Quyết định loại Nga khỏi SWIFT 'phủ bóng' nền kinh tế thế giới
Hôm 26/2, một tuyên bố chung về việc loại Nga ra khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) đã được nhất trí bởi Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Anh và Canada. Đây không chỉ là đòn giáng mạnh đối với nền kinh tế Nga mà còn phủ bóng lên nền kinh tế thế giới, trong đó, 'tác giả' của lệnh trừng phạt cũng sẽ tổn thất không nhỏ.
SWIFT – “Xương sống” của nền tài chính thế giới
SWIFT là viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) – hạ tầng tin nhắn tài chính kết nối giữa các ngân hàng trên thế giới. Chức năng và nhiệm vụ của SWIFT là mang lại một phương thức an toàn, bảo mật cao để các ngân hàng gửi cho nhau yêu cầu chuyển tiền chính xác.
Được thành lập năm 1973, SWIFT có trụ sở tại Brussels (Bỉ), và được điều hành bởi các ngân hàng thành viên thông qua một Hội đồng 24 người, trong đó có Eddie Astanin, Chủ tịch hội đồng quản lý tại Trung tâm Thanh toán bù trừ đối tác trung ương của Nga. Hàng ngày, hệ thống SWIFT giải quyết hàng chục triệu yêu cầu thanh toán của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với 11.000 tổ chức tài chính khác trên toàn cầu.
Hiện nay, không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là “xương sống” của nền tài chính thế giới. Tuy SWIFT tự nhận là “tiện ích trung lập”, nhưng do trở thành pháp nhân theo luật của Bỉ nên phải tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU).
Nga “hứng chịu” tác động lớn
Nga không phải là nước đầu tiên bị loại khỏi SWIFT. Phương Tây đã loại các ngân hàng Iran và CHDCND Triều Tiên ra khỏi hệ thống này sau khi bị EU trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Được biết, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế sau động thái này. Đến năm 2017, Iran mới được sử dụng SWIFT trở lại khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận.
Theo Sputnik, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong SWIFT và Nga được xếp thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, chỉ sau Mỹ. Giới quan sát nhận định, biện pháp trừng phạt này có thể sẽ tàn phá nền kinh tế và thị trường Nga, ảnh hưởng nặng nề đến đồng ruble.
Ông Sergey Aleksashenko, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga và hiện sống ở Mỹ nhận định: "Đây là dấu chấm hết cho một phần quan trọng trong nền kinh tế. Nửa thị trường tiêu thụ sẽ biến mất. Những hàng hóa này biến mất khi không thể thanh toán".
Biện pháp trừng phạt này cũng sẽ cắt đứt các giao dịch tài chính quốc tế liên quan tới ngành công nghiệp dầu và khí đốt của Nga, chiếm hơn 40% doanh thu của đất nước. Markos Zachariadis, Giáo sư về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính thuộc Đại học Manchester, mô tả việc loại Nga khỏi SWIFT giống như cắt internet của một quốc gia.
Lệnh loại Nga khỏi SWIFT không nhắm mục tiêu cụ thể đến dầu thô và khí đốt, sản phẩm chủ lực của Nga xuất khẩu sang châu Âu, nên các công ty thương mại vẫn có thể sử dụng những ngân hàng không bị trừng phạt làm trung gian cho các giao dịch, thư tín dụng... Tuy nhiên, Rick Joswick, Trưởng bộ phận phân tích dầu toàn cầu tại S&P Global Platts, cho biết, việc này có thể sẽ khiến nhiều khách hàng do dự hơn trong việc mua dầu của Nga.
Con dao hai lưỡi
Học giả Maria Shagina từ Viện các vấn đề quốc tế Phần Lan cho rằng, khi Nga bị rút khỏi SWIFT, Mỹ và Đức là nước thiệt hại nhiều nhất do các ngân hàng của hai nước này sử dụng nền tảng SWIFT thường xuyên nhất để giao dịch với các ngân hàng của Nga.
Theo chuyên gia này, Moscow là nhà xuất khẩu thực phẩm và năng lượng lớn trên thế giới nên rất có thể, việc loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, vì việc đình chỉ thương mại dẫn đến tác động tiêu cực hai chiều trên thị trường toàn cầu hóa.
Ông Hong Hao, Giám đốc điều hành của BOCOM International, nói rằng Nga và hầu hết các nền kinh tế châu Âu sẽ phải tránh thanh toán bằng USD nếu họ muốn tiếp tục buôn bán khí đốt tự nhiên sau khi lệnh loại một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT có hiệu lực, điều này cuối cùng sẽ phá vỡ vị trí thống trị của đồng USD trên thế giới.
Theo Financial Times, Ngân hàng trung ương châu Âu đã cảnh báo các định chế cho vay tài chính có quan hệ với Nga phải chuẩn bị đối phó với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã tham vấn các ngân hàng về các biện pháp phản ứng của mình trong tình huống rút hệ thống ngân hàng của Nga khỏi SWIFT.
Nga có lựa chọn thay thế?
Nga đã phát triển một hệ thống thanh toán thay thế có thể được mở rộng cho các ngân hàng ở thị trường nước ngoài có quan hệ thân thiện hơn với tên gọi SPFS. Nó được phát triển sau khi có những lời kêu gọi cắt quyền truy cập SWIFT với Nga vào năm 2014.
Song hệ thống này đã gặp khó khăn để tiến hành các giao dịch quốc tế bởi dung lượng cho nội dung tin nhắn chuyển tiền bị hạn chế và giao dịch qua SPFS chỉ được thực hiện từ thứ 2 tới thứ 6. Đến cuối năm 2020, hệ thống này chỉ có 400 người tham gia từ 23 quốc gia.
Tuy nhiên, một hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới mới ra đời của Trung Quốc có tên là CIPS cũng có thể là một giải pháp thay thế khi Nga bị loại khỏi SWIFT. Reuters dẫn một nguồn thạo tin tiết lộ, Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch phối hợp để kết nối hai hệ thống này và phát triển rộng ra quốc tế, mục đích là để đề phòng trường hợp bị phương Tây “đá” khỏi SWIFT.