Quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế được mở rộng - tấm phao cứu sinh của người bệnh

Từ 1-7-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực đã mở rộng rất nhiều quyền lợi và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người tham gia. Tấm thẻ BHYT ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành lá chắn giúp người bệnh vượt qua khó khăn, đặc biệt là với những tình huống phải chi trả khoản viện phí lớn…

Rất nhiều bệnh nhân được chi trả lên tới hàng tỷ đồng

Giữa tháng 6-2024, chị B.T.H.H (sinh năm 1979) được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch vì sốt xuất huyết nặng, hội chứng suy hô hấp cấp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy thận, chảy máu tiêu hóa và sốc nhiễm khuẩn. Không chỉ tình trạng bệnh “thập tử nhất sinh” mà ngay cả số tiền chi phí điều trị dự tính cũng vượt xa khả năng có thể chi trả của gia đình. Trong suốt 48 ngày nằm viện, tổng chi phí điều trị cho chị H lên tới gần 1,7 tỷ đồng - một khoản tiền quá lớn đối với người lao động tự do có thu nhập thấp như chị. Nhưng nhờ có tấm thẻ BHYT trong tay, quỹ BHYT đã thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, giúp chị có cơ hội được điều trị, chiến đấu với bệnh tật để vượt qua cửa tử và trở lại cuộc sống bình thường. Đó thực sự là một phép màu…

Khám chữa bệnh BHYT tại một bệnh viện ở Hà Nội

Khám chữa bệnh BHYT tại một bệnh viện ở Hà Nội

Những ca bệnh như chị H không phải là hiếm. PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày bệnh viện này chứng kiến rất nhiều bệnh nhân từ vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu không có BHYT, họ chắc chắn không thể tiếp tục điều trị đến cùng. Hệ thống y tế ngày càng hiện đại, các kỹ thuật tiên tiến, thuốc đắt tiền, máy móc tối tân… đều nhanh chóng được cập nhật và quỹ BHYT sẵn sàng chi trả. Người bệnh không còn phải “đo đếm” từng toa thuốc hay “né” các dịch vụ kỹ thuật cao vì lo không đủ chi phí. Một tấm thẻ BHYT với mức đóng chỉ vài trăm nghìn đồng/năm lại có thể cứu cả một gia đình khỏi kiệt quệ.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Giám đốc BHXH khu vực I (khu vực Hà Nội) chia sẻ, hàng năm BHXH khu vực I ghi nhận hàng chục nghìn trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo được BHYT chi trả từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Có bệnh nhân được quỹ thanh toán đến 3,7 tỷ đồng cho một đợt điều trị. Chỉ tính riêng năm 2024, toàn thành phố Hà Nội có 13,2 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với số tiền chi trả lên tới 25.765 tỷ đồng. Còn tính 6 tháng đầu năm nay, qua thống kê từ BHXH Khu vực I, số người tham gia BHYT (chưa bao gồm lực lượng vũ trang) trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt 8.175.922 người, tăng 197.951 người, tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2024; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,51% dân số (vượt 0,01% so với chỉ tiêu được giao năm 2025). Ước hết tháng 6-2025, đã có hơn 6 triệu lượt người được BHYT đảm bảo quyền lợi, tổng số tiền chi trả chi phí khám chữa bệnh hơn 14.000 tỷ đồng.

Tính rộng trên phạm vi cả nước, năm 2024, BHXH Việt Nam đã thực hiện chi trả cho trên 180 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, trong đó có nhiều trường hợp được Quỹ BHYT thanh toán hàng tỷ đồng. Ông Đào Việt Ánh - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, chính sách BHYT đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt đối với người nghèo, người có bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo; tấm thẻ BHYT trở thành “phao cứu sinh” giúp người bệnh vượt qua khó khăn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, đã có trên 95,59 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với số chi khám chữa bệnh BHYT là trên 76.100 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Giám đốc BHXH Khu vực I và ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội thông tin về chính sách BHYT mới từ 1-7-2025

Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Giám đốc BHXH Khu vực I và ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Hà Nội thông tin về chính sách BHYT mới từ 1-7-2025

