Quyền chuyển đổi giới tính trong pháp luật một số quốc gia - Một số gợi mở cho Việt Nam

Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và nhận thức về quyền con người ngày càng được nâng cao, hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính đã trở thành một vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn luận sôi nổi ở hầu hết các quốc gia.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành xây dựng các quy định pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền này, tạo điều kiện cho người chuyển giới có thể sống một cách thoải mái hơn.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành xây dựng các quy định pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền chuyển đổi giới tính, tạo điều kiện cho người chuyển giới có thể sống một cách thoải mái hơn. (Ảnh minh họa)

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành xây dựng các quy định pháp luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền chuyển đổi giới tính, tạo điều kiện cho người chuyển giới có thể sống một cách thoải mái hơn. (Ảnh minh họa)

Khái quát về quyền chuyển đổi giới tính

Quyền chuyển đổi giới tính được đề cập như là một trong những quyền nhân thân của cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm tự do xác định và thể hiện bản dạng giới, đặc biệt là yêu cầu Nhà nước công nhận giới tính của bản thân mà không phải chịu bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào.

Trong bối cảnh nhóm người thuộc cộng đồng LGBTQI+ vẫn thường xuyên phải đối mặt với nhiều hành vi phân biệt đối xử từ xã hội, quyền chuyển đổi giới tính - người chuyển giới có một số khác biệt cơ bản với quyền xác định lại giới tính - người liên giới tính, trong đó quyền xác định lại giới tính đề cao quan điểm người chuyển giới cũng cần được công nhận giới tính hợp pháp dựa trên bản dạng giới mà họ tự xác định, mà không bị bắt buộc thực hiện các điều kiện y tế để xác định đúng giới tính như phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay sử dụng hormone.

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, mặc dù hiện nay chưa có bất kỳ một văn kiện quốc tế nào quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính, tuy nhiên, quyền này đã được ghi nhận gián tiếp thông qua một số Công ước và cam kết quốc tế, cụ thể là Nguyên tắc số 03 của Yogyakarta về quyền được công nhận trước pháp luật; Điều 17 và Điều 26 Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị về bảo vệ quyền riêng tư và quyền bình đẳng trước pháp luật; Điều 8 Công ước châu Âu về quyền con người về quyền được tôn trọng đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình…

Như vậy, xuất phát từ nhận định cho rằng, quyền chuyển đổi giới tính là một quyền hàm chứa, vì vậy việc công nhận hay pháp điển hóa quyền này không chỉ tạo ra nền tảng pháp lý mới cho cộng đồng LGBTQI+ mà còn góp phần thiết thực trong việc thúc đẩy tôn trọng quyền được bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội.

Bên cạnh đó, khi các quốc gia thừa nhận quyền này là quyền công dân thì người chuyển giới có cơ hội hòa nhập với xã hội, giảm thiểu tình trạng bị kỳ thị, và quan trọng nhất là họ được sống đúng với bản dạng giới của mình; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tôn trọng quyền con người của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, tiến tới xây dựng, duy trì và phát triển một xã hội công bằng và văn minh hơn.

Quyền chuyển đổi giới tính trong pháp luật một số quốc gia

Cộng hòa Pháp được biết đến là một trong những quốc gia thân thiện với người đồng tính nhất thế giới,[1] với tôn chỉ xây dựng chính sách pháp luật tập trung vào nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, do đó, Pháp cũng được biết đến là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc bảo vệ quyền con người ở châu Âu.

Quyền chuyển đổi giới tính ở Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn thi hành và có những thay đổi đáng kể trong hệ thống pháp luật dân sự ở nước này, đặc biệt, là cuộc cải cách tư pháp trong những năm gần đây. Từ những năm 2016 trở về trước, pháp luật Pháp về quyền chuyển đổi giới tính có một số quy định yêu cầu với người chuyển giới khá tương đồng với hầu hết các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ.

Điển hình là yêu cầu người chuyển giới phải có chứng nhận can thiệp y học về phẫu thuật chuyển giới. Vì vậy, các quy định của pháp luật Pháp trong thời gian này về cơ bản cũng gây những khó khăn nhất định cho người chuyển giới trong việc tiếp cận quyền cơ bản của mình.

