Quyết định gây bất ngờ của tiến sĩ U40 ở Đồng Nai

Từng nhai trà sống để thức đêm học tập nhưng khi chạm giấc mơ được nghiên cứu tại ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới, 8X Đồng Nai lại có sự lựa chọn khiến nhiều người bất ngờ.

Vượt khó

Sáng mùa đông lạnh giá, Tiến sĩ Dương Thanh Tài (38 tuổi, quê Đồng Nai) bước vào ngày làm việc mới tại Trung tâm Ung thư Abben, bệnh viện Spencer, Mỹ.

TS Tài không xuất thân trong gia đình có truyền thống học thuật. Bố anh là nhân viên của một công ty gang thép tại Thái Nguyên, mẹ là nông dân. Năm 2002, gia đình anh chuyển vào Đồng Nai sinh sống.

Nơi đất khách, bố mẹ anh lao động nặng nhọc để mưu sinh, lo cho con ăn học. Lúc nhỏ, vì chưa có hộ khẩu, anh Tài học trường dân lập khiến gia đình thêm gánh nặng kinh tế. Anh cũng mặc cảm vì trường dân lập thường không được đánh giá cao.

TS Dương Thanh Tài thời điểm còn làm việc trong vai trò nhà Vật lý Y khoa tại một bệnh viện ở Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Dương Thanh Tài thời điểm còn làm việc trong vai trò nhà Vật lý Y khoa tại một bệnh viện ở Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xuất phát điểm không quá nổi bật, vào đại học anh Tài thua kém so với nhiều bạn bè. Tuy vậy, anh nỗ lực học tập, kiên trì trước khó khăn và tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý học tại một trường đại học ở TPHCM.

Ra trường, anh về làm việc tại một bệnh viện ở Đồng Nai trong vai trò một nhà Vật lý Y khoa. Đây là lĩnh vực kết nối giữa vật lý và y học, đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị ung thư.

Tại bệnh viện, anh vừa làm việc vừa trở thành nghiên cứu sinh. TS Tài kể: “Thời điểm ấy, mỗi tháng tôi phải gặp thầy cô để báo cáo tiến độ nghiên cứu. Những lúc như vậy, tôi thường sống trong lo lắng, sợ hãi vì chưa có gì để báo cáo.

Tôi cố gắng ngày làm việc, đêm thức học tập. Để chống lại cơn buồn ngủ, tôi uống cà phê. Khi cà phê không còn tác dụng, tôi uống trà đặc. Nước trà mất tác dụng, tôi nhai cả nắm trà sống để học tiếp.

Dù vậy, sau 2 năm làm nghiên cứu sinh, tôi chưa có kết quả gì. Điều này khiến tôi cảm thấy thất bại, chán nản đến nỗi vừa đi vừa khóc, nghĩ đến chuyện buông xuôi. Nhưng tôi không muốn gia đình, bệnh viện nơi mình công tác thất vọng.

Tôi cũng không muốn đề tài mình đang nghiên cứu dở dang nên lại nỗ lực học tập. Cuối cùng, đề tài nghiên cứu của tôi đạt kết quả tốt, được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Tôi đủ điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ”.

Lựa chọn bất ngờ

Sau những thành công trong lĩnh vực Vật lý Y khoa, anh được Đại học Harvard gửi thư mời tham gia chương trình nghiên cứu tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau những thành công trong lĩnh vực Vật lý Y khoa, anh được Đại học Harvard gửi thư mời tham gia chương trình nghiên cứu tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bảo vệ xong luận án tiến sĩ, anh Tài tiếp tục làm việc tại bệnh viện 12 năm, trở thành nhà Vật lý Y khoa nhiều kinh nghiệm. Anh có những đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam thông qua nghiên cứu, giảng dạy, hợp tác quốc tế.

Năm 2022, anh nhận học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Western Ontario, Canada.

Sau khi hoàn thành chương trình này, anh có 3 lựa chọn: Nghiên cứu hậu tiến sĩ; trở thành trợ lý giáo sư; quay lại làm nhà Vật lý Y khoa tại Việt Nam hoặc quốc tế. Anh còn được Đại học Harvard gửi thư mời tham gia chương trình nghiên cứu tại Mỹ.

Anh đã khiến nhiều người bất ngờ khi chọn trở thành nhà Vật lý Y khoa tại bệnh viện Spencer.

Anh chọn trở thành nhà Vật lý Y khoa tại bệnh viện Spencer để ứng dụng lĩnh vực này vào việc điều trị ung thư. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh chọn trở thành nhà Vật lý Y khoa tại bệnh viện Spencer để ứng dụng lĩnh vực này vào việc điều trị ung thư. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Tài giải thích: “Nhận thư mời từ ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới, tôi hạnh phúc lắm. Nhưng tôi chọn trở thành nhà Vật lý Y khoa để thể hiện sự cam kết của mình trong việc ứng dụng lĩnh vực này vào việc điều trị ung thư.

Đây là cơ hội để tôi trực tiếp cống hiến cho bệnh nhân. Làm việc tại bệnh viện Spencer, tôi có thêm cơ hội học tập, kết nối với các chuyên gia hàng đầu để theo đuổi ước mơ cải thiện chất lượng điều trị ung thư, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Vật lý Y khoa ở Việt Nam và toàn cầu”.

Trước khi bắt đầu công việc mới tại Mỹ, TS Tài về Việt Nam để lan tỏa kiến thức Vật lý Y khoa. Anh thành lập nhóm Vật lý Y khoa Việt Nam: Cộng đồng khoa học và thực hành để kết nối các nhà Vật lý Y khoa trên toàn quốc.

Nhóm là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thông tin chuyên môn về các lĩnh vực xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân, an toàn bức xạ và nghiên cứu phát triển các kỹ thuật mới trong y khoa.

“Nhìn lại hành trình học tập, nghiên cứu của mình, tôi mãn nguyện vì được sống với đam mê. Tôi cũng hạnh phúc vì công việc, đam mê ấy giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư, những người đang cần các tiến bộ y học”, anh tâm sự.

Hà Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quyet-dinh-gay-bat-ngo-cua-tien-si-u40-o-dong-nai-2362286.html