Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực

Nhật báo Les Echos cảnh báo quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực do loại ngũ cốc này là lương thực chính của một nửa nhân loại.

Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực. Ảnh minh họa: scmp.com

Quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực. Ảnh minh họa: scmp.com

Ấn Độ đã đặt thị trường gạo thế giới vào tình trạng báo động khi quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế xuất đối với gạo trắng và gạo lứt.

Nhật báo Les Echos cảnh báo quyết định này có thể dẫn đến khủng hoảng lương thực do loại ngũ cốc này là lương thực chính của một nửa nhân loại.

Gạo là lương thực của một nửa dân số thế giới

Nguy cơ khủng hoảng lương thực đang hiện hữu, theo nhận định của báo Les Echos. Mới đây, Ấn Độ đã quyết định cấm hoặc đánh thuế xuất khẩu đối với một số loại gạo và lương thực chính của một nửa dân số thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất.

Cụ thể là kể từ ngày 10/9, việc bán gạo tấm ra nước ngoài - để sản xuất mỳ ống, làm thức ăn cho động vật và thậm chí cho cả con người ở những nước nghèo nhất - đều bị cấm. Các nhà chức trách cũng đã áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo trắng hoặc gạo lứt. Gạo Basmati không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp đã công bố.

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm 40% thị phần quốc tế. Khách hàng chính của nước này là các nước châu Á và châu Phi. Các lệnh cấm và việc áp thuế mới này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 60% khối lượng xuất khẩu.

"Có một số lý do nhất định khiến chúng tôi phải hành động ngay lập tức", Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ giải thích. Theo các chuyên gia phân tích, quyết định này có liên quan đến nhu cầu xuất khẩu tăng cao trong khi mùa màng trong nước lại thất bát do những điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Sudhanshu Pandey, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Tiêu dùng, Thực phẩm và Phân phối Công cộng Ấn Độ, cho biết : "Xuất khẩu gạo tấm đã tăng theo cấp số nhân trong 4 năm qua". Năm 2019, loại sản phẩm này chỉ chiếm dưới 2% xuất khẩu, nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên đến 23%.

Giá ngô tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy ngành thức ăn chăn nuôi thay thế ngô bằng gạo tấm, đặc biệt là ở Trung Quốc, đó là chưa kể một số nước châu Phi đã mua loại gạo vỡ này để làm thức ăn cho người.

Trong bối cảnh nhu cầu thế giới đang tăng thì sự "đỏng đảnh" của thời tiết ở Ấn Độ đã khiến mùa màng trở nên bấp bênh. Do ghi nhận lượng mưa quá thấp vào tháng 6/2022 và sự thất thường trong tháng 7-8/2022, các vùng sản xuất chính (Uttar Pradesh, Tây Bengal và Bihar) của Ấn Độ đã giảm đến 13% diện tích canh tác.

Cũng theo vị quan chức cấp cao nói trên của Ấn Độ, thực tế cho thấy giá gạo tấm đã tăng 38% trong năm 2022 do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2022. Mặc dù vậy cho đến nay, giá gạo của Ấn Độ vẫn ở mức tương đối thấp.

Tuy nhiên, sắp tới, các biện pháp siết chặt xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể làm tăng giá ngũ cốc trên thị trường quốc tế. Bloomberg Sabrin Chowdhury, Giám đốc hàng hóa tại Fitch, cảnh báo: "Việc sụt giảm nguồn cung, kết hợp với nhu cầu thế giới đã đạt đến ngưỡng kỷ lục, sẽ thúc đẩy giá cả leo thang" dẫn đến lạm phát thực phẩm.

Với lệnh cấm vận và thuế xuất khẩu này, các nhà thu mua sẽ phải chuyển sang Thái Lan hoặc Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu. Trong khi một tấn gạo có giá khoảng 340 USD ở Ấn Độ, người mua sẽ phải trả 430 USD ở Thái Lan và 395 USD ở Việt Nam.

