Quyết liệt bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch ngân hàng
'Đồng tiền đi liền khúc ruột', lời cổ nhân dạy thật chí tình. Thế nhưng, vẫn có những người nghe lời ngon ngọt giao giấy tờ nhà, đất hoặc tài sản của mình cho người khác để thế chấp vay ngân hàng. Kết cục phải nhận 'trái đắng', đứng trước nguy cơ mất tài sản và mất thời gian vào việc kiện tụng chỉ vì nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trong các giao dịch liên quan đến tài sản của mình…
Kỳ 3: Nâng cao ý thức của dân, trách nhiệm của ngân hàng
Để phát triển kinh tế, nhu cầu về nguồn vốn của người dân ngày càng cao và giao dịch ngân hàng sẽ là một trong những lựa chọn tối ưu. Theo đồng chí Phạm Kim Hùng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng (gọi tắt là Ngân hàng), ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng đã bám sát các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN, ngày 17/1/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai một cách chủ động, kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, hoạt động các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn ổn định, hiệu quả và làm tốt vai trò là trung gian thanh toán, cung ứng kịp thời các dịch vụ tài chính, ngân hàng, đặc biệt là nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp.
Đáp ứng kịp thời, thỏa đáng khi người dân vay vốn
Từ đầu năm đến nay, các TCTD đã giải ngân 102.970,2 tỷ đồng (tăng 12.264,3 tỷ đồng so với cùng kỳ), tỷ lệ tăng 13,52%; doanh số thu nợ đạt 97.491,8 tỷ đồng (tăng 11.765,3 tỷ đồng so với cùng kỳ), tỷ lệ tăng 13,7%. Tổng dư nợ đến ngày 31/10/2023 là 56.427,8 tỷ đồng (tăng 5.872,6 tỷ đồng so với năm trước), tỷ lệ tăng 11,62%. Riêng việc thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ cận nghèo đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ cận nghèo, giúp cho hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế, giảm nguy cơ tái nghèo, thoát nghèo bền vững, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm từ 130% xuống bằng 120% lãi suất cho vay hộ nghèo. Năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo số tiền 191,72 tỷ đồng, dư nợ hiện nay đạt 962,32 tỷ đồng.
Trước thông tin về trình tự thủ tục vay còn phức tạp, nhiều giai đoạn, mất nhiều thời gian khiến người dân ngán ngại đến ngân hàng khi có nhu cầu về nguồn vốn vay để “cò” ngân hàng xuất hiện và kéo theo nhiều hệ lụy, đồng chí Phạm Kim Hùng chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách hành chính, Ngân hàng Nhà nước đã xác định mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, tích cực cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Thời gian qua, Ngân hàng đã chủ động, tích cực rà soát các cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng theo hướng giảm bớt các thủ tục, giấy tờ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng, các TCTD đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với nhiều hình thức cải tiến, đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay… Theo quy định, khi khách hàng đến giao dịch vay vốn tại ngân hàng, bắt buộc phải thực hiện thủ tục cung cấp: hồ sơ pháp lý của khách hàng vay; tài liệu về phương án sử dụng tiền vay; tài liệu chứng minh khả năng trả nợ; thông tin về tài sản thế chấp. Sau đó, ngân hàng tiến hành thẩm định nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện cho vay thì thông báo cho khách hàng và tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản (có công chứng) và yêu cầu khách hàng tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm tiền; cuối cùng là giải ngân tiền vay.
