Quyền tự do báo chí tại Việt Nam là điều không thể xuyên tạc
Về vai trò và nhiệm vụ của báo chí, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: 'Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch'. Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại luôn là trọng tâm chiến lược của Đảng, Nhà nước nhằm phát huy cao nhất vai trò và sứ mệnh của lực lượng này trong xây dựng đồng thuận xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng cao đẹp vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Xuyên tạc tình hình tự do báo chí
Ở nước ta, vai trò của báo chí ngày càng được nâng cao, là công cụ để Đảng và Nhà nước điều hành, quản lý xã hội; là phương tiện cho mọi người dân thỏa mãn những nhu cầu về giải trí, văn hóa, nâng cao tri thức, làm cho con người có đủ thông tin, cơ sở để thấu hiểu lẫn nhau, thực hiện đại đoàn kết dân tộc; lên án, xóa bỏ những tệ nạn, tiêu cực trong xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến lợi ích của đất nước và Nhân dân. Đồng thời, báo chí cũng là một vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta chống lại luận điệu xuyên tạc, sai lệch của các thế lực thù địch, phản động chống phá chế độ.
Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn tìm mọi cách xuyên tạc, bịa đặt về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, xa hơn nữa là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng với đất nước và dân tộc.
Chúng rêu rao Việt Nam không có nhân quyền vì không có báo chí tư nhân, không có tự do báo chí; cho rằng tự do báo chí là không bị “kiểm duyệt” bởi bất kỳ lực lượng nào - cho dù đó có là Chính phủ hay xã hội. Và, như thế mới là một xã hội có nhân quyền, mới có tự do báo chí. Chúng lợi dụng trường hợp những nhà báo, những người làm công tác báo chí bị xử lý do vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để vu cáo báo chí “đang bị kìm kẹp”, “nhà nước bóp nghẹt tự do ngôn luận, triệt tiêu quyền tự do báo chí”.
Với chiêu bài “bảo vệ nhà báo” và “đấu tranh đòi lại quyền tự do báo chí”, chúng triệt để lợi dụng một số yếu kém, sơ hở trong công tác quản lý báo chí để thổi phồng; thậm chí lợi dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh, chắp nối thông tin để kích động, tạo bất mãn trong xã hội, cổ xúy cho những người mà chúng gọi là “bất đồng chính kiến” như Nguyễn Bảo Tiên, Đỗ Nam Trung, Vũ Tiến Chi, Đường Văn Thái và một số kẻ khác, hòng gây hoang mang dư luận, chia rẽ nội bộ, giảm uy tín của Đảng và Nhà nước. Thông qua cái gọi là “bảo vệ tự do báo chí”, các thế lực thù địch núp bóng “tự do ngôn luận” để tìm cách bóp méo, bịa đặt, vu khống các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực mà đất nước ta đã gặt hái được nhiều thành tựu.
Bên cạnh việc sử dụng chiêu bài “đòi tự do báo chí”, chúng còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đòi mở rộng dân chủ trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội; đòi xây dựng nền kinh tế thị trường không có sự lãnh đạo của Đảng hay định hướng XHCN; đòi đa đảng, đa nguyên chính trị, tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp truyền bá lý tưởng, đạo đức, lối sống, quan điểm xa lạ về “tự do” để gây xáo trộn về mặt tư tưởng trong xã hội, làm tha hóa lối sống, đạo đức của một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng mơ hồ, mất phương hướng chính trị, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lịch sử, truyền thống của đất nước, lợi ích chính đáng của Nhân dân. Đây là những âm mưu rất thâm độc.
Tự do báo chí luôn gắn với quyền con người
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người. Tính đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 7/9 công ước cơ bản của LHQ về quyền con người; 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam luôn cam kết và nỗ lực thực hiện nghĩa vụ theo các công ước đã tham giao, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định”- (Điều 25).
Luật Báo chí năm 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; Nhà nước thực hiện việc bảo hộ đối với hoạt động của nhà báo trong khuôn khổ pháp luật và báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng - (Điều 13).
Thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của Việt Nam trong những năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận,đánh giá cao là minh chứng rõ ràng nhất cho quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong bảo đảm quyền con người. Trong đó, quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng đã và đang đạt được những bước tiến mới. Việt Nam quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo, đầu tư tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiến tiến, bắt kịp với thời đại, nhằm giúp mọi người dễ dàng tiếp nhận các thông tin và nhà báo có đầy đủ điều kiện để tự do sáng tạo trong nghề nghiệp.
