Tin công nghệ 21/4: Vivo sắp ra mắt điện thoại siêu máy ảnh, pin EV sạc đầy trong 20 phút

Mẫu điện thoại X200 Ultra của Vivo tập trung vào khả năng chụp ảnh; Hàn Quốc phát triển pin EV mới với thời gian sạc 20 phút; công nghệ làm mát 3D giúp tăng hiệu suất chip gấp 7 lần... là tin tức công nghệ nổi bật ngày 21/4.

1. Vivo chuẩn bị ra mắt X200 Ultra – điện thoại “siêu máy ảnh”

 Vivo X200 Ultra

Vivo X200 Ultra

Vivo sẽ chính thức trình làng chiếc điện thoại X200 Ultra vào tuần tới, với hệ thống camera sau mạnh mẽ được hãng quảng bá như “một máy ảnh cao cấp tích hợp điện thoại”.

Vivo đã liên tục hé lộ các bức ảnh chụp ở tiêu cự 35mm, 50mm và 85mm để chứng minh khả năng chụp chân dung linh hoạt của thiết bị này.

X200 Ultra sở hữu camera chính và camera góc siêu rộng đều 50MP, dùng cảm biến Sony LYT-818. Camera góc siêu rộng có ống kính “Hawk Eye” 14mm giúp tăng 181% lượng ánh sáng thu được và tăng tốc độ màn trập 216%. Camera tele sử dụng cảm biến Samsung HP9 200MP với 6 thấu kính, cải thiện hiệu suất chụp thiếu sáng 38%.

Lần đầu tiên, Vivo trang bị chip xử lý hình ảnh AI riêng – VS1 – hỗ trợ 80 TOPS, xử lý ảnh xóa phông, HDR và ảnh nhiều khung hình theo thời gian thực. Hệ thống hỗ trợ tiêu cự từ 24mm đến 100mm, quay video chân dung 4K và nhiều chế độ chụp đêm.

Máy dùng chip Snapdragon 8 Elite 3nm, RAM 12GB, bộ nhớ 256GB, chạy Android 15, pin 6000mAh sạc nhanh 90W có dây, 30W không dây. Màn hình AMOLED 6.8 inch, 129Hz, độ sáng tối đa 4.500 nits. Máy đạt chuẩn kháng nước bụi IP69 và tích hợp cảm biến vân tay dưới màn hình.

2. Hàn Quốc phát triển pin xe điện mới: Sạc nhanh trong 20 phút, tuổi thọ vượt 1.500 chu kỳ

 Minh họa cực dương pin lithium-ion. Ảnh: iStock

Minh họa cực dương pin lithium-ion. Ảnh: iStock

Các nhà nghiên cứu tại Hàn Quốc đã công bố một bước đột phá trong công nghệ pin lithium-ion bằng việc phát triển một loại cực dương (anode) mới, giúp khắc phục hai thách thức lớn của xe điện: thời gian sạc chậm và tuổi thọ pin ngắn.

Thiết kế cực dương cải tiến này cho phép pin sạc đầy trong vòng 20 phút và duy trì hiệu suất qua hơn 1.500 chu kỳ sạc-xả, mở ra triển vọng loại bỏ lo ngại về phạm vi hoạt động và thời gian chờ đợi lâu tại các trạm sạc.

Theo Giáo sư Soojin Park từ Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH), nghiên cứu này đánh dấu một cột mốc mới trong việc phát triển pin hiệu suất cao thế hệ tiếp theo, với tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong xe điện, hệ thống hybrid và lưu trữ năng lượng quy mô lớn.

Hiện nay, hầu hết pin lithium-ion sử dụng cực dương bằng graphite, vốn có tốc độ sạc chậm và khả năng lưu trữ năng lượng hạn chế. Cực dương mới của Hàn Quốc được thiết kế để cải thiện những hạn chế này, hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của xe điện và hỗ trợ các hệ thống năng lượng tái tạo.