Đến năm 2016, Nghị viện Pháp chính thức thông qua Luật số 2016-1547 về Hiện đại hóa Tư pháp trong thế kỷ 21 vào ngày 18/11/2016 (thường được gọi là Luật Tư pháp thế kỷ 21). Luật này cho phép công dân nước này thay đổi giới tính mà không cần phải trải qua bất kỳ hình thức can thiệp y học nào.

Có thể nhận định rằng đây là một trong những cải cách mang tính bước ngoặt trong nền tư pháp Pháp, với sự thay đổi này, Pháp đã tạo ra một kỉ nguyên cởi mở hơn, thân thiện hơn cho cộng đồng LGBTQI+ nói chung và người chuyển giới nói riêng.

Hiện nay, người chuyển giới thực hiện các thủ tục thay đổi giới tính tại Tòa án dân sự Pháp. Tòa án sẽ xem xét tính hợp pháp, hợp lý theo đơn yêu cầu của công dân dựa trên các minh chứng mà họ cung cấp về việc bản dạng giới của họ có sự ổn định trong một thời gian nhất định (lời khai từ nhân chứng, SMS, email, ảnh chụp màn hình…).[2] Không chỉ vậy, một trong những điểm nổi bật của pháp luật Pháp hiện nay là sự công nhận rộng rãi và đa dạng về bản dạng giới của cá nhân, tức là pháp luật Pháp không chỉ giới hạn ở giới tính mặc định là nam hoặc nữ, mà còn công nhận cả phi nhị nguyên giới, cho phép công dân chuyển đổi giới tính thành giới tính thứ ba.

Kể từ khi pháp luật thay đổi, số lượng đơn yêu cầu thay đổi giới tính tại Pháp tăng đột biến. Cùng với đó, các tổ chức phi chính phủ và hội, nhóm hoạt động vì quyền của người chuyển giới cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách tư pháp, tăng cường dịch vụ hỗ trợ pháp lý nhằm tạo ra mạng lưới giúp đỡ những người trong cộng đồng LGBTQI+. Tuy nhiên, cộng đồng người chuyển giới tại Pháp vẫn phải đối mặt sự kỳ thị, hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thị trường lao động.

Ấn Độ là một trong số những quốc gia đầu tiên tại châu Á xây dựng nền tảng pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chuyển giới, đặc biệt là ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Trong đó, phán quyết của Tòa án tối cao Ấn Độ trong vụ kiện giữa National Legal Services Authority (NALSA) và Union of India năm 2014 là bản án đầu tiên tại Ấn Độ công nhận các quyền cơ bản của phi nhị nguyên giới (Non-binary), mở đường cho các chính sách bảo vệ quyền lợi của nhóm người này trong tương lai.[3]

Cụ thể, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã tuyên bố rằng quyền tự nhận dạng giới tính là quyền cơ bản của công dân và được Hiến pháp Ấn Độ bảo vệ theo quy định tại Điều 14, 15, 16, 19(1)(a) và Điều 21. Tòa án cũng viện dẫn đến quy định của một số điều ước quốc tế cốt lõi về quyền con người và nguyên tắc Yogyakarta để làm cơ sở pháp lý cho việc ghi nhận quyền của người chuyển giới.

Đồng thời, cho phép người chuyển giới được chuyển đổi giới tính mà không cần thực hiện bất kỳ biện pháp y học nào để chuyển đổi giới tính và có quyền đăng ký theo giới tính mà họ mong muốn. Tòa án cũng đề nghị Chính phủ và một số bang bảo vệ người chuyển giới thực hiện những biện pháp hỗ trợ tích cực cho người chuyển giới thông qua các chương trình nhà ở, phúc lợi xã hội, chế độ hưu trí, phẫu thuật chuyển đổi giới tính miễn phí tại các bệnh viện công và xây dựng một số chính sách tích cực khác để hỗ trợ cho họ.

Đến năm 2019, Quốc hội Ấn Độ chính thức thông qua Đạo luật Bảo vệ quyền của người chuyển giới, cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với người chuyển giới trong một số lĩnh vực công như giáo dục, y tế và việc làm và đưa ra các chế tài xử phạt cho những hành vi vi phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Tuy nhiên, việc yêu cầu có giấy chứng nhận từ thẩm phán cấp quận để chứng minh tình trạng giới tính để được công nhận chuyển đổi giới tính là một quy định có thể gây ra áp lực tâm lý và kinh tế cho người chuyển giới, đặc biệt là những người không có đủ khả năng tài chính chi trả cho những yêu cầu của pháp luật đặt ra, vì vậy những quy định của pháp luật Ấn Độ về quyền chuyển đổi giới tính hiện hành cũng vô tình trở thành một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế việc tiếp cận quyền chuyển đổi giới tính của người chuyển giới.