Mở rộng quyền lợi, đơn giản hóa thủ tục, hướng tới BHYT toàn dân

Từ 1-7-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 chính thức có hiệu lực đã mở rộng hơn rất nhiều quyền lợi và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT. Bà Nguyễn Thị Tám - Phó Giám đốc BHXH Khu vực I liệt kê ra 6 điểm mới nổi bật. Cụ thể gồm: Thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu” trong tính toán đóng, hưởng BHYT; triển khai thẻ BHYT bằng bản điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy; bổ sung các trường hợp tham gia BHXH bắt buộc, các trường hợp được ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng… Luật cũng đã mở rộng phạm vi quyền lợi và các dịch vụ khám chữa bệnh được hưởng BHYT; mở rộng một số trường hợp được chi phí vận chuyển khi điều trị phải chuyển viện. Từ 1-1-2025 có 62 loại bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được khám chữa bệnh tại các bệnh viện chuyên sâu 105 loại bệnh được khám chữa bệnh tại cấp cơ bản không cần giấy giới thiệu chuyển viện…

Đặc biệt, từ 1-7-2025, nhiều nhóm đối tượng sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT, mở rộng quyền lợi cho người dân, nhất là những người yếu thế, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Cụ thể, các nhóm đối tượng được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT, gồm: Lực lượng vũ trang; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; dân quân thường trực; người có công với cách mạng và cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; thân nhân liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo cư trú tại xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; người từ đủ 75 tuổi trở lên hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, người từ đủ 70 đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng… “Những thay đổi này thể hiện nỗ lực lớn của Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở, giảm thủ tục hành chính đảm bảo chăm sóc sức khỏe một cách công bằng và hiệu quả hơn” - Phó Giám đốc BHXH Khu vực I nhấn mạnh.

Thông tin thêm về một số điểm mới của Luật BHYT năm 2024, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Luật sửa đổi lần này mở rộng đáng kể quyền lợi cho người tham gia, nổi bật là việc xóa bỏ ranh giới hành chính trong khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, từ ngày 1-7-2025, người có thẻ BHYT có thể đến khám tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh đăng ký ban đầu nào trên toàn quốc và vẫn được hưởng đầy đủ mức hưởng BHYT quy định như khi khám tại nơi đăng ký đúng tuyến. Mặt khác, Luật cũng quy định rõ những trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến nhưng vẫn được hưởng 100% quyền lợi mức hưởng của thẻ BHYT. Đáng chú ý, điểm mới của Luật không chỉ ở việc nâng mức hưởng cho một số nhóm người tham gia, mà còn mở rộng mức hưởng theo hướng đơn giản hóa thủ tục tiếp cận, giúp người bệnh giảm bớt thời gian cho các thủ tục chuyển tuyến khám chữa bệnh, được kịp thời điều trị và gia tăng cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Có cần đổi thẻ BHYT khi tỉnh đã đổi tên, xã đã sáp nhập?

Từ ngày 1-7, cả nước còn 34 tỉnh thành và đồng loạt thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thông tin về quê quán, địa chỉ của người dân cũng được điều chỉnh. Vì thế, nhiều người bệnh khi đi viện băn khoăn về việc tấm thẻ BHYT cũ có tiếp tục dùng được không, có phải đổi lại không?

Về vấn đề này, đại diện BHXH Khu vực I khẳng định, người dân không cần đổi thẻ BHYT, kể cả khi địa chỉ trên thẻ không còn khớp với tên hành chính mới. Mọi dữ liệu đã được đồng bộ thông qua Căn cước công dân gắn chip và kết nối với hệ thống quản lý BHYT quốc gia. Các cơ sở y tế vẫn tiếp tục sử dụng thẻ BHYT đã cấp cho người dân để khám chữa bệnh khi chưa kịp điều chỉnh thông tin địa chỉ, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu trên thẻ. Cơ quan BHXH cũng sẽ phối hợp ký mới hoặc gia hạn hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các đơn vị y tế sáp nhập, thành lập mới, để đảm bảo dịch vụ không bị gián đoạn.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/quyen-loi-muc-huong-bao-hiem-y-te-duoc-mo-rong-tam-phao-cuu-sinh-cua-nguoi-benh-post616726.antd