Quyền lợi của giáo viên khi nghỉ hưu sớm
Vì sao càng ngày, đội ngũ giáo viên lại càng mong muốn được nghỉ hưu sớm. Họ có những đặc thù vất vả trong lao động nghề nghiệp khó có thể giãi bày được hết.
Mới đây, trong báo cáo đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nội dung kiến nghị xem xét giữ tuổi nghỉ hưu của giáo viên như trước.
Trong phần kiến nghị, đề xuất, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Lao động theo hướng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Cụ thể, đối với giáo viên nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 nhằm phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này. Những kiến nghị đề xuất của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã tính đến đặc thù của ngành giáo dục.
Những cái lợi khi không tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên
Theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của giáo viên được nâng lên so với trước đây theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, tuổi hưu của lao động nam mỗi năm tăng thêm 3 tháng, lao động nữ tăng thêm 4 tháng và đến năm 2028 độ tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và đến năm 2035 độ tuổi nghỉ hưu của nữ là 60.
Đối với giáo viên, việc tăng tuổi hưu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho ngành mà bản thân những giáo viên nếu nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi mới về hưu thì đa phần họ rất khó đảm nhận nổi công việc hàng ngày trên lớp.
Đội ngũ nhà giáo hiện nay chủ yếu là giáo viên đang công tác trong các nhà trường phổ thông (khoảng trên 1 triệu nhà giáo).
Nếu tính tất cả các bậc học (mầm non, phổ thông, đại học), đội ngũ nhà giáo chiếm trên một nửa số người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nếu đội ngũ nhà giáo giữ mức tuổi hưu như hiện nay có phần sẽ làm tăng thêm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, nếu giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay (nam 60, nữ 55 tuổi), nhất là đối với giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non thì nhà nước sẽ có nhiều cái lợi hơn là thực hiện.
Thứ nhất: Một giáo viên từ 50 tuổi trở lên đến tuổi hưu sẽ có tiền lương tương đương với 3 giáo viên trẻ đang hưởng lương bậc 1, bậc 2, thậm chí những thầy cô đến ngưỡng tuổi 60 có thể trả lương đủ cho 4 giáo viên trẻ mới ra trường (cách tính hiện hành).
Như vậy, tăng thêm tuổi hưu thêm 5 tuổi (đối với nữ), 2 tuổi (đối với nam) thì hằng năm nhà nước phải trả thêm một lượng tiền cực lớn. Số tiền ấy, dùng để làm trẻ hóa đội ngũ nhà giáo và đầu tư được nhiều cơ sở vật chất cho ngành giáo dục hoặc đầu tư chho các lĩnh vực khác.
Thứ hai: Không tăng tuổi hưu sẽ giảm thiếu tối đa về tỉ lệ sinh viên sư phạm ra trường đang thất nghiệp, đang phải dạy hợp đồng, làm công nhân hoặc trái ngành nghề. Hàng chục ngàn sinh viên viên sư phạm, trong đó có cả thủ khoa các trường đại học đang thất nghiệp là một sự lãng phí vô cùng lớn. Các giáo viên trẻ vào nghề sẽ năng động hơn, khiến cho học sinh thích thú hơn mà lại giảm thiểu được tỉ lệ thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc thiếu giáo viên chỉ diễn ra đối với những môn học mới. Những môn học truyền thống những năm qua vẫn đang thừa. Có những địa phương như Nghệ An còn xảy ra tình trạng nhiều giáo viên dạy trên dưới 20 năm vẫn đang phải dạy hợp đồng có thời hạn.
Thứ ba: Khi tăng tuổi hưu cũng đồng nghĩa với việc những thầy cô giáo sẽ lớn tuổi nhưng định mức giảng dạy thì vẫn không thay đổi. Sức khỏe, khả năng thích ứng với phương pháp, kiến thức mới càng khó khăn. Hiệu quả giảng dạy sẽ không cao và thực tế học sinh cũng không thích thú học với những thầy cô lớn tuổi, nhất là ở cấp Mầm non và Tiểu học, Trung học cơ sở.
Vì thế, áp lực quỹ bảo hiểm cho tăng thêm một chút nhưng sẽ giảm thiểu được việc chi thường xuyên của Chính phủ. Mỗi năm, hàng chục ngàn giáo viên về hưu sẽ giảm được một số tiền rất lớn.
Về hưu sớm là bảo đảm quyền lợi của giáo viên
Thực tế cho thấy, một bộ phận giáo viên càng lớn tuổi càng chậm chạp, ngại tiếp cận với cái mới đó là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa, phần lớn đội ngũ nhà giáo hiện nay đều cảm nhận được sự vất vả đối nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Ngành giáo dục luôn thay đổi, luôn có những yêu cầu mới, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều áp lực, đặc biệt là những môn học mới, những môn tích hợp.
Chính vì thế, phần nhiều giáo viên luôn mong muốn được giữ tuổi hưu hiện nay bởi tăng lên năm nào là mệt mỏi thêm năm đó. Nếu giữ được ngưỡng tuổi về hưu như hiện nay (nam 60, nữ 55) là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu nam về hưu lúc 55-58 tuổi, nữ 52-53 tuổi. Đến ngưỡng này nếu giáo viên nào cảm thấy đuối thì làm đơn xin nghỉ, nếu giáo viên nào còn sức khỏe, còn nhiệt huyết thì có thể ở lại đến cái ngưỡng nghỉ hưu chung của người lao động.
Thực tế, khi bước vào tuổi 55 thì giáo viên nữ đã có 33 năm công tác, giáo viên nam đến 60 tuổi thì đã có 38 năm công tác. Những giáo viên trước đây còn nhiều năm công tác hơn do yếu tố lịch sử nên họ đã học hệ trung cấp, cao đẳng và một số học hệ cấp tốc, hệ 9+3. Chừng ấy năm cống hiến, cùng buồn vui với sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà có lẽ nghỉ hưu cũng là phù hợp.
Chúng ta cứ nhìn xung quanh mình, sẽ thấy không nhiều giáo viên về hưu được xum vầy với con cháu được lâu, nhất là giáo viên nam bởi bệnh nghề nghiệp khiến cho nhà giáo có những nỗi buồn rất riêng mà phải thực sự chú ý chúng ta sẽ chạnh lòng cho những thầy cô. Những người luôn phải nói nhiều, đứng nhiều và làm việc thêm vào ban đêm.
Bởi vậy, việc đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội kiến nghị giáo viên nam sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ nghỉ hưu tuổi 55 là điều hoàn toàn phù hợp với đặc thù của nghề nghiệp và kiến nghị này đang nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhà giáo.
Nếu duy trì ở tuổi 62 với giáo viên nam, 60 tuổi đối với giáo viên nữ, chỉ nên áp dụng với những nhà giáo có học hàm, học vị cao, đang công tác ở các trường đại học, học viện, hoặc các nhà quản lý giáo dục sẽ phù hợp hơn.
Đối với giáo viên mầm non, phổ thông dù yêu nghề đến bao nhiêu cũng không mong muốn tăng thêm tuổi hưu cho mình. Bởi vì khi đã 60-62 tuổi rồi có còn sức để giảng dạy cho học trò nữa đâu. Lúc ấy, không chỉ khổ cho mình mà còn khổ cho cả học trò trong mỗi giờ dạy. Học trò phổ thông bây giờ hiếu động, tiếp cận với cái mới dễ dàng, giỏi công nghệ nên các em sẽ có những đồng điệu với những thầy cô trẻ tuổi, biết làm mới từng giờ dạy trên lớp.