Toàn cảnh phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, năm 2023. (Nguồn: quochoi.vn)

Toàn cảnh phiên họp lần thứ hai của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, năm 2023. (Nguồn: quochoi.vn)

Một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Trong thời gian tới, theo quy định của Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, dự kiến Luật Chuyển đổi giới tính của Việt Nam sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025.

Do đó, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để nghiên cứu và tham khảo những bài học giá trị dựa trên những phân tích về quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về quyền chuyển đổi giới tính ở Ấn Độ và Pháp hiện nay trong khoảng thời gian này, nhằm phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung một số Điều trong Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính.

Thứ nhất, kinh nghiệm từ thực tiễn thi hành pháp luật Pháp cho thấy việc không yêu cầu chứng nhận can thiệp y học là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo vệ và thúc đẩy quyền tự quyết của công dân, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời giảm thiểu tối đa áp lực về tài chính cho người chuyển giới.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 về giải thích từ ngữ trong Dự thảo Luật chuyển đổi giới tính của Việt Nam quy định: “Người đề nghị chuyển đổi giới tính là người có giới tính sinh học hoàn thiện, có nhận diện giới khác với giới tính khi sinh, được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xác định đủ điều kiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính”.

Qua đó, có thể thấy rằng điều kiện để chuyển đổi giới tính theo Dự thảo Luật này có yêu cầu người chuyển giới thực hiện các biện pháp can thiệp y khoa. Vì vậy, Việt Nam có thể xem xét áp dụng một quy trình linh hoạt, không bắt buộc thực hiện các thủ tục can thiệp y học để giảm bớt những rào cản pháp lý, tạo điều kiện pháp lý thuận lợi trong việc tiếp cận quyền của người chuyển giới.

Thứ hai, đối với quyền tự nhận dạng giới tính. Phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ năm 2014 là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng nhất về công nhận quyền tự nhận dạng giới tính của người chuyển giới, khẳng định rằng quyền tự nhận dạng giới tính là một quyền cơ bản của công dân Ấn Độ và được pháp luật Ấn Độ bảo vệ. Phán quyết này đã góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về quyền của người chuyển giới, đồng thời nghiêm cấm hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người chuyển giới.

Do đó, Việt Nam có thể tham khảo một số quy định pháp luật Ấn Độ liên quan đến quyền tự nhận dạng giới tính để nghiên cứu xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, khuyến khích mọi người đều có thể tự do nhận dạng bản dạng giới của mình mà không gặp bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào. Điều nay không chỉ thể hiện khả năng hiện đại hóa pháp luật mà còn thể hiện tính nhân văn của pháp luật góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, cũng như chất lượng đời sống tinh thần của cộng đồng LGBTQI+.

Thứ ba, cả Pháp và Ấn Độ đều nhận thức rằng việc cung cấp dịch vụ y tế phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho người chuyển giới. Vì vậy, khi Luật chuyển đổi giới tính của Việt Nam chính thức có hiệu lực, Việt Nam cần chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cao cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ y tế để phục vụ với nhu cầu phẫu thuật chuyển đổi giới tính của người chuyển giới bằng các phương pháp phẫu thuật y khoa hiện đại, tiên tiến, an toàn và đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cũng cần tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ y tế trong công tác tư vấn và chăm sóc người phẫu thuật chuyển giới.

(*) Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

(**) Khoa Ngoại ngữ Pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội.

[1] Gay France | LGBTQ+ travel Guide, France Gay rights & safety tips. (n.d.).

[2] Amendment of the reference to sex in civil status. (2024, September 25). Service-Public.fr.

[3] National Legal Services Authority vs. Union of India. (n.d.).

TS. ĐỖ QUÝ HOÀNG* - NGUYỄN THÚY HIỀN**

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyen-chuyen-doi-gioi-tinh-trong-phap-luat-mot-so-quoc-gia-mot-so-goi-mo-cho-viet-nam-296803.html