bệnh viện Quân Y 103 thực hiện vào ngày 27 và 28/10. Bệnh nhân L.V.T. (26 tuổi) được ghép ruột từ mẹ đẻ. Bệnh nhân N.V.D. (42 tuổi) được anh trai hiến ruột. Với ca ghép này, Bệnh viện Quân Y 103 trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột thành công, tương tự 5 tạng trước đó (thận, tim, gan, tụy, phổi).

Hiện tại, sau ca ghép, 2 người cho ruột ổn định sức khỏe. Bệnh nhân ghép ruột được theo dõi, điều trị tích cực trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Ghép tạng là một trong 12 thành tựu vĩ đại của thế kỷ XX khi thay thế các tạng mất chức năng, cứu sống bệnh nhân. Trong đó, 6 bộ phận gồm tim, gan, phổi, thận, tụy và ruột không có biện pháp hồi phục thay thế ngoài ghép tạng.

Giám đốc Học viện Quân Y cho biết đến nay, đơn vị này có thể ghép thành công tạng thứ 6. Hiện thế giới chỉ có 61 trung tâm ghép ruột ở 19 nước với khoảng 1.000 ca được triển khai. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 20 ghép ruột thành công. Đây là thành tựu trong ghép tạng cũng như đem lại tương lai tươi sáng cho bệnh nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá ca ghép ruột đầu tiên thành công đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong ngành ghép tạng của Việt Nam.

Người được ghép phổi đầu tiên tại Bệnh viện Việt Đức ra viện Ngày 18/10, Nguyễn Văn Đức - bệnh nhân đầu tiên được ghép phổi do 100% bác sĩ người Việt Nam thực hiện - đã được ra viện sau 10 tháng điều trị.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyen-bo-truong-y-te-ghep-ruot-rat-phuc-tap-post1148186.html