Quyết liệt bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng xã hội

Trước những hệ lụy ngày càng rõ rệt từ mạng xã hội đối với trẻ em, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, trong đó có lệnh cấm sử dụng với người dưới 16 tuổi. Việt Nam dù đã có hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, nhưng thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải hành động quyết liệt và toàn diện.

Các em nhỏ tại điểm trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Các em nhỏ tại điểm trường Hát Khoang (xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên). (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)

Nguy cơ hiện hữu

Tác động tiêu cực của mạng xã hội tới trẻ em không còn là vấn đề xa lạ. Thực tế tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy mức độ tổn thương ngày càng lớn khi trẻ em tiếp xúc quá sớm với các nền tảng số thiếu kiểm soát.

Nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Plan International cho thấy tỷ lệ học sinh bị bắt nạt trên mạng tăng từ 12% vào năm 2016, lên 18% vào năm 2020; hơn 50% số trẻ em vị thành niên tại Việt Nam bị bắt nạt trực tuyến.

Các quốc gia như Pháp, Na Uy, Đức, Bỉ, Italia… đã áp dụng quy định giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội. Đặc biệt, cuối năm 2024, Australia trở thành nước đầu tiên thông qua luật cấm trẻ em dưới 16 tuổi tiếp cận các nền tảng này.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, khi áp dụng lệnh cấm, chính phủ Australia có những căn cứ chỉ ra tác động tiêu cực của mạng xã hội đến trẻ em dưới 16 tuổi. Việc áp dụng lệnh cấm này trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ càng về mặt tâm lý-xã hội, có sự thử nghiệm và kiểm chứng cụ thể về hiệu quả. Đây được coi là một biện pháp cần để bảo vệ trẻ em trong môi trường số nhiều nguy cơ độc hại hiện nay.

Việt Nam có hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó một phần ba là người chưa thành niên. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em phải đối mặt rất nhiều nguy cơ, đặt ra thách thức lớn cho công tác bảo vệ.

Trung tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Theo thống kê của Bộ Công an, tội phạm ở độ tuổi vị thành niên đang có dấu hiệu gia tăng; trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 13.000 trường hợp người vị thành niên vi phạm pháp luật. Tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa. Nguy hiểm hơn những hành vi này còn được các đối tượng đăng tải trên các trang mạng xã hội, coi đó như những chiến tích để khoe khoang, thách thức pháp luật.

Trung tá Phí Văn Thanh, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, là quốc gia đứng thứ 16 thế giới về tỷ lệ người dùng internet, Việt Nam có hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó một phần ba là người chưa thành niên. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em phải đối mặt rất nhiều nguy cơ, đặt ra thách thức lớn cho công tác bảo vệ.

Từ cơ chế chính sách đến hành động của doanh nghiệp

Tại Việt Nam đã có nhiều quy định quan tâm đến việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với khung pháp lý khá đầy đủ như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng; mới đây nhất là Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng... Các quy định nêu ra trong các văn bản pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Tuy vậy, thực tế triển khai đòi hỏi chúng ta cần hành động quyết liệt hơn. Đơn cử như quy định người dùng dưới 16 tuổi sẽ không được phép tự đăng ký tài khoản mạng xã hội, đặt ra bài toán làm sao bảo đảm các nền tảng xác minh độ tuổi chính xác.

Ông Phan Phú Thuận, chuyên gia An ninh mạng, FPT Smart Cloud - thành viên Tập đoàn FPT cho rằng: Xác thực qua số điện thoại là bước đầu tiên cần thiết, nhưng chưa đủ để chắc chắn về tuổi thật của người dùng. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống kiểm tra tuổi nhiều lớp, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân để bảo đảm thông tin chính xác và đồng nhất. Hệ thống này nên linh hoạt kết hợp nhiều cách thức như: Trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học, người dùng tự khai thêm xác nhận của phụ huynh qua kiểm tra giấy tờ tùy thân hoặc mã OTP. Điều quan trọng là mọi thông tin cá nhân phải được bảo vệ nghiêm ngặt, xử lý công khai, an toàn và tôn trọng quyền riêng tư của mỗi người.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam nêu quan điểm cho rằng, trẻ vị thành niên còn non nớt trong tư duy và xử lý tình huống nhất là trên không gian mạng. Việc cấm tiếp cận mạng xã hội là cần thiết trong bối cảnh nhiều gia đình không đủ thời gian quan tâm, giám sát các em. “Chúng ta không cấm sử dụng internet để các con tiếp cận tri thức nhưng có thể hạn chế game và mạng xã hội" - bà Hà chia sẻ.

Thực tế tại Việt Nam, mô hình “tứ giác đồng hành” gồm Nhà nước-doanh nghiệp công nghệ-nhà trường-phụ huynh trong bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội đã khẳng định được vai trò quan trọng. Trong đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, yêu cầu quyết liệt và có biện pháp kiểm tra, giám sát mạnh mẽ các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước tuân thủ quy định bảo vệ trẻ em Việt Nam; đồng thời chủ động phát triển hoặc yêu cầu các nền tảng phát triển công cụ kiểm soát an toàn cung cấp cho phụ huynh, đi kèm với các chương trình nâng cao kỹ năng số cho người dân.

Cùng với cơ chế, chính sách, các doanh nghiệp cần chủ động đồng hành trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, coi việc xây dựng nền tảng an toàn cho các em là một cam kết đạo đức. Trẻ em vẫn được hiện diện trong không gian số, nhưng là không gian định danh, định hướng và có giám sát phù hợp. Có thể doanh nghiệp phải đầu tư thêm nguồn lực, nhưng đây cũng là cách góp phần xây dựng tương lai bền vững, nơi công nghệ phục vụ con người.

Việt Nam, dù chưa lựa chọn giải pháp cấm triệt để, cũng cần tiếp tục có các hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em trong môi trường số - nơi song hành giữa cơ hội tiếp cận tri thức và những nguy cơ khó lường.

QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-bao-ve-tre-em-tren-moi-truong-mang-xa-hoi-post873986.html