Đề xuất giảng dạy về Danh nhân Lưu Đình Chất trong chương trình Giáo dục địa phương

Đây là nội dung được đề cập trong Hội thảo khoa học với tiêu đề 'Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Ông' do MB Bank phối hợp tổ chức tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vào ngày 06/7/2024.

Danh nhân Lưu Đình Chất (1566-1627) sinh tại thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nguyên quán tại phường Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ông là một đại quan triều đình tài đức vẹn toàn của triều Lê, được đánh giá là Danh nhân văn hóa, giàu tài năng trị quốc, ngoại giao và văn chương, đóng góp nhiều công tích cho dân tộc. Ông đạt đến đỉnh cao phẩm chất chính trị nhân văn, được thể hiện ở niềm khát khao mưu lợi, trừ hại cho dân, được vua chúa khen ngợi và nhân dân ghi công biết ơn.

Ông Lưu Đình Chất khi đậu thi hương, được ban chức Cấp sự trung Lại khoa (Chánh bát phẩm). Năm 1607, Ông thi đỗ Đình nguyên - Hoàng Giáp (đệ nhị giáp Tiến sĩ) cùng 4 người đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân (bia số tiến sĩ 26 tại VM-QTG).

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Ông”

Các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Ông”

Năm 1613, Tiến sĩ Lưu Đình Chất được thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá, được cử làm Chánh sứ sang cống nhà Minh. Khi về nước được thăng Tả thị lang bộ Lại, tước Nhân Lĩnh hầu.

Năm 1614, Ông được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thủy, Nam Định đã xuất tiền đắp đê, lấn biển lập ra 12 làng xã mới, trong đó có hai làng Hạ Cát (xã Hồng Thuận) và Diêm Điền (xã Bình Hòa), huyện Giao Thủy.

Tiến sĩ Lưu Đình Chất hai lần dâng khải lên chúa Trịnh Tùng xin hoãn tuyển binh ở Thanh Hóa (năm Bính Thìn - 1616) vì hai vụ lúa đều mất mùa do bị thiên tai, làm cho cuộc sống dân chúng bị đói khổ và xin "sửa đức để tránh điều tai dị" (năm Mậu Ngọ - 1618) vì khó khăn kéo dài liên tiếp ba năm.

Năm Quý Hợi (1623), Tiến sĩ Lưu Đình Chất có công lớn trong việc dẹp loạn Hoàng tử Vạn quận công Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử, được chúa Trịnh Tráng biết tài và mến đức. Ông được thăng Đô ngự sử, sau đó là Thượng thư bộ Hộ, Tả lý công thần, làm Tham tụng (Tể tướng - chức đứng đầu quan văn phủ Chúa), hàm Thiếu bảo, gia tước Phúc quận công. Tiến sĩ Lưu Đình Chất là nhà thơ lớn, đã để lại 19 bài thơ cận thể trong Toàn Việt thi lục. Năm 1627 ông mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư.

Tiến sỹ Lưu Đình Chất là một đại quan triều đình tài đức vẹn toàn, là hậu duệ đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ, đã thừa kế trọn vẹn tài năng và truyền thống tốt đẹp của Thái sư, được đánh giá là Danh nhân văn hóa, giàu tài năng trị quốc, ngoại giao và văn chương, đóng góp nhiều công tích cho dân tộc. Ngài đạt đến đỉnh cao phẩm chất chính trị nhân văn, được thể hiện ở niềm khát khao mưu lợi, trừ hại cho dân, được vua chúa khen ngợi và nhân dân ghi công biết ơn.

Tiến sĩ Lưu Đình Chất được phối thờ tại đình Đông Khê, thờ tự tại Nhà thờ họ Lưu ở thôn Đông Khê và tại hai cụm di tích cấp quốc gia đền - chùa Hà Cát và Diêm Điền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đình Đông Khê và lăng mộ Ông được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1993. Tên của Ông được đặt cho trường THPT Lưu Đình Chất giai đoạn 2010-2019 tại xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Hội thảo đã đề xuất giảng dạy về Danh nhân Lưu Đình Chất trong chương trình Giáo dục địa phương.

Hội thảo đã đề xuất giảng dạy về Danh nhân Lưu Đình Chất trong chương trình Giáo dục địa phương.

Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học "Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về Ông" với mục tiêu là: 1- Xác định rõ thân thế, sự nghiệp, công trạng và truyền thống tốt đẹp của Ông và 2- Kiến nghị các giải pháp tôn vinh Danh nhân xứng tầm với công trạng của một đại quan đỗ Hoàng Giáp, Tể tướng, tước Thiếu bảo, Phúc Quận công và là tiêu biểu về mưu lợi và trừ hại cho dân.

Thông qua Hội thảo, các đại biểu mong muốn các ngành, các cấp tiếp tục đầu tư, tôn tạo các di tích hiện có liên quan đến danh nhân Lưu Đình Chất, như đình Đông Khê, khu Lăng mộ Ông và Từ đường họ Lưu Đình Đông Khê, bên cạnh tiếp tục nghiên cứu, lập đề án phục hồi lại Đền thờ Lưu Đình Chất và khu Văn chỉ hàng tổng ở làng Đông Khê.

Ngoài ra, các đại biểu cũng mong muốn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Danh nhân Lưu Đình Chất, tiêu biểu như đổi tên một trường học (có thể là Trường THPT Hoằng Hóa 2, hoặc Trường THCS, Tiểu học xã Hoằng Quỳ) thành mang tên Lưu Đình Chất.

Một nội dung quan trọng trong hội thảo là đề xuất đưa các nội dung về Danh nhân Lưu Đình Chất ở các mặt: Con người, sự nghiệp, công trạng (Phần Lịch sử), di tích (Phần Văn hóa) và văn thơ (Phần Văn học) vào chương trình dạy học (môn Giáo dục địa phương, môn Hoạt động trải nghiệm) của địa phương, góp phần giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ trẻ Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Thành Hải

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-xuat-giang-day-ve-danh-nhan-luu-dinh-chat-trong-chuong-trinh-giao-duc-dia-phuong-277880.html