Quyền kiểm tra các khoản thu chi tự nguyện trong trường học?
Thực tế, hoạt động giám sát thu chi trong trường học đang diễn ra thế nào? Ai có quyền kiểm tra, giám sát?
Kiểm tra, giám sát việc thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và các khoản thu khác tại trường học giúp lành mạnh hóa thu chi trong nhà trường.
Vai trò quan trọng
Tại Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê, huyện Ea Kar, Đắk Lắk), việc kiểm tra giám sát thu chi giúp các trường học thực hiện thu theo đúng quy định. Theo cô Hiệu trưởng Lương Thị Hồng, các khoản thu thỏa thuận bảo đảm nguyên tắc thu đủ chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất cao giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Thực hiện công khai các khoản thu tới toàn thể phụ huynh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường…
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, cho biết: Trong bối cảnh nền kinh tế mới bắt đầu phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Hòa Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh; góp phần bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD-ĐT; hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Nội dung được nhấn mạnh là tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học.
Kiểm tra để đánh giá đúng thực chất công tác quản lý tài chính, thu, chi các nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp. Từ đó, khẳng định ưu điểm, phát hiện tồn tại, hạn chế; đôn đốc việc tuân thủ quy định và khắc phục, giải quyết dứt điểm hiện tượng lạm thu, kể cả các khoản thu thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh. Cũng qua kết quả kiểm tra để kiến nghị xử lý vi phạm và đề xuất các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho trường học...
Ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT Hòa Bình đã phối hợp tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh. Đây là các văn bản có tính pháp lý, giúp cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về công tác thu chi, quản lý tài chính năm học. Cùng với đó, Sở GD&ĐT thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin phản ánh của dư luận để kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.
Theo ông Nguyễn Minh Tường, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy (Phú Thọ), kiểm tra, giám sát việc thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại trường học có vai trò quan trọng giúp lành mạnh hóa thu chi trong nhà trường.
Cụ thể, hoạt động này góp phần tăng cường kỷ cương, nền nếp trong công tác quản lý tài chính nói chung, quản lý các khoản thu từ người học nói riêng. Giúp cơ sở giáo dục hiểu rõ, nắm bắt mặt tích cực để phát huy; khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấp hành, thực hiện nghiêm việc thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp, khoản thu đúng mục đích, quy định.
Việc này cũng tạo tiền đề để các cơ sở giáo dục chủ động quản lý sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, công khai các khoản đóng góp, khoản thu khác theo quy định. Nắm bắt tình hình, kiểm soát việc triển khai, thực hiện hướng dẫn của các cấp, ngành trong quản lý sử dụng khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác, tránh tình trạng lạm thu, tạo niềm tin trong nhân dân.
Ai có quyền kiểm tra, giám sát?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho biết: Kiểm tra, giám sát thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại trường học là trách nhiệm chung của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý cơ sở giáo dục. Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện giám sát cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về thu, chi học phí và khoản thu dịch vụ, phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục.
UBND cấp tỉnh có quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giáo dục tại địa phương theo quy định; hoặc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kiểm tra thực hiện pháp luật về giáo dục tại địa phương. Trong đó có thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại cơ sở giáo dục.
Tương tự, UBND cấp huyện có quyền kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước; hoặc chỉ đạo cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thuộc UBND kiểm tra theo quy định. Trong đó có việc thu, chi, quản lý sử dụng khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại các cơ sở giáo dục thuộc huyện.
Sở GD&ĐT thực hiện kiểm tra thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại đơn vị, trường học trên địa bàn. Kiểm tra công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của phòng GD&ĐT đối với việc thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại trường học thuộc phòng GD&ĐT. Phòng GD&ĐT thực hiện kiểm tra nội dung trên tại các đơn vị, trường học trực thuộc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tường cho hay: Theo quy định, việc chấp hành của các cơ sở giáo dục chịu sự kiểm tra theo phân cấp quản lý: Cơ quan tài chính, giáo dục, thanh tra Nhà nước; Hội đồng nhân dân các cấp; Ban đại diện cha mẹ học sinh; cán bộ quản lý, nhà giáo; tổ chức, cá nhân, cha mẹ học sinh, người tài trợ, đóng góp các khoản thu.
