Quyền con người trong thực hiện pháp luật tại Việt Nam

Quyền con người là giá trị cốt lõi, vốn có mà nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ bằng pháp luật. Quyền con người ở nước ta về cơ bản đã tiệm cận với nhận thức của cộng đồng quốc tế, đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền, hài hòa mối quan hệ giữa các cá nhân và nhà nước, thực hiện chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.

 Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, năm 2021.

Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, năm 2021.

Xây dựng văn hóa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm con người trong nhà nước pháp quyền

Quyền con người đã trở thành vấn đề phổ quát toàn cầu mà bất kì quốc gia, dân tộc nào đều phải tôn trọng và thực hiện. Đó là những giá trị cao quý nhất kết tinh của văn hóa quyền con người - thành quả đấu tranh của nhân loại qua hàng nghìn năm lịch sử.

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được ghi nhận tại Chương 2 Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh xu thế hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả và tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cùng với đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.

Có thể thấy, quyền con người hiện nay được tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện và có sự gắn kết quyền con người, quyền công dân với Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân có nơi, có lúc còn chưa được phát huy đầy đủ. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của in-tơ-nét, ở nước ta hiện nay, sự biểu đạt nhu cầu về dân chủ, nhân quyền của người dân ngày càng trực tiếp và mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền con người và nhận thức đúng đắn về nhân quyền là một yêu cầu cấp thiết trong chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, người dân đã và đang được thụ hưởng quyền con người trên mọi lĩnh vực theo tinh thần các công ước quốc tế, phù hợp với thực tiễn của đất nước. Trong tổng thể chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, văn hóa quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm con người có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Xét về bản chất, nhà nước pháp quyền cũng chính là văn hóa, nơi con người được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền và nghĩa vụ pháp lí. Trong nhà nước pháp quyền, con người vừa có quyền thụ hưởng các quyền con người đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lí được xây dựng trên cơ sở trách nhiệm đạo đức. Đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên góp phần xác định đúng đắn mối quan hệ giữa nhận thức, thực hành, kiểm soát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân, công dân, các cá nhân công quyền ở Việt Nam hiện nay.

Xây dựng văn hóa quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm con người mang tính chiến lược trong bối cảnh ngày càng gia tăng những nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của con người, đến cả quyền và nghĩa vụ và đặc biệt là vấn đề trách nhiệm con người trước cộng đồng, xã hội.

Về phương diện pháp luật và đời sống xã hội cần thiết xem xét cả vấn đề quyền, nghĩa vụ cùng trách nhiệm con người. Nếu con người chỉ nhận thức và thực hành quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác thì vẫn chưa đủ, chưa bảo đảm an toàn cho cộng đồng, xã hội. Ngược lại, nếu con người thực hiện nghĩa vụ cơ bản như tuân thủ pháp luật thì cũng chưa thật sự đem lại sự bình yên, an toàn bền vững cho những người xung quanh và cộng đồng.

Xây dựng pháp luật gắn với xây dựng văn hóa về quyền con người, văn hóa nghĩa vụ, trách nhiệm con người phải được nhận thức thường xuyên, mọi nơi, mọi thời điểm, trong mọi hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động của các cơ quan công quyền, cá nhân công quyền chứ không chỉ là những khẩu hiệu, báo cáo thành tích...

Tạo lập một cách bền vững văn hóa quyền con người, văn hóa nghĩa vụ, trách nhiệm con người cũng chính là tiền đề, điều kiện bền vững của nhà nước pháp quyền Việt Nam, là một trong những nhiệm vụ, định hướng chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, theo nhiều ý kiến, việc quy định quyền về cơ bản đã có nhiều tiến bộ, tương thích pháp luật các nguyên tắc pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, về nghĩa vụ con người hiện vẫn còn nhiều bất cập cả về phương diện pháp luật nội dung và hình thức, thủ tục thực hiện các nghĩa vụ pháp lí, điều này ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện. Do vậy, cần cải cách cách quy định thủ tục bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ pháp lí cơ bản cũng như nghĩa vụ pháp lí cụ thể.

Để phù hợp với bối cảnh mới, cần nghiên cứu bổ sung một số nghĩa vụ mới trong tương quan với các qui định mới về quyền môi trường, sức khỏe, tiêu dùng… Cụ thể, cần bổ sung các nghĩa vụ của mọi người về bảo vệ môi trường, bảo vệ văn hóa, lịch sử... Đây là một trong những nhiệm vụ mang thông điệp toàn cầu, là trách nhiệm, bổn phận của nhà nước, các tổ chức và tất cả mọi người.

Xây dựng pháp luật Việt Nam tiếp cận dựa trên quyền con người, nghĩa vụ con người chứ không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận quyền. Mặc dù tiếp cận quyền cũng không hề coi nhẹ hay phủ nhận việc thực hiện nghĩa vụ. Nhưng nếu kết hợp cả quyền, cả nghĩa vụ thì chắc hẳn tính thiết thực để nhận thức và thực hành đúng trách nhiệm đạo đức - pháp lí của mỗi con người sẽ cao hơn, thường trực, bền vững hơn.