Theo thống kê, đến nay, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người. Số liệu này cho thấy, nền báo chí Việt Nam đang rất phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng trong tiếp nhận thông tin, tạo diễn đàn bảo đảm quyền tự do ngôn luận cho mọi cá nhân trong xã hội.
Mỗi công dân Việt Nam đều được quyền nói lên tiếng nói của mình thông qua các ấn phẩm, tạp chí, website, bản tin của tổ chức, đoàn thể, cơ quan mà mình tham gia. Ngoài báo phổ thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã dành chuyên kênh phát thanh, truyền hình hoặc xuất bản ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số hay xuất bản tờ báo dành riêng cho cộng đồng bà con dân tộc bằng nhiều thứ tiếng của đồng bào như Mông, Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho...
Với Quyết định số 45/QĐ-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước đã cấp miễn phí 19 tờ báo, tạp chí và các loại ấn phẩm chuyên đề, báo, tạp chí dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng khó khăn với tổng số lượng hằng năm hơn 34 triệu bản cung cấp cho hơn 424.529 đối tượng được thụ hưởng.
Đề cao vai trò của tự do báo chí
Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí ngày càng chặt chẽ, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế phát triển của thời đại, tạo cơ sở pháp lý, chỗ dựa vững chắc cho hoạt động và phát triển của báo chí. Đồng thời, không để lọt những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật để các thế lực thù địch có thể lợi dụng. Nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước trong định hướng dư luận, dẹp bỏ những thông tin sai trái, đi ngược lại đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng nhân dân…
Nhận thức tầm quan trọng của lực lượng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia năm 2022, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh về sứ mệnh của người làm báo cách mạng trong bối cảnh hiện nay, cần “kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước”.
Để thực hiện được sứ mệnh đó, cần xây dựng những chuẩn mực chung cho đội ngũ nhà báo. Đội ngũ nhà báo phải được tôi luyện để trở thành những người có tâm, có tầm, có kiến thức tiếp thu thành tựu khoa học mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước những tiêu cực xã hội và thử thách của đời sống. Nhà báo cần nâng cao ý thức “làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội trong lành hơn”, tuyệt đối không lợi dụng nghề nghiệp để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc nhóm lợi ích, gây dư luận và hậu quả xấu trong xã hội.
Kiên quyết xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí có tư tưởng sai lệnh, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Báo chí đóng vai trò phản ánh đúng sự thật khách quan, bởi chỉ có sự thật mới có sức lan tỏa, tạo niềm tin trong quần chúng. Báo chí phải trở thành công cụ góp sức đưa đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Đồng thời, phải nỗ lực tạo ra diễn đàn cho Nhân dân, hình thành dư luận khách quan, chuẩn mực, giúp công chúng tiếp thu đúng đắn nguồn tin khổng lồ từ khắp mọi nơi, giúp nhân dân nắm rõ được sự thật, tránh được “bẫy” tự do báo chí của các thế lực thù địch.
Tự do báo chí là cơ sở quan trọng để con người chủ động tiếp cận và tích lũy tri thức, phát huy ý chí, khát vọng, khơi dậy tinh thần, trí tuệ của bản thân và cộng đồng nhằm phát triển cá nhân, đất nước. Đồng thời, là biện pháp chủ yếu để người dân sử dụng quyền lực của Nhà nước, thông qua phản ánh, giám sát, phản biện đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của bản thân hoặc những vấn đề về an ninh, an toàn xã hội và những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước.
Đảng và Nhà nước ta tăng cường quản lý, giám sát đối với các cơ quan báo chí, bảo đảm cho nền báo chí đi đúng hướng, phục vụ chân lý, lý tưởng XHCN, lợi ích của Nhân dân. Chỉ khi báo chí được lãnh đạo bởi một Đảng được trang bị hệ thống lý luận cách mạng và khoa học thì hoạt động báo chí mới bảo đảm được tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đa số Nhân dân và đất nước.
Ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là quyền tự do vô giới hạn, tự do tuyệt đối mà phải gắn với thể chế chính trị, đạo đức, luân lý xã hội, pháp lý cụ thể. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức và công dân.