Đồng chí Phạm Kim Hùng khẳng định: “Ngân hàng đã thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với ngành trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát nhằm phát hiện, cảnh báo sớm đối với các rủi ro hoạt động ngân hàng”. Thời gian qua, một số TCTD trên địa bàn tỉnh cũng không tránh khỏi sai sót, phổ biến nhất là: vi phạm về sử dụng vốn vay; thẩm định tính khả thi của phương án sử dụng vốn còn chung chung sơ sài nên phát sinh nợ xấu; thẩm định tài sản thiếu chặt chẽ dẫn đến tranh chấp, thưa kiện kéo dài. Hằng năm, Ngân hàng đều xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra đối với các TCTD trên địa bàn (mỗi đơn vị ít nhất sau 3 năm phải được thanh tra 1 lần), hoặc tiến hành kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm khi có phản ánh của người dân, báo chí hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Kết quả, đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 TCTD với số tiền 121 triệu đồng; chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định, vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp vi phạm không cố ý, không thiệt hại cho ngân hàng và khách hàng thì tạo điều kiện cho TCTD khắc phục, sửa chữa để làm tốt hơn.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng cũng cho biết, hiện nay các ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi vốn cho người dân và doanh nghiệp với nhiều gói ưu đãi, lãi suất thấp. Với lại, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, mạng lưới hoạt động của các TCTD phân bổ rộng khắp 11 huyện, thị xã và thành phố với 115 điểm giao dịch của các TCTD, đáp ứng khá tốt việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, khi người dân có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ trực tiếp đến các điểm giao dịch của các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân để được hướng dẫn và xem xét cho vay theo quy định mà không cần phải thông qua bất kỳ một trung gian nào. Trường hợp, người dân đến liên hệ vay vốn tại các TCTD trên địa bàn bị cán bộ ngân hàng có thái độ nhũng nhiễu hoặc người dân đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn nhưng bị ngân hàng từ chối, không có lý do chính đáng thì người dân có thể phản ánh trực tiếp qua bộ phận tiếp công dân/số điện thoại đường dây nóng 24/7 (0948043083) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng. Ngân hàng sẽ tiếp nhận, xử lý và có trả lời thỏa đáng cho người dân và doanh nghiệp.
Phòng chống gian lận trong giao dịch ngân hàng
Để phòng chống gian lận trong giao dịch ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, gây bức xúc trong nhân dân cần phải có sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía. Đồng chí Nguyễn Thanh Khoa - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, sẽ tham mưu và kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới. Trước hết, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng liên quan đến các giao dịch ngân hàng để người dân nâng cao nhận thức và mạnh dạn tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng lãnh đạo, chỉ đạo các TCTD, ngân hàng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài chính, tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng;, đặc biệt là quy trình thẩm định, xét duyệt các nguồn vốn vay phải bảo đảm đúng theo quy định; chỉ đạo hệ thống ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân; giới thiệu các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính lành mạnh. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 1783/NHNN-TD, ngày 18/3/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần phòng chống gian lận trong các giao dịch ngân hàng.
Đối với Công an tỉnh cần chỉ đạo lực lượng công an toàn tỉnh thực hiện tốt công tác nắm tình hình, địa bàn, quản lý đối tượng; phối hợp thực hiện công tác phòng ngừa và kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Tăng cường sự phối hợp giữa công an và ngân hàng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có liên quan đến hoạt động tài chính, tín dụng, ngân hàng trái quy định trên địa bàn tỉnh. Cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan tố tụng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, kịp thời truy tố, đưa ra xét xử các vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các hoạt động giao dịch ngân hàng nhằm tuyên truyền, răn đe, giáo dục chung.
Các TCTD, ngân hàng cần thường xuyên rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục quy trình hoạt động nghiệp vụ còn sơ hở, thiếu sót; chủ động thanh tra, kiểm tra nội bộ để phát hiện sớm những vi phạm. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, nhân viên tín dụng, ngân hàng, nhất là những cán bộ, nhân viên thực hiện các khâu quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm… để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, phòng ngừa vi phạm. Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, đấu tranh, xử lý “kẻ gian” trong các giao dịch ngân hàng thì người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng cần phải hết sức cảnh giác, chỉ vay vốn qua các địa điểm ngân hàng trong hệ thống tín dụng, không tìm đến các “cò” ngân hàng.
Để loại trừ “kẻ gian” trong giao dịch ngân hàng thì cần nhất vẫn là ý thức của người dân và trách nhiệm của ngân hàng cùng sự quyết liệt phòng ngừa từ cơ quan có thẩm quyền. Các hành vi gian lận trong giao dịch ngân hàng ngày càng tinh vi nên ý thức cảnh giác và trách nhiệm cũng cần phải nâng cao hơn nữa. Tất cả cần phải chung tay “thanh lọc” “kẻ gian”, vì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của dân trong các giao dịch dân sự.