Quyết định 'sai một li, đi một dặm' của chính phủ Anh vào đầu đại dịch

Theo báo cáo của Quốc hội Anh, sự chậm trễ của Thủ tướng Boris Johnson trong phong tỏa và xét nghiệm diện rộng đã gây nên cái chết của hàng nghìn người.

Nước Anh là một trong những quốc gia phương Tây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19, với hơn 160.000 ca tử vong.

Khi dịch bệnh mới bùng phát, chính phủ Anh phải đối mặt với bài toán khó: cân bằng giữa quyền tự do cá nhân và các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, những sai lầm trong điều hành từ cấp cao nhất cũng cản trở nỗ lực chống dịch của đất nước.

Chính phủ Anh sửa chữa những sai lầm ban đầu bằng chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng. Khi số ca tử vong giảm dần, Anh đã có thể dỡ bỏ hầu hết hạn chế phòng dịch, dù số ca mắc mới vẫn ở mức cao. "Điều tồi tệ nhất đã qua", Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố.

Tuy vậy, trong bối cảnh ông Johnson bị chỉ trích vì cuộc khủng hoảng xăng dầu mà nước Anh đang đối mặt, bản báo cáo dài 151 trang được Quốc hội Anh công bố hôm 12/10 đã làm bùng lên trở lại những tranh luận về vai trò của chính phủ trong đại dịch, theo New York Times.

Chỉ trích từ quốc hội

Phản ứng của London trước đại dịch Covid-19 "là một trong những thất bại y tế công cộng to lớn nhất mà nước Anh từng chứng kiến". Chính phủ Anh phải chịu trách nhiệm cho "hàng nghìn cái chết có thể tránh được", các nghị sĩ nhận định.

Theo báo cáo, chính phủ đã thất bại trong triển khai xét nghiệm diện rộng hay các biện pháp phong tỏa một cách nhanh chóng.

"Đây là chính sách sai lầm", báo cáo nhận xét. Theo các nghị sĩ, nếu chính phủ mạnh tay hơn ngay từ ban đầu, số ca tử vong đã giảm.

 Bên trong một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Anh. Ảnh: BBC.

Bên trong một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Anh. Ảnh: BBC.

Dù các kết luận được đưa ra không mới, văn bản này nhận được sự chú ý vì đây là báo cáo điều tra chính thức đầu tiên về phản ứng của Anh trước đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý hơn, nhóm nghị sĩ dẫn đầu cuộc điều tra đến từ chính đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Boris Johnson.

Dựa trên cuộc phỏng vấn với các quan chức chính phủ và chuyên gia y tế, báo cáo kết luận nước Anh có hệ thống mạnh mẽ nhằm nhận diện và đối phó với các thách thức y tế nghiêm trọng. Tuy vậy, hệ thống này được thiết kế để đối phó với đại dịch cúm, thay vì các căn bệnh hô hấp như Covid-19, MERS hay SARS.

Với kinh nghiệm của mình, một số quốc gia châu Á nhanh chóng phong tỏa diện rộng, xét nghiệm và truy vết. Trong khi đó, các cố vấn y tế của chính phủ Anh cổ vũ vào cách tiếp cận chậm rãi hơn với niềm tin rằng đây là cách đúng đắn để kiểm soát dịch bệnh.

Theo báo cáo của quốc hội, quyết định này được đưa ra bởi một nhóm quan chức và cố vấn trong chính phủ, đơn thuần dựa trên các mô hình toán học.

 Ông Boris Johnson bị chỉ trích vì chậm trễ thực hiện các biện pháp chống dịch. Ảnh: AP.

Ông Boris Johnson bị chỉ trích vì chậm trễ thực hiện các biện pháp chống dịch. Ảnh: AP.

Nước Anh chỉ tiến hành phong tỏa toàn quốc vào cuối tháng 3/2020, sau Pháp, Italy và Tây Ban Nha ít nhất một tuần.

"Khoảng thời gian bị mất này đã khiến nhiều người thiệt mạng", báo cáo viết.

Quyết định trì hoãn phong tỏa còn đến từ nỗi lo gặp phải sự chống đối của người dân. Trên thực tế, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ kiên quyết chống việc thi hành các biện pháp này. Tuy vậy, thực tế cho thấy đại đa số người dân Anh sẵn sàng tuân thủ lệnh phong tỏa.

Thành công và thất bại

Việc từ bỏ xét nghiệm diện rộng cũng gián tiếp gây ra cái chết của hàng nghìn người, đặc biệt trong các viện dưỡng lão. Trong thời kỳ đầu đại dịch, nhiều người cao tuổi được bệnh viện trả về viện dưỡng lão mà không biết bản thân mắc Covid-19, khiến nhiều cư dân khác lây bệnh và tử vong.

Ông Peter English, chuyên gia về kiểm soát dịch bệnh, nhận định nhóm cố vấn y tế của chính phủ Anh bao gồm những người thiếu kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm.

"Họ có khá nhiều chuyên gia mô hình thống kê, nhưng thiếu người có kinh nghiệm đối phó trong thực tế", ông English nói.

Bên cạnh chỉ trích, báo cáo của quốc hội Anh cũng ca ngợi một số mặt nhất định trong chiến lược chống dịch của chính phủ, đặc biệt là quyết định sớm đầu tư vào vaccine, trong đó có vaccine của Oxford-AstraZeneca.

 Chiến dịch tiêm chủng là điểm sáng trong công tác chống dịch Covid-19 của Anh. Ảnh: AP.

Chiến dịch tiêm chủng là điểm sáng trong công tác chống dịch Covid-19 của Anh. Ảnh: AP.

Quyết định kéo dài thời gian giữa hai mũi vaccine được đánh giá là "quyết đoán và dũng cảm", giúp nhiều người được tiêm mũi đầu tiên nhất có thể.

Bản báo cáo lần này của Quốc hội Anh chỉ mang tính sơ bộ. Một nghiên cứu toàn diện về công tác chống dịch của đảo quốc sương mù chỉ có thể được xuất bản trong những năm tới.

Nghị sĩ Jonathan Ashworth của Công đảng đối lập tuyên bố báo cáo lần này chỉ ra các "sai lầm to lớn" của chính phủ.

"Các bộ trưởng luôn tự mãn, bỏ qua cảnh báo và phản ứng chậm chạp", ông Ashworth nói. "Chúng ta cần một cuộc điều tra ngay bây giờ để các lỗi lầm nghiêm trọng thế này không lặp lại".

"Bản báo cáo phơi bày thất bại của chính phủ Anh trong cuộc chiến chống Covid-19, từ việc chậm kiểm soát biên giới, chậm xét nghiệm, thiếu trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên tuyến đầu, cũng như chậm phong tỏa", giáo sư Devi Sridhar tại Đại học Edinburg nhận định.

"Mong rằng nhiều bài học có thể được rút ra từ đây", bà Sridhar nói.

Việt Hà

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyet-dinh-sai-mot-li-di-mot-dam-cua-chinh-phu-anh-vao-dau-dai-dich-post1270442.html