Quyền tác giả và quyền liên quan đối với Quốc ca Việt Nam

Dư luận đang bức xúc vụ Quốc ca Việt Nam ở trận thi đấu bóng đá giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam - đội tuyển quốc gia Lào trong khuôn khổ AFF Suzuki 2020 đang thi đấu tại Singapore. NEXT Media tiếp sóng đài truyền hình Việt Nam trên nền tảng Youtube. Vì sao NEXT Media ngắt tiếng khi đội tuyển Việt Nam đang thực hiện nghi lễ hát Quốc ca?

Xét về luật, khi ca sĩ muốn hát một bài hát nào đó ở một sự kiện mang tính thương mại thì phải xin phép và trả phí bản quyền cho tác giả hoặc đơn vị đại diện (Trung tâm Bảo vệ tác quyền tác giả âm nhạc Việt Nam). Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chọn bài hát Tiến quân ca là Quốc ca Việt Nam, sau đó gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng bài hát Tiến quân ca cho Tổ quốc. Điều đó có nghĩa là bài hát Tiến quân ca là tài sản quốc gia. Ai cũng có quyền được hát, được ghi âm, ghi hình bài Quốc ca trong các sự kiện với mọi mục đích, được phép duy trì bài Quốc ca trên nền tảng số bao lâu cũng được mà không cần xin phép gia đình nhạc sĩ Văn Cao hay đơn vị đại diện. Đó là xét trên góc độ quyền tác giả.

(Ảnh chụp từ màn hình laptop)

(Ảnh chụp từ màn hình laptop)

Tuy nhiên, khi hát Quốc ca cần có nhạc nền, vì thế các cá nhân, tổ chức, đơn vị sẽ thực hiện các bản ghi âm Quốc ca Việt Nam. Để thực hiện các bản ghi âm họ phải đầu tư công sức, tiền bạc cho nhạc sĩ hòa âm, phối khí, phòng thu. Do đó, họ xác lập bản quyền đối với bản ghi âm đó tức là xác lập quyền liên quan chứ không phải xác lập quyền tác giả đối với bài Quốc ca Việt Nam. Cá nhân, tổ chức, đơn vị nào sử dụng bản ghi âm do họ đầu tư thì phải xin phép và trả phí. Điều này hoàn toàn đúng Luật Sở hữu trí tuệ. Muốn không bị đánh bản quyền, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cần thuê nhạc sĩ hòa âm, phối khí, tạo một bản ghi âm mà VFF có quyền sở hữu rồi gửi bản ghi âm đó cho ban tổ chức AFF Suzuki Cup sử dụng khi cử hành nghi thức chào cờ. Bất cứ ai đầu tư, sản xuất bản ghi âm của mình đều có quyền xác lập quyền liên quan với bản ghi âm đó theo Luật Sở hữu trí tuệ. Việc các bản ghi âm bài hát Quốc ca của các tổ chức, đơn vị bị đánh bản quyền trên nền tảng số chẳng qua vì họ sử dụng mà không xin phép, không trả phí cho người sản xuất ra bản ghi âm đó.

NEXT Media tiếp sóng trận thi đấu Việt Nam - Lào từ Đài truyền hình Việt Nam trên nền tảng YouTube mà NEXT Media có thể không biết ban tổ chức sẽ sử dụng bản ghi âm nào cho bài Quốc ca Việt Nam khi đội tuyển quốc gia thực hiện nghi thức chào cờ. Nếu ban tổ chức sử dụng một bản ghi âm cho phần cử hành Quốc ca thì phải xin phép và trả phí cho tổ chức, đơn vị sở hữu bản ghi âm bài Quốc ca. Nếu ban tổ chức sử dụng bản ghi âm do BH Media đang sở hữu bản quyền thì tiền sẽ tự động vào tài khoản của BH Media. Vì thế để tránh chuyện “ông làm - bà hưởng”, NEXT Media ngắt tiếng phần nhạc nền bài Quốc ca Việt Nam cho an toàn.

Theo Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật GV Lawyers - TP. Hồ Chí Minh: Cần phân biệt quyền tác giả và quyền liên quan. Tác phẩm Tiến quân ca đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhà nước và ca khúc này đã trở thành Quốc ca. Đây là một nguyên tắc hiến định và đương nhiên chủ sở hữu quyền tác giả Quốc ca thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, nếu sử dụng bản ghi âm tác phẩm Quốc ca, tức là sử dụng quyền liên quan thì bất luận trong trường hợp nào cũng phải trả phí bản quyền liên quan cho chủ sở hữu quyền liên quan (tức cá nhân/tổ chức đầu tư tài chính để sản xuất ra bản ghi âm). Luật Sở hữu trí tuệ cho phép chủ thể quyền có quyền áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Có lẽ vì chưa rõ bản ghi âm thuộc quyền sở hữu của ai nên đơn vị tiếp sóng trên nền tảng Youtube đã có động thái ngắt phần âm nhạc Quốc ca để tránh rủi ro về mặt bản quyền.

Vũ Hải Sơn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/18/128821/quoc-ca-viet-nam-la-tai-san-quoc-gia