Quyền lực mềm - Chiến lược phát triển của quốc gia: Dòng chảy quyền lực từ văn hóa tới kinh tế
Trên thực tế, đã có những cuộc đua ngầm giữa một số quốc gia. Do đó, những năm gần đây, một số nước châu Á có nền kinh tế phát triển đều tích cực xây dựng và quảng bá quyền lực mềm ở các mức độ khác nhau nhằm tận dụng tối đa đặc thù của mỗi nước.
Kinh tế mềm
Đứng thứ 3 trong danh sách Các quốc gia có quyền lực mềm hàng đầu năm 2024 của Brand Finance là Trung Quốc. Theo Brand Finance, thứ hạng này đến từ sự thay đổi của Trung Quốc trong các chỉ số kinh doanh, thương mại, giáo dục và khoa học. Khái niệm “quyền lực mềm” được đề cập rõ ràng lần đầu tiên tại Đại hội Đảng lần thứ 10 của Trung Quốc năm 2007. Khi đó, nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu: “Sự phục hưng lớn của đất nước chắc chắn sẽ đi kèm sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa Trung Quốc”. Trong Đại hội Đảng năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhận định: “Chúng ta nên tăng cường sức mạnh mềm, đưa ra một câu chuyện hay về Trung Quốc và truyền đạt tốt hơn các thông điệp của Trung Quốc với thế giới”.
Chuyên gia phân tích về quan hệ quốc tế Joshua Kurlantzick cho rằng, thông qua viện trợ và hỗ trợ quốc tế, Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh kinh tế mềm. Điều này bao gồm ngoại giao kinh tế khéo léo và được thể hiện bằng các hiệp định thương mại khu vực lớn hoặc hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) mở rộng theo hướng hợp tác. Đông Nam Á, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyền lực mềm của Trung Quốc. Sáng kiến Vành đai và con đường (hay BRI) được các nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả như một phương tiện cho quyền lực mềm, kêu gọi thúc đẩy kết nối khu vực. Một công cụ khác để Trung Quốc mở rộng quyền lực mềm là thông qua các viện Khổng Tử, với cơ sở đầu tiên được mở năm 2004 tại Seoul, Hàn Quốc.
Ngoài ra, còn có các trung tâm, tổ chức phi lợi nhuận liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc, cung cấp các khóa học tiếng phổ thông, các lớp học nấu ăn và thư pháp cũng như lễ kỷ niệm các ngày lễ quốc gia của Trung Quốc.
Quảng bá hình ảnh quốc gia
Nhật Bản là quốc gia đứng vị trí số 4 trong bảng xếp hạng này. Không chỉ quảng bá hình ảnh của một quốc gia hòa bình, qua đó khẳng định sức nặng của giá trị văn hóa Nhật Bản, việc gia tăng quyền lực mềm còn được kỳ vọng có thể mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra nước ngoài, góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Từ đầu thế kỷ 21, khái niệm “quyền lực mềm” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các cuộc bàn luận và văn bản hoạch định chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Năm 2003, Bộ Ngoại giao cùng Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tiến hành khảo sát toàn diện về các tổ chức và các chương trình trao đổi văn hóa với các quốc gia phương Tây. Trên cơ sở đó, năm 2004, Chính phủ Nhật Bản thành lập Bộ phận đặc biệt trực thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề ngoại giao cộng đồng hay ngoại giao công chúng, đồng thời Ủy ban Đặc trách phát triển ngoại giao văn hóa Nhật Bản cũng được thành lập, nhằm tổ chức quảng bá văn hóa truyền thống của xứ sở mặt trời mọc tới các quốc gia trong khu vực Đông Á. Khái niệm “quyền lực mềm” được chính thức đề cập trong “Sách Xanh” ngoại giao cùng năm.
Sự thành công ngày nay của Nhật Bản trong quảng bá quyền lực mềm xuất phát từ sự chuyển hướng của chính phủ nước này từ “ngoại giao chính trị” sang “ngoại giao công chúng”. Ý thức được tính chất bền vững và ổn định của quyền lực từ văn hóa, Nhật Bản đã tập trung quảng bá âm nhạc, ẩm thực, ngôn ngữ... ra nước ngoài, đặc biệt là 2 yếu tố: manga (truyện tranh) và anime (phim hoạt hình). Quá trình “xuất khẩu văn hóa” không chỉ tạo ra xung lực kinh tế, củng cố vị thế đất nước mà còn gia tăng sức hút cho hình ảnh mới - một cường quốc hiện đại, giàu bản sắc và yêu chuộng hòa bình.
Ngoài hoạt động viện trợ liên tục và thường xuyên, Nhật Bản cũng đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và giải quyết các vấn đề an ninh khu vực. Chiến lược quyền lực mềm đa diện của Nhật Bản, kết hợp văn hóa đại chúng, chính sách đối ngoại và các giá trị chính trị đã phát huy hiệu quả ở nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á.
Là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia, hàng năm, Brand Finance thực hiện Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report). Đây được coi là báo cáo nghiên cứu toàn diện liên quan đến đánh giá quyền lực mềm của các quốc gia. Cuộc khảo sát mới nhất được Brand Finance tiến hành trên 170.000 người ở 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ hiệu suất của các trụ cột (kinh doanh, thương mại, quản trị, quan hệ quốc tế, văn hóa và di sản, truyền thông và báo chí, giáo dục và khoa học, con người). Bên cạnh đó là các tiêu chí: Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia; Danh tiếng tổng thể trên toàn cầu.