Quyết định mới nhất của G7 và Mỹ về tài sản Nga bị phong tỏa
G7 tuyên bố tiếp tục đóng băng tài sản của Moscow, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ xác nhận Washington sẽ tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để tái thiết Ukraine.
Theo hãng tin Tass, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland ngày 18/4 thông báo Quốc hội Mỹ đã trao quyền cho bộ này sử dụng “tài sản bất hợp pháp tịch thu được từ các nhà tài phiệt Nga” để giúp tái thiết Ukraine.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Lisa Monaco khẳng định chính quyền Washington sẽ tăng cường nỗ lực pháp lý nhằm thực hiện việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của giới tài phiệt Nga hỗ trợ tái thiết Ukraine.
Hôm 13/4 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Victoria Nuland tuyên bố Washington đang xem xét sử dụng tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga, đang được cất giữ trong các tài khoản ở nước ngoài.
Cùng thời điểm trên, Washington và các đồng minh tổ chức thảo luận về vấn đề trên.
Sau hai ngày thảo luận tại thị trấn Karuizawa của Nhật Bản, ngoại trưởng các nước G7 hôm nay ra tuyên bố chung cho biết nhóm này tiếp tục phong tỏa tài sản của Nga cho đến khi đạt được giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện tại ở Ukraine.
Các ngoại trưởng G7 khẳng định, Nga cần trang trải cho thiệt hại gây ra ở Ukraine. G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức và Italia.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022 tới nay, các quốc gia phương Tây đã đóng băng tổng số tài sản của Nga ước tính trị giá khoảng 300 tỷ USD.
Đầu tuần này, tờ Die Welt của Đức trích dẫn một tài liệu nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này cuối cùng sẽ phải trả lại tài sản bị đóng băng cho Nga. Số tiền này không thể được EU giữ vô thời hạn hoặc chuyển hướng sang Ukraine, tài liệu cho biết.
Tờ này cho hay việc hoàn trả có thể diễn ra khi kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine dù phía Kiev đã kêu gọi được sử dụng số tiền này để tái thiết sau chiến tranh.
Theo bài báo, các lãnh đạo EU, gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, công khai ủng hộ ý tưởng chuyển tiền cho Ukraine, nhưng việc thực hiện gần như bất khả thi vì một số lý do.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, EU thừa nhận việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để phục vụ mục tiêu tái thiết Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức.
Anders Ahnlid, nhà ngoại giao Thụy Điển và là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm EU phụ trách hoạt động thu giữ tài sản, thừa nhận EU sẽ phải sáng tạo trong cách tiếp cận để có thể giải quyết vấn đề này, bằng không đây sẽ là vấn đề vô cùng thách thức.
Về phần mình, Nga nhiều lần chỉ trích việc bị đóng băng tài sản và cảnh báo đáp trả nếu phương Tây tìm cách lấy các khoản tiền thuộc sở hữu của Nga và chuyển cho Ukraine.
Hồi tháng 2 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Moscow sẽ đáp trả tương xứng, nếu cần thiết.
Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng "các hành vi theo kiểu xã hội đen" của các nước phương Tây liên quan đến tài sản của Nga là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế. Ông khẳng định rằng tất cả những nỗ lực nhằm hợp pháp hóa hành động như vậy chắc chắn sẽ thất bại.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyet-dinh-moi-nhat-cua-g7-va-my-ve-tai-san-nga-bi-phong-toa.html