Không phải lần đầu

Trước đó, Ấn Độ đã từng là nguyên nhân gây ra những xáo trộn nhỏ trên thị trường nông sản. Khi căng thẳng ở Ukraine vừa nổ ra và ảnh hưởng đến thị trường ngũ cốc - đặc biệt là lúa mỳ, Thủ tướng Narendra Modi đã đảm bảo rằng nước này sẽ giúp bù đắp một phần nguồn cung lúa mỳ giảm do ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Nga và Ukraine đại diện cho 1/3 thị trường lúa mỳ quốc tế. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga và Ukraine đại diện cho 1/3 thị trường lúa mỳ quốc tế. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể là Ấn Độ cam kết cung cấp khoảng 10 tấn lúa mỳ bằng đường xuất khẩu. Do Nga và Ukraine đại diện cho 1/3 thị trường lúa mỳ quốc tế và hoạt động thương mại giữa hai nước đã bị hạn chế trong vài tuần, giá trên thị trường Paris đã tăng vọt. Bất kỳ tấn lúa mỳ bổ sung nào trên thị trường quốc tế đều được coi là một sự cứu trợ.

Tuy nhiên, hy vọng từ Ấn Độ đã nhanh chóng tiêu tan bởi hậu quả của một đợt nắng nóng khắc nghiệt kéo dài. Vào giữa tháng Năm, chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ra sắc lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ để ưu tiên cung cấp cho người dân trong nước.

Trên thị trường giao dịch kỳ hạn Paris, giá một tấn lúa mỳ sau đó đã bị đẩy lên gần 440 euro. Nhờ việc nối lại thương mại ngũ cốc qua các hành lang hàng hải, giá lúa mỳ tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 300 euro/tấn. Ngoài ra, chính sách hạn chế xuất khẩu đường cũng góp phần khiến giá cả tăng thêm.

Đối với niên vụ 2021-2022, sản lượng thu hoạch lúa mỳ của Ấn Độ chỉ ở mức 107 triệu tấn, thấp hơn so với mức dự kiến 111 triệu tấn được ước tính hồi tháng Hai. Ấn Độ tuy là nhà sản xuất thứ hai trên thế giới, nhưng nước này cũng là nước tiêu thụ thứ hai. Vì vậy, Ấn Độ chưa bao giờ xuất khẩu khối lượng lớn lúa mỳ. Thậm chí vào tháng Tám vừa qua, dự trữ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây, khiến giá ngũ cốc tăng 12%.

Trước lo ngại về tình trạng khan hiếm lúa mỳ trong nước khiến giá cả tăng vọt, chính quyền địa phương buộc phải xem xét đình chỉ việc áp thuế 40% đối với nhập khẩu lúa mỳ từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của các nhà xay xát ở một số khu vực. Các cuộc thảo luận ở New Delhi, hiện đang diễn ra theo hướng này, theo Reuters và Bloomberg.

Tuy nhiên, Bộ Lương thực Ấn Độ lại phủ nhận nhu cầu nhập khẩu. "Không có kế hoạch nhập khẩu lúa mỳ vào Ấn Độ", tuyên bố này đã được đăng tải trên trang Twitter của Bộ. "Nguồn dự trữ trong nước đủ đáp ứng nhu cầu của chúng tôi và Tập đoàn Thực phẩm Ấn Độ có đủ dự trữ để phân phối ra công chúng".

Triển vọng toàn cảnh: Trang tối tranh sáng

Trong bức tranh toàn cảnh về tình hình lương thực của thế giới còn có những mảng xám khác. Cụ thể, doanh số bán lúa mỳ của Nga đã giảm 28% trong tháng 7/2022 và tháng 8/2022, theo dữ liệu từ SovEcon.

Liên minh ngũ cốc Nga cho biết, số lượng người mua lúa mỳ của nước này đã giảm một nửa. Lý do là mặc dù các lệnh trừng phạt không áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp, việc kinh doanh ngũ cốc của Nga ngày càng khó khăn do các ngân hàng và các công ty vận tải hàng hóa đã rút khỏi thị trường.

Tuy nhiên, theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), nhìn chung triển vọng của thị trường lúa mỳ vẫn còn những mảng sáng. Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa điều chỉnh dự báo sản lượng mùa vụ 2021-2022 của họ sẽ tăng khoảng 780 triệu tấn.

Các chuyên gia phân tích tại Commerzbank cũng cho rằng: "Triển vọng về nguồn cung vẫn tích cực, ngay cả khi những bất ổn là nguyên nhân khiến giá lúa mỳ tăng".

Ít nhất thì giá cũng chưa lên đến mức 1.000 USD/tấn như thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng vào những năm 2007-2008, kéo theo một loạt các cuộc bạo loạn vì đói nổ ra ở nhiều nơi trên thế giới./.

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/quyet-dinh-han-che-xuat-khau-gao-cua-an-do-co-the-dan-den-khung-hoang-luong-thuc/258866.html