Quyết định thận trọng

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) chia sẻ nhận định rằng, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ ba tại châu lục dường như đã rời đỉnh. Những thông tin liên tiếp về số ca mắc giảm mạnh như 'ánh sáng cuối đường hầm' để nhiều nước châu Âu quyết định nới lỏng hạn chế, song vẫn thận trọng cân nhắc lộ trình an toàn nhằm khởi động lại nền kinh tế.

Các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) chia sẻ nhận định rằng, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ ba tại châu lục dường như đã rời đỉnh. Những thông tin liên tiếp về số ca mắc giảm mạnh như "ánh sáng cuối đường hầm" để nhiều nước châu Âu quyết định nới lỏng hạn chế, song vẫn thận trọng cân nhắc lộ trình an toàn nhằm khởi động lại nền kinh tế.

Hôm đầu tuần vừa qua, một loạt quốc gia châu Âu công bố khởi động và tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm phòng dịch Covid-19. Từ ngày 17-5, cả nước Anh bước vào giai đoạn ba trong lộ trình gỡ bỏ phong tỏa bốn bước mà chính phủ áp đặt hồi cuối tháng 3. Tại Pháp, từ hôm nay (19-5), các nhà hàng được phép phục vụ khách ngoài trời; nhà hát, rạp chiếu phim và bảo tàng mở cửa đón lượng khách theo quy định. Từ tuần này, Chính phủ Hà Lan cũng cho phép các công viên, vườn thú mở cửa; nhà hàng phục vụ khách ngoài trời được đóng cửa muộn hơn. Tại I-ta-li-a, giờ giới nghiêm được lùi thêm một giờ...

Với hy vọng sớm khởi động lại "ngành công nghiệp không khói" sau thời gian dài tê liệt vì đại dịch, nhiều nước cũng điều chỉnh quy định nghiêm ngặt về đi lại. Từ hôm 15-5, du khách quốc tế được phép nhập cảnh Hy Lạp nếu đã được tiêm phòng hoặc có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút gây Covid-19. Bồ Đào Nha cũng cho phép khách du lịch châu Âu nhập cảnh từ ngày 17-5, nếu xuất trình chứng nhận âm tính với Covid-19. Các bãi biển quanh thủ đô Rô-ma của I-ta-li-a đã mở cửa đón khách.

Các kế hoạch nới lỏng hạn chế và phong tỏa ở châu Âu được công bố và triển khai trong bối cảnh "lục địa già" liên tiếp nhận thông tin về tiến bộ rõ rệt trong nỗ lực kiềm chế dịch Covid-19. Tại hội nghị cấp cao EU tại Bồ Đào Nha vừa qua, hầu hết các nhà lãnh đạo cho rằng, châu Âu đã phá vỡ "cơn sóng Covid-19" thứ ba và ánh sáng đã le lói phía cuối đường hầm, khi tỷ lệ mắc Covid-19 giảm gần 20% chỉ sau một tuần, trong khi các chiến dịch tiêm phòng tăng tốc mạnh mẽ.

Theo giới quan sát, có nhiều lý do thúc đẩy tiến triển trong nỗ lực chống dịch ở châu Âu. Trong đó, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là sự thay đổi hành vi của người dân. Trải qua hai đỉnh bùng phát dịch, trong làn sóng thứ ba này, trách nhiệm và ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng được nâng cao, nhất là trong việc chủ động đăng ký, hẹn lịch tiêm chủng.

Yếu tố quan trọng nữa là, sau giai đoạn chậm chạp, chiến dịch tiêm phòng tại châu Âu được đẩy mạnh, với tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tăng lên mức cao ở nhiều nước, như Anh, Đức, Pháp, Man-ta, Hung-ga-ri... Ước tính, trung bình gần ba triệu liều vắc-xin được tiêm mỗi ngày tại 27 nước thành viên EU. Trong khi đó, sau thời gian lúng túng, EU có động thái quyết liệt giúp tăng tốc tiêm chủng, khi đặt mua thêm 1,8 tỷ liều vắc-xin.

Cũng không thể bỏ qua nỗ lực của giới chức trách, với nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt giúp ngăn chặn các ổ dịch bùng phát và kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Giới chuyên gia cũng chỉ ra một yếu tố nữa là sự gia tăng số người mắc Covid-19 khỏi bệnh và khả năng phát triển kháng thể, miễn dịch của bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi. Trên phạm vi toàn châu Âu, đến nay có khoảng 47 triệu người đã khỏi bệnh, nhiều nhất là ở Pháp, Anh, Đức và I-ta-li-a. Ngoài ra, yếu tố thời tiết mùa hè ấm dần lên cũng góp phần làm giảm số ca mắc Covid-19 tại châu Âu.

Tiến triển trong kiềm chế dịch bệnh dấy lên hy vọng "bóng mây đen Covid-19" đang dần tan, tạo cơ sở để nhiều chính phủ rục rịch dỡ bỏ hạn chế một cách an toàn, đón đầu mùa du lịch hè đang đến gần. Cũng như ở nhiều khu vực trên thế giới, ngành công nghiệp lữ hành châu Âu trải qua thời gian dài tê liệt vì Covid-19. Những nước phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực này đã điêu đứng vì thiệt hại do dịch bệnh, từng chứng kiến năm du lịch tồi tệ nhất trong lịch sử trong năm 2020. Bởi thế, việc dỡ bỏ hạn chế, giúp khởi động lại du lịch là điều mong chờ chung của nhiều nước châu Âu.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, áp lực đại dịch tại châu Âu giảm bớt, song chưa phải đã được giải tỏa. Khi chưa đủ mức dân số được tiêm chủng để có thể đạt miễn dịch cộng đồng, thì nguy cơ tái bùng phát dịch vẫn hiện hữu. Chưa kể, những yếu tố khó lường của các biến thể vi-rút gây Covid-19 vẫn khiến cần cảnh giác cao. Chiến lược "sống chung" với Covid-19 vẫn là nét chủ đạo trong các kế hoạch nới lỏng hạn chế một cách thận trọng, an toàn.

NGÂN AN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/quyet-dinh-than-trong-646688/