Quyền lực mềm của Việt Nam trong ngành giải trí
Khi nghệ thuật không được nhìn nhận một cách đúng đắn, quyền lực mềm trong khía cạnh văn hóa cũng sẽ bị hạn chế.
Làn sóng Hallyu làm mưa làm gió thị trường châu Á. (Nguồn: VOX)
Đầu thế kỷ XXI, làn sóng Hallyu gây chao đảo mảnh đất hình chữ S với sự đổ bộ của một loạt tuyệt phẩm màn ảnh nhỏ như Bản tình ca mùa đông, Trái tim mùa thu, Vườn sao băng... Bên cạnh truyền hình, âm nhạc Hàn Quốc nổi lên như một hiện tượng, chinh phục hàng loạt thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo Quỹ Giao lưu công nghiệp văn hóa Hàn Quốc, Việt Nam có chỉ số đánh giá mức độ hâm mộ công chúng đối với làn sóng Hallyu xếp thứ tư toàn châu Á. Thế hệ cuối 8x, đầu 9x từng say mê DBSK, Super Junior, Big Bang; nay thế hệ 10x Việt Nam tiếp tục bị hớp hồn bởi nhóm nhạc trẻ gen 3 như BTS, Black Pink...
Mức độ ảnh hưởng của phim ảnh, âm nhạc và sách báo nâng cao quyền lực mềm của các quốc gia như Hàn Quốc hay Mỹ. Việc kết nối các yếu tố văn hóa dân tộc với xu hướng đại chúng giúp gia tăng vị thế của một quốc gia trong tiềm thức người dân các nước chịu ảnh hưởng.
Ví dụ, nhờ sự quảng bá của nghệ thuật, hình ảnh nhân vật xinh đẹp, tài năng, giàu lòng trắc ẩn đã đưa con người Hàn Quốc trở thành chuẩn mực để vươn tới. Chẳng vậy mà câu nói ví von kiểu “đẹp như diễn viên Hàn” ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống của người Việt.
Khoan bàn tới chuyện thần tượng quá đà một nền văn hóa là đúng hay sai, chúng ta cần nhìn vào thực tế là nền công nghiệp giải trí của chúng ta đang thiếu đi yếu tố bản sắc dân tộc đủ sức thu hút giới trẻ. Các hình thức nghệ thuật truyền thống như chèo, quan họ hay cải lương không thể hiện được sức hấp dẫn với phần lớn thế hệ trẻ, còn phim thương mại hay âm nhạc hiện đại thì gần như không có chất “Việt Nam”!
Mô hình K-pop thành công đến mức nhiều công ty giải trí của Việt Nam mô phỏng để đào tạo “gà”. Tuy nhiên, phần lớn "ông bầu" đã bỏ qua tầm quan trọng của “yếu tố Việt Nam” trong nhóm nhạc chạy theo xu hướng Hàn Quốc. Các nhóm K-pop vẫn ra mắt album thường xuyên, xuất hiện đều đặn trên show tạp kỹ, vậy tại sao khán giả Việt Nam cần thêm “bản sao” nội địa?
Thiếu màu sắc riêng là một vấn đề, Việt Nam chưa tận dụng được thông điệp truyền tải văn hóa qua các ấn phẩm truyền thông. Hàng năm, phim thương mại Việt Nam sản xuất phần lớn xoay quanh câu chuyện tình cảm, hài hước nhưng thiếu đi chất lượng nghệ thuật cao cấp và nhất là thiếu đi “hồn” Việt Nam.
Có hai thực trạng đáng suy ngẫm về nền điện ảnh Việt Nam hiện nay. Thứ nhất, dòng phim lịch sử đang chìm vào lãng quên. Hãng phim truyện Việt Nam (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam) thiếu vốn đầu tư hỗ trợ của nhà nước, còn các công ty tư nhân thường né tránh dòng phim này vì khó sinh lời. Hậu quả là hàng năm, Việt Nam chỉ sản xuất một đến hai bộ phim đem công chiếu vào dịp lễ kỷ niệm.
Thứ hai, những bộ phim “mì ăn liền” ra rạp hàng tháng có thể đem áp dụng vào bối cảnh bất kỳ quốc gia nào, nội dung kịch bản không có sự đầu tư cần thiết để quảng bá văn hóa dân tộc.
Để thay đổi điều này, Chính phủ nên thực hiện một số biện pháp từ ngắn hạn cho đến dài hạn. Có thể là tích cực đầu tư, thương mại hóa các dự án phim nghệ thuật để tăng tiềm năng tiếp cận khán giả đại chúng hay áp dụng chính sách “kim ngạch điện ảnh” với tỷ lệ phần trăm tăng dần hàng năm để khuyến khích sự phát triển của điện ảnh trong nước.
Và quan trọng hơn cả, nền giáo dục cần có cái nhìn nghiêm túc và tôn trọng hơn với các môn nghệ thuật. Hiện tại, chúng ta đang đặt nặng các môn tự nhiên mà xem nhẹ đi các giá trị văn-thể-mỹ cơ bản. Khi nghệ thuật không được nhìn nhận một cách đúng đắn, quyền lực mềm trong khía cạnh văn hóa cũng sẽ bị hạn chế. Vì vậy, nên chăng những lớp học như điện ảnh, âm nhạc, hội họa nên được đưa vào chương trình chính khóa từ bậc phổ thông?
Không cần bàn cãi rằng quyền lực mềm củng cố vị thế của một quốc gia. Để nhân rộng nét đẹp văn hóa của Việt Nam, chúng ta cần thay đổi cốt lõi từ nền giáo dục và cách nhận thức về nền công nghiệp giải trí.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quyen-luc-mem-cua-viet-nam-trong-nganh-giai-tri-103266.html