QUYẾT ĐỊNH TỔNG TUYỂN CỬ: MỘT QUYẾT ĐỊNH KỊP THỜI VÀ TÁO BẠO

Chỉ 4 tháng sau ngày tuyên bố độc lập, vượt lên muôn vàn khó khăn, cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công. Một cuộc bầu cử thật sự tự do, dân chủ. Đặt cuộc Tổng tuyển cử trong bối cảnh lịch sử đại chuyển biến lúc đó mới thấy rõ đây là một quyết định táo bạo, kịp thời và nhạy bén.

Ngày 02/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chính phủ lâm thời long trọng tuyên bố với thế giới Việt Nam trở thành một nước Độc lập và Tự do. Chính phủ nước Việt Nam dân chủ ra đời nhưng chưa được thế giới công nhận. Trái lại khi đó các thế lực đế quốc và tay sai ráo riết chống lại Việt Minh và Đảng Cộng sản, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó.Chỉ 1 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, bầu ra Chính phủ và phải có 1 bản Hiến pháp dân chủ.

Phó Giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn cho rằng lúc đó tình thế rất phức tạp, ở Miền Nam bị quân Anh chiếm đóng, còn ở Miền Bắc thìTưởng Giới Thạch vẫn đang đưa quân vào. Trong thực tế rối ren đó, một số Đảng đối lập đã đi theo địch. Tình hình vô cùng phức tạp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách tư duy táo bạo và kịp thời. Đó là ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tích cực chuẩn bị để bầu cử Quốc hội, là cơ quan quyền lực của nhân dân.

Cố Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trân

Cố Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trân

Cố Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trân - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đại biểu Quốc hội các Khóa I, II, III, IV, V, VI, VII lúc đó đang là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ, phụ trách quân sự, thông tin cho biết khi ông được chúng tôi phỏng vấn năm 2016: "Tổng tuyển cử lúc đầu xác định là ngày 23/12/1945 nhưng nhưng sau vì chuẩn bị không kịp nên xin phép Bác để ngày 06/01 thì mới tổ chức Tổng tuyển cử được. Bác bảo phải cố làm nhanh lên, nhưng thôi cố hết sức làm sớm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Chúng tôi cố gắng tổ chức vào ngày 06/01/1946 vì trước khi nói Tổng tuyển cử thì phải tuyên truyền dân chúng làm thế nào cùng tham gia rộng rãi nên phải có thời gian để truyền đạt đến các quận huyện, họ mới làm kịp nên có chậm 1 ít ngày, tuy chậm như thế nhưng bù lại việc tuyên truyền được rộng rãi, xuống đến tận tất cả các quận, huyện, xã, nên người dân nô nức tham gia vào ngày Tổng tuyển cử".

Ông Trân cũng cho biết, lúc bầu cử nhiều vùng dân chúng bị khủng bố và đàn áp gây thiệt hại to lớn nhưng dân vẫn quyết tâm đi bầu. Sau khi trúng cử các đại biểu hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đã luôn nỗ lực...

Còn nhà lão thành Cách mạng Tạ Quang Chiến, Đại biểu Quốc hội khóa VII, là một trong các cận vệ thân cận của Bác Hồ, cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tầm nhìn chiến lược và đưa ra lộ trình xây dựng chính quyền theo hướng pháp quyền dân chủ. Lộ trình ấy theo quy trình của luật pháp quốc tế. Đó là chính quyền dân chủ cộng hòa, chính quyền của nhân dân. Sau khi có chính quyền rồi thì chính quyền phải chính thức trước quốc dân đồng bào, phải bầu cử để cử tri bầu ra chính quyền. Bác xác định: Nhà nước là của nhân dân, quyền lực của nhân dân.

Nhà lão thành Cách mạng Tạ Quang Chiến

Cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu chính là cơ sở pháp lý đầu tiên để Chính quyền ấy thực sự là của nhân dân, do nhân dân tự mình quyết định vận mệnh của dân tộc. Và Người đã cân nhắc giá trị của thời gian, của mỗi ngày, mỗi giờ trong thời điểm đại chuyển biến lúc đó. Cuộc Tổng tuyển cử hoàn toàn thắng lợi. Người dân Việt nam từ vị trí nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn xây dựng chế độ Cộng hòa Dân chủ. Bằng cuộc Tổng tuyển cử, tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền dân chủ bình đẳng tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội.

Vào những năm cuối đời, khi đã ở vào tuổi 100, ông Nguyễn Văn Trân vẫn chưa quên cảm xúc của ông sau khi trúng cử đại biểu khóa I. Với ông, cảm xúc lúc đó là vô cùng rộng lớn, khi đất nước đã và đang bị thống trị nhưng lại được bầu vào Quốc hội, lần đầu tiên nước ta có Quốc hội, dân chúng có người đại diện cho mình trong Quốc hội và ông vinh dự là một trong những người đại diện ấy.

Còn cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng nước CHXHCNVN, Đại biểu Quốc hội khóa I, VII, VIII lúc trúng cử khóa đầu tiên mới 23 tuổi. Năm 2016, khi chúng tôi hỏi về cảm tưởng sau khi trúng cử ông bày tỏ sự xúc động trước tình cảm của nhân dân dành cho mình, thấy sức mạnh của nhân dân đã quyết định mọi thắng lợi. Trong thời điểm khó khăn như thế mà Bác Hồ và Trung ương Đảng vẫn quyết định Tổng tuyển cử, ông cho rằng đó là sự xuất sắc trong nghệ thuật lãnh đạo, chọn đúng thời cơ để quyết định Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử đã được nhân dân ủng hộ, hăng hái tham gia, thậm chí hy sinh cả tính mạng, nhân dân cũng đã sáng suốt trong lựa chọn người đại diện cho mình. Đảng và Bác Hồ đã tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, đã biết khơi nguồn và nhân lên gấp bội sức mạnh của nhân dân để tạo nên một thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tuyển cử.

Đã 74 năm trôi qua kể từ ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, qua quá trình phân tích, nghiên cứu... càng nhận ra ý nghĩa đầy đủ của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và cho thấy đó là một quyết định vô cùng dũng cảm, táo bạo, kịp thời và nhạy bén. Cuộc Tổng tuyển cử là mốc son lịch sử chói lọi của thể chế dân chủ ở Việt Nam.

Phan Xanh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43639