Việc giám sát, kiểm tra thu, chi khoản ủng hộ tự nguyện ở các trường hiện nay được thầy Lê Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), chia sẻ: Nhà trường tự kiểm tra; Ban Thanh tra nhân dân giám sát, kiểm tra. Thanh tra Sở GD&ĐT thường có những cuộc thanh, kiểm tra đầu năm học để chấn chỉnh hiện tượng lạm thu ở trường học; Kiểm tra qua quyết toán tài chính theo từng năm của Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD&ĐT); các cuộc thanh tra theo kế hoạch của thanh tra tỉnh. “Tất cả cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh đều có quyền giám sát các khoản thu, chi ủng hộ tự nguyện”, thầy Lê Văn Hòa nhấn mạnh.
Chỉ thanh tra và kiểm tra là chưa đủ?
Hiện trên địa bàn huyện Thanh Thủy có 51 đơn vị trường học (mầm non, tiểu học, THCS). Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Minh Tường, hằng năm, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, thu, chi, sử dụng khoản đóng góp tự nguyện và các khoản thu khác tại cơ sở giáo dục. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch, hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của cấp tỉnh, huyện, xã.
Ngoài kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, Huyện ủy, UBND huyện còn chỉ đạo phòng GD&ĐT, phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giúp cơ sở giáo dục chấp hành, thực hiện đúng quy định về quản lý, thu, chi, sử dụng khoản đóng góp tự nguyện và các khoản thu khác. Việc thực hiện tốt các khoản thu trong trường học đã góp phần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy - học của giáo viên, học sinh.
Tại Hòa Bình, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bùi Thị Kim Tuyến, Sở GD&ĐT đã tiến hành thanh tra công tác thu, chi các nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp năm học 2022 - 2023 tại 7 đơn vị; kiểm tra đột xuất (cùng nội dung trên) tại 6 đơn vị, trường học; kiểm tra đột xuất theo phản ánh tại 1 trường mầm non.
Trong thời gian tới, sở GD&ĐT tiếp tục triển khai kiểm tra đột xuất công tác thu, chi các nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp năm học 2022 - 2023 tại một số đơn vị, trường học. Cùng với đó, thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin phản ánh của dư luận, kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, thầy Lê Văn Hòa nhận định: Việc kiểm tra giám sát các khoản thu, chi trong nhà trường đang được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, muốn lành mạnh hóa các khoản thu trong nhà trường, chỉ thanh tra và kiểm tra là chưa đủ.
Do lực lượng thanh tra rất mỏng so với số lượng đơn vị trường học trong toàn tỉnh. Bởi vậy, cần có cơ chế bắt buộc các trường học phải công khai đầy đủ tất cả khoản thu dịch vụ, ủng hộ tự nguyện của phụ huynh trong năm học trên cổng thông tin điện tử của trường một cách trung thực, để cơ quan quản lý các cấp và phụ huynh giám sát. Qua đó, các khoản thu sai quy định hoặc ủng hộ hình thức sẽ được phơi bày, thấy rõ và chấn chỉnh kịp thời.
“Sở GD&ĐT Quảng Trị đã làm rất tốt việc này. Bằng chứng đó là: Đầu mỗi năm học, sở luôn có công văn hướng dẫn, chấn chỉnh chống lạm thu. Mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ cho học sinh trong nhà trường được sở GD&ĐT tham mưu để quy định rõ tại Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đa số trường vùng nông thôn, vùng khó cũng chỉ thu ở mức 50 - 70% so với quy định. Các khoản ủng hộ tự nguyện của phụ huynh cũng không nhiều và ngày càng được điều chỉnh theo đúng tinh thần tự nguyện. Qua thông tin báo chí cho thấy, Quảng Trị có mức thu thấp so với các địa phương khác”, thầy Lê Văn Hòa cho hay.
Theo ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ, Hội đồng nhân dân, UBND, cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp; cơ quan quản lý giáo dục các cấp; có quyền kiểm tra việc thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại trường học. Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan truyền thông, cơ quan báo chí, cha mẹ học sinh có quyền giám sát việc thu, chi, quản lý sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện và khoản thu khác tại trường học.