Quyền lợi của giáo viên và những điều cần biết khi tinh giản biên chế

Từ 01/7/2020, khi Luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, những giáo viên chưa đạt chuẩn mới sẽ phải tham gia lộ trình nâng chuẩn cụ thể tùy vào từng địa phương, tùy từng trường hợp. Nếu không thực hiện nâng chuẩn những giáo viên này có thể sẽ thuộc diện tinh giản biên chế.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ năm 2020, khi Luật giáo dục 2019 bắt đầu có hiệu lực, một số quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo sẽ được áp dụng đối với các giáo viên, trong đó điều được nhiều người quan tâm sẽ tập trung vào việc nếu cá nhân không đạt chuẩn thì sẽ ra sao.

Theo điều 72 của Luật giáo dục thì trình độ của nhà giáo là phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học phải có bằng thạc sĩ; đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ phải có bằng tiến sĩ.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn nêu trên, các giáo viên không đạt chuẩn có thể bị tinh giản biên chế tùy theo từng trường hợp. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 113/2018/NĐ-CP có quy định các trường hợp sẽ bị tinh giản biên chế, gồm: Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác; cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Khi giáo viên thuộc diện tinh giản biên chế, có thể chọn thôi việc hoặc đi học nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 108/2014/NĐ-CP. Các trường hợp trên được áp dụng theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 113/2018/NĐ-CP: Nếu đảm bảo đủ điều kiện tuổi đời dưới 45 tuổi; Có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật; Đang đảm nhiệm các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo. Những người thuộc các trường hợp trên sẽ được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới.

Trong thời gian học nghề, tự tìm việc làm mới, sẽ được hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 06 tháng.

Ngoài ra, được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 06 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề; Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm. Được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;

Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm. Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Riêng với những giáo viên mầm non hiện đang có trình độ trung cấp sư phạm, giáo viên tiểu học, trung học có trình độ trung cấp sư phạm, cao đẳng hoặc chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm thì thay vì phải học liên thông để nâng chuẩn theo quy định, sẽ phải tham gia các khóa bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực dạy học theo quy định mới. Việc để nâng chuẩn trình độ sẽ áp dụng đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là đại học còn thời gian công tác trên 5 năm.

T.An

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quyen-loi-cua-giao-vien-va-nhung-dieu-can-biet-khi-tinh-gian-bien-che-100423.html