Cách tiếp cận dựa trên quyền con người, nghĩa vụ con người cần phải được bảo đảm, được đánh giá, kiểm soát thường xuyên, đặc biệt là trong các chính sách, văn bản pháp luật, tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật, cung ứng dịch vụ công, dịch vụ pháp lý, các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, bảo vệ các nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương...

Các cơ quan xây dựng, thực hiện pháp luật cần tích hợp, lồng ghép giáo dục quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm con người theo hướng tích hợp, lồng ghép cả quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm con người trong các hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục quyền con người.

Thông qua đó giáo dục nhận thức và thực hành trách nhiệm con người đối với cộng đồng, xã hội, tạo lập thói quen tôn trọng, bảo vệ quyền con người phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, pháp luật quốc gia về quyền con người.

Con người càng hiểu biết nhiều về các quyền của chính mình thì càng tôn trọng các quyền của những người khác và như vậy càng có cơ hội chung sống hòa bình. Chỉ khi nào người dân được giáo dục về quyền con người thì lúc đó chúng ta mới có thể hi vọng ngăn chặn những hành vi vi phạm. Giáo dục quyền, nghĩa vụ con người nhằm tạo lập cho mọi người ngay từ tuổi thơ những tri thức cơ bản về quyền, nghĩa vụ con người, giáo dục các giá trị sống quan trọng như dân chủ, bình đẳng, công bằng, tự do, trách nhiệm, tình cảm khoan dung, sống có trách nhiệm với chính mình, với những người thân và những người xung quanh.

 Một phiên họp của Quốc hội khóa XV về thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Một phiên họp của Quốc hội khóa XV về thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bên cạnh giáo dục quyền con người cho các cá nhân trong xã hội cần “ưu tiên” giáo dục quyền con người cho cán bộ, công chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ xây dựng và thực thi pháp luật, bởi lẽ họ là những người có thẩm quyền áp dụng pháp luật, có trách nhiệm bảo đảm thực hiện các quy định pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Trong nội dung giáo dục quyền, nghĩa vụ con người, cần chú trọng việc giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc hiến định về giới hạn quyền, tự do của con người và công dân, không được tùy tiện, lạm dụng, lợi dụng sự giới hạn để hạn chế, cắt xén, làm sai lệch bản chất của các quyền, tự do của con người và công dân.

Giáo dục quyền con người kết hợp với giáo dục pháp luật không chỉ nhằm mục đích phòng ngừa vi phạm pháp luật nói chung mà còn có ý nghĩa thúc đẩy mọi người ý thức tôn trọng các giá trị sống, các quyền, tự do của bản thân và của tất cả những người khác, nội dung giáo dục đặc biệt coi trọng việc giải thích các giá trị cốt lõi của quyền con người, ý nghĩa của việc tôn trọng quyền con người; ý thức được giá trị của con người, tôn trọng quyền, lợi ích của những người khác, ý thức về công bằng, tự do và trách nhiệm của con người đối với cộng đồng, xã hội. Đồng thời cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về nhận thức, thực hành văn hóa quyền, nghĩa vụ con người trong các hoạt động của nhà nước và xã hội, của các nhóm đối tượng xã hội.

Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền con người

Để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng được các mục tiêu bảo đảm an ninh con người phục vụ chiến lược phát triển pháp luật của Việt Nam thời gian tới cần:

Thứ nhất, tiếp tục ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm quyền con người. Quyền con người và bảo đảm quyền con người là vấn đề đa diện và vượt qua biên giới quốc gia. Do vậy, việc Việt Nam hội nhập sâu rộng giúp các chủ thể quốc tế, quốc gia và địa phương phối hợp tốt hơn để ứng phó với các thách thức an ninh cá nhân không biên giới như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, di cư... nhằm khắc phục các hậu quả, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và duy trì cam kết chính trị.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Ban hành Luật về bảo vệ dữ liệu thông tin cá nhân, Luật tình trạng khẩn cấp. Hoàn thiện các quy định của pháp luật còn bất cập, vướng mắc gây ảnh hưởng đến an ninh con người trong các lĩnh vực như kinh tế, đầu tư, sở hữu, an sinh xã hội, đất đai, môi trường, an toàn cá nhân...

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực pháp luật nhằm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ làm việc trong lĩnh vực nhân quyền.

Thứ tư, nghiên cứu xây dựng tiêu chí để bảo đảm quyền con người trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Các tiêu chí đánh giá mức độ pháp quyền của các quốc gia hiện hầu hết mới chỉ được nêu ra dưới dạng đề xuất của giới học thuật, mang tính chất tham khảo, hoặc dưới hình thức khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, chưa phải là những quy tắc, tiêu chuẩn chung mang tính chất bắt buộc của luật pháp quốc tế.

Theo quan điểm của Liên hiệp quốc, bảo đảm nhân quyền là trách nhiệm của các quốc gia, vì thế tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước của các quốc gia đều có trách nhiệm trong vấn đề này.

Thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng khung đánh giá về nhà nước pháp quyền, cụ thể là phải bảo đảm các tiêu chí: trách nhiệm giải trình; pháp luật công bằng; khả năng tiếp cận và bảo đảm công lí khách quan; chính quyền mở.

Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045. (Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới).

ThS. Phạm Công Tùng

Học viện An ninh nhân dân

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/quyen-con-nguoi-trong-thuc-hien-phap-luat-tai-viet-nam-21373