Quyết định 'liều lĩnh'?

Theo TEPCO, các hệ thống lọc đã loại bỏ hầu hết 62 chất phóng xạ trong lượng nước mà nhà máy điện hạt nhân Fukushima chuẩn bị xả ra biển.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hơn 12 năm sau thảm họa ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản, nước này cho biết sẽ xả thải ra biển hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý.

Khoảng 1,3 triệu tấn nước, phần lớn được sử dụng để làm mát ở lõi của nhà máy sẽ được làm sạch và bơm từ từ ra biển, sau khi đường ống dài 1 km được hoàn thành trong vài tuần tới.

Có thể mất nhiều thập kỷ để loại bỏ nước với tốc độ đủ chậm để giữ nồng độ phóng xạ ở mức đủ thấp. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima - cho biết, lượng nước thải này đã được xử lý, loại bỏ những thành phần phóng xạ mạnh nhất. Do đó, việc xả thải ra biển là an toàn và cần thiết.

Chính phủ Nhật Bản và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng như các nhà khoa học độc lập cũng đã tuyên bố, việc xả thải này là hợp lý và an toàn. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được sự phản đối gay gắt từ một số nước láng giềng của Nhật Bản.

“Việc tiếp tục các kế hoạch xả thải ra biển vào thời điểm này đơn giản là không thể tưởng tượng được. Tôi sợ rằng, nếu không được kiểm soát, khu vực này một lần nữa sẽ hướng tới thảm họa ô nhiễm hạt nhân lớn”, ông Henry Puna - Tổng Thư ký Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương cho biết vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Vật lý Nigel Marks (Đại học Curtin), Giáo sư Hóa học Brendan Kennedy (Đại học Sydney) và Phó Giáo sư Tony Irwin (Đại học Quốc gia Australia) cho biết, dựa trên kinh nghiệm chuyên môn về khoa học hạt nhân và năng lượng, việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản là hợp lý và an toàn. Đánh giá của họ dựa trên loại phóng xạ sẽ được giải phóng, lượng phóng xạ đã có trong đại dương và mức độ giám sát độc lập cao của IAEA.

Các bể lưu trữ tại Fukushima chứa khoảng 1,32 triệu tấn nước thải phóng xạ và đang được làm sạch bằng Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (công nghệ ALPS). Qua đó, nhằm giúp loại bỏ phần lớn các nguyên tố có hại. Việc xử lý nước thải phóng xạ bằng công nghệ ALPS được lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi nồng độ dưới mức giới hạn quy định.

Ông Kenichi Takahara - người phát ngôn của TEPCO - cho biết: “Phần này của hệ thống lọc caesium, trong khi phần kia loại bỏ strontium và những phần khác thì loại bỏ các hạt nhân phóng xạ khác. Cuối cùng, nước đã được lọc qua cả hệ thống gần như không còn đồng vị phóng xạ, trừ tritium”.

Theo TEPCO, các hệ thống lọc đã loại bỏ hầu hết 62 chất phóng xạ trong lượng nước mà nhà máy điện hạt nhân Fukushima chuẩn bị xả ra biển. Giám sát độc lập của IAEA sẽ đảm bảo toàn bộ nước thải phóng xạ đã qua xử lý đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi được phép xả ra biển.

Tuy nhiên, lo ngại của các quốc đảo Thái Bình Dương và một số nước không phải là không có lý do. Vừa qua, tạp chí Time có bài phân tích cho thấy, các quốc đảo Thái Bình Dương đã phải vật lộn trong nhiều thập niên với di sản từ các vụ thử hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động môi trường ở Thái Bình Dương cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch xả thải này. Ngư dân địa phương lo ngại, việc xả thải của Nhật Bản sẽ lại khiến người tiêu dùng e dè, không mua hải sản của họ.

Trọng Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quyet-dinh-lieu-linh-post641483.html