Quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan trấn an ngân hàng trong nước
Quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương mới của Afghanistan do Taliban bổ nhiệm đã tìm cách trấn an những ngân hàng trong nước rằng lực lượng này muốn có một hệ thống tài chính vận hành đầy đủ.
Theo các nguồn thạo tin, quyền Thống đốc Ngân hàng trung ương mới của Afghanistan do Taliban bổ nhiệm là ông Haji Mohammad Idris.
Các nguồn tin này cũng cho rằng đến thời điểm hiện nay phía Taliban chưa cho thấy nhiều thông tin về cách thức lực lượng này sẽ đảm bảo được nguồn vốn để duy trì hệ thống tài chính.
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế tại trường Cao đẳng Montgomery ở Maryland (Mỹ) và là thành viên hội đồng quản trị của Ngân hàng trung ương Afghanistan từ năm 2002, ông Shah Mehrabi nhận định Afghanistan sẽ không thể tránh khỏi "một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo" nếu chính quyền mới không được tiếp cận nguồn tài chính.
Ông Mehrabi đã hối thúc Bộ Tài chính Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện các bước đi nhằm trao cho lực lượng Taliban quyền tiếp cận ở mức hạn chế nguồn tiền dự trữ của Afghanistan để nước này không bị rơi vào khủng hoảng kinh tế.
Giới phân tích cho rằng lực lượng Taliban khó có thể dễ dàng tiếp cận khoản dự trữ gần 10 tỷ USD của ngân khố quốc gia. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “đóng băng” các khoản dự trữ của Chính phủ Afghanistan được gửi trong các tài khoản ngân hàng tại Mỹ vào ngày 15/8, sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul. Trong khi đó, IMF cũng nêu rõ Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tiền của quỹ tài chính này.
Dự kiến trong tuần này, ông Mehrabi sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới lập pháp Mỹ và hy vọng sẽ sớm trao đổi với các quan chức Bộ Tài chính Mỹ về những vấn đề liên quan.
Quan chức này nêu rõ: "Nếu cộng đồng quốc tế muốn ngăn chặn nền kinh tế sụp đổ, chỉ còn cách là cho phép Afghanistan tiếp cận có giới hạn các nguồn dự trữ và giám sát hoạt động này. Việc không thể tiếp cận nguồn tài chính dự trữ sẽ khiến nền kinh tế Afghanistan đình trệ, trực tiếp gây tổn thương tới người dân Afghanistan, khi các gia đình bị lún sâu hơn vào cảnh bần cùng"./.