Quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Thị Mười ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 12, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

Quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình:

1. Được khen thưởng khi có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; được bảo vệ, giữ bí mật về thông tin cá nhân khi báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình; được Nhà nước hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

2. Cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau đây:

a) Báo tin, tố giác ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định;

b) Tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.

* Bạn đọc Trần Văn Bạch ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, hỏi: Người có công với cách mạng đang nuôi dưỡng tại cơ sở về thăm gia đình mà tự túc phương tiện vận chuyển thì được hỗ trợ như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại điểm d, khoản 5, Điều 1, Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21-7-2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể như sau:

Người có công đang nuôi dưỡng tại cơ sở về thăm gia đình mà tự túc phương tiện vận chuyển thì được hỗ trợ tối đa 1 lần/1 năm (bao gồm tiền đi lại và tiền ăn) cho bản thân đối tượng và một người thân đi cùng (nếu có) từ cơ sở nuôi dưỡng đến gia đình, quê quán người có công và theo chiều ngược lại: Hỗ trợ thanh toán theo hóa đơn, bao gồm vé phương tiện vận tải hành khách công cộng, chứng từ hợp pháp hoặc giấy biên nhận theo quy định của pháp luật; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác như tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu; đối với phương tiện máy bay thì được thanh toán tối đa theo giá vé hạng phổ thông tiêu chuẩn và tiền cước hành lý (nếu giá vé chưa bao gồm cước hành lý) theo đơn giá cước hành lý của chuyến đi và khối lượng hành lý nhưng không vượt quá khối lượng hành lý được mang theo của loại vé thông thường khác; hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/người/lượt.

Trường hợp đối tượng nhận hỗ trợ theo hình thức khoán thì được hỗ trợ với mức 3.000 đồng/km/người theo quãng đường nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/đối tượng và người thân/năm.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quyen-va-trach-nhiem-cua-ca-nhan-trong-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-747017