Quyết định gây xúc động của người phụ nữ khi IVF tìm con

Mang trong mình căn bệnh lạc nội mạc tử cung mạn tính, nhưng khát khao có luôn cháy bỏng, chị Nguyệt bước vào hành trình 'tìm con' suốt gần 7 năm gian nan.

 Với những người mắc các bệnh lý gây hiếm muộn, vô sinh, hành trình "tìm con" luôn nhiều gian nan, cảm xúc. Ảnh: Freepik.

Với những người mắc các bệnh lý gây hiếm muộn, vô sinh, hành trình "tìm con" luôn nhiều gian nan, cảm xúc. Ảnh: Freepik.

Ngồi dưới hàng ghế khán giả trong buổi lễ Kỷ niệm 20 năm IVF của Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) ngày 17/11, chị Bùi Thị Thanh Nguyệt (40 tuổi, quận 6) không kìm được nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng "tìm con" đầy gian khó.

Năm 25 tuổi, chị Nguyệt kết hôn nhưng sau 5 tháng vẫn chưa có tin vui. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị lặng người đi. Vì là nhân viên y tế, chị hiểu rõ hơn ai hết căn bệnh lạc nội mạc tử cung đồng nghĩa với việc rất khó có con tự nhiên.

Từ đó, hành trình "tìm con" đầy gian nan của đôi vợ chồng chị bắt đầu.

Quyết định xúc động

Chị Nguyệt đi đến nhiều bệnh viện trong thành phố, tìm kiếm phương pháp có con, nhưng đều bị từ chối vì khả năng có con gần như không thể. Lúc này, mong muốn có con cháy bỏng, người phụ nữ tìm đến bác sĩ Đông y bốc thuốc uống.

Tuy nhiên, cơ địa dị ứng và phản vệ, chị Nguyệt uống 1-2 toa đầu thì bị tụt huyết áp, dị ứng, phải ngưng thuốc.

"Đứng trước tình cảnh chữa tây y thì từ chối, đông y thì bị dị ứng. Tôi chênh vênh", chị Nguyệt kể với Tri Thức - Znews.

Lúc này, chị tìm gặp bác sĩ quen nhờ thăm khám và được chẩn đoán tắt vòi trứng. Sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Hùng Vương, chị vẫn chưa thể có thai.

Sau đó, đôi vợ chồng tự tìm đến khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương khám, được chỉ định làm phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Qua 9 lần làm IUI, tin vui vẫn chưa đến.

 Cuộc hội ngộ nhiều cảm xúc của bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương và mẹ con chị Nguyệt. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Cuộc hội ngộ nhiều cảm xúc của bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Hùng Vương và mẹ con chị Nguyệt. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Cuối cùng, bác sĩ khuyên chị làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Nhưng tình trạng lạc nội mạc tử cung quá trầm trọng, muốn kích trứng, chị phải dùng thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt (Zoladex) để điều trị lạc nội mạc tử cung trước.

Người phụ nữ trẻ đồng ý, quyết định nhanh chóng như cố níu lấy hy vọng cuối cùng.

Bác sĩ thông báo phải tiêm 4 chu kỳ, giống như vào hóa chất điều trị của bệnh nhân ung thư. Thuốc này có tác dụng điều trị ung thư tuyến tiền liệt và kiểm soát lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc là gây loãng xương.

Trong quá trình sử dụng thuốc, chị Nguyệt bị gãy chân 2 lần vì bước hụt trên bậc thềm.

"Mỗi lần tiêm thuốc, tôi đau như chết đi sống lại. Móng tay chuyển màu nâu, da dẻ sần sùi như mắc ung thư, chỉ khác là không rụng tóc", chị Nguyệt xúc động nhớ lại.

Dùng xong thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung, bác sĩ cho chị sử dụng thuốc kích trứng. Vì lấy quá nhiều trứng, chị bị quá kích buồng trứng, phải nằm viện nhiều tháng ở Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Thống Nhất.

Trải qua nhiều nỗ lực, 15 phôi được tạo. Nhưng lúc chuyển 3 phôi đầu tiên vào tử cung thì thất bại, phôi không bám vào thành tử cung. Bác sĩ chuyên khoa II Lý Thái Lộc, Trưởng khoa Hiếm muộn, trực tiếp chuyển phôi lần 2, nhưng tiếp tục thất bại.

Nhận thấy đây là một ca khó, không thể chuyển phôi như bình thường, bác sĩ Lộc sử dụng phương pháp tạo sẹo trước khi cấy phôi. Lần thứ 3, bác sĩ đưa được 3 phôi vào tử cung nhưng chỉ có 2 phôi bám, đến 8 tuần sau thì một phôi rớt, còn lại một phôi.

Sau 6,5 năm ròng rã "tìm con", làm hết các kỹ thuật, tháng 3/2016, một bé gái bụ bẫm chào đời. Chị Nguyệt không nhớ nỗi số tiền bỏ ra để có được con, chỉ biết rằng đó là một số tiền rất lớn đối với gia đình.

Bác sĩ Lý Thái Lộc cho biết trường hợp của chị Nguyệt rất khó, chuyển phôi thất bại nhiều lần nhưng cuối cùng vẫn hái được trái ngọt. Ở thời điểm người bệnh này làm IVF, kỹ thuật còn hạn chế nên mới khó như vậy.

Với sự phát triển như hiện nay, trường hợp này không còn quá khó, điều trị vẫn nâng tỷ lệ có thai lên cao như bình thường vì được áp dụng nhiều thuốc và nhiều phác đồ chuyển phôi mới.

Tỷ lệ IVF thành công ở Việt Nam cao, chi phí thấp

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết trong 20 năm qua, bệnh viện đã giúp 3.500 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con.

Hiện, mỗi năm khoa Hiếm muộn thực hiện khoản 1.500 chu kỳ hút trứng và chuyển phôi để làm IVF, tỷ lệ thành công đạt 48-58%, ngang bằng các nước trên thế giới và khu vực.

 PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Thiên Chương.

PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Thiên Chương.

Trong khi đó, chi phí thực hiện thấp hơn đáng kể. Trung bình một ca IVF ở Bệnh viện Hùng Vương chỉ mất khoảng 70-100 triệu đồng, bằng 1/3 so với các nước Đông Nam Á. Chi phí làm IVF ở Mỹ khoảng 30-40.000 USD, tương đương từ 700 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng, gấp 7-10 lần so với Bệnh viện Hùng Vương.

"Chính vì vậy, bệnh viện đang thu hút nhiều bệnh nhân trong nước cũng như nước ngoài, Việt kiều về nước làm IVF", PGS Tuyết nói.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Chi, Phó vụ trưởng Vụ Bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam có 64 cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật IVF. Trong đó, khu vực miền bắc có 38 cơ sở, miền trung 8 cơ sở và niềm nam 18 cơ sở.

Sau 25 năm phát triển, ước tính đến nay đã có gần 300.000 chu kỳ IVF được thực hiện ở Việt Nam, có khoảng 147.000 em bé ra đời nhờ kỹ thuật IVF và hơn 400 em bé ra đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tỷ lệ thành công trong kỹ thuật IVF lên gần 50%.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/quyet-dinh-gay-xuc-dong-cua-nguoi-phu-nu-khi-ivf-tim-con-post1511658.html