3. Thuế quan của Mỹ phản tác dụng khi gây thiệt hại cho NVIDIA nhưng lại làm lợi cho Huawei

 Chip Ancend 910B của Huawei. Ảnh: Phone Arena

Chip Ancend 910B của Huawei. Ảnh: Phone Arena

Theo Phone Arena, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc đã vô tình tạo điều kiện cho Huawei mở rộng thị phần trong nước. Việc yêu cầu giấy phép đặc biệt để nhập khẩu chip NVIDIA H20 khiến nhiều khách hàng Trung Quốc chuyển sang sử dụng chip Ascend 920 do Huawei sản xuất. Chip này được chế tạo bởi SMIC, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, sử dụng công nghệ 6nm thông qua kỹ thuật in nhiều mẫu (multi-patterning) với thiết bị DUV, dù không có máy in EUV tiên tiến.

Ascend 920 đạt hiệu suất 900 TFLOPS, nhanh hơn 30 - 40% so với phiên bản trước là Ascend 910C, và có băng thông bộ nhớ 4 TB/s. Việc không cần giấy phép nhập khẩu giúp Huawei dễ dàng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước, trong khi NVIDIA gặp khó khăn do các quy định xuất khẩu mới.

Như vậy, chính sách trừng phạt nhằm kiềm chế Huawei lại đang giúp công ty này củng cố vị thế trong lĩnh vực AI tại Trung Quốc, đồng thời làm giảm doanh thu của NVIDIA tại thị trường này.

4. Công nghệ làm mát 3D mới giúp tăng hiệu suất chip gấp 7 lần

 Ảnh minh họa của một vi mạch. Ảnh: Freepik

Ảnh minh họa của một vi mạch. Ảnh: Freepik

Các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Công nghiệp, Đại học Tokyo, đã phát triển một phương pháp làm mát chip điện tử mới bằng cách sử dụng cấu trúc vi kênh 3D kết hợp với hiện tượng sôi của nước. Kỹ thuật này tận dụng nhiệt ẩn của nước khi chuyển từ lỏng sang hơi, giúp hấp thụ nhiệt hiệu quả hơn gấp 7 lần so với phương pháp làm mát bằng nước thông thường.

Trước đây, việc sử dụng hiện tượng sôi trong làm mát bị hạn chế do hơi nước khó lưu thông trong các vi kênh nhỏ, làm giảm hiệu suất. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu đã thiết kế các vi kênh 3D với cấu trúc mao dẫn và lớp phân phối chất lỏng, giúp cải thiện đáng kể khả năng phân phối chất làm mát và hiệu suất hệ thống. Kết quả là hệ thống đạt hệ số hiệu suất (COP) lên tới 100.000, cao gấp 10 lần so với các hệ thống làm mát một pha thông thường.

Công nghệ này không chỉ giúp giảm kích thước và tiêu thụ năng lượng của hệ thống làm mát mà còn mở ra khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như máy tính hiệu suất cao, laser, radar, ô tô và hàng không vũ trụ. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cell Reports Physical Science vào ngày 20 tháng 4 năm 2025.

5. Bằng chứng mới thách thức các lý thuyết về nguồn gốc của nước trên Trái Đất

 Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy gia tốc hạt để phân tích một thiên thạch hiếm. Ảnh: NASA

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy gia tốc hạt để phân tích một thiên thạch hiếm. Ảnh: NASA

Một nghiên cứu mới từ Đại học Oxford đã phủ nhận giả thuyết rằng nước trên Trái Đất được mang đến bởi các tiểu hành tinh. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ ra rằng vật liệu hình thành Trái Đất ban đầu có hàm lượng hydro cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây, cho thấy nước có thể đã hình thành tự nhiên ngay từ khi Trái Đất được tạo ra.

Các nhà khoa học đã phân tích một loại thiên thạch hiếm gọi là enstatite chondrite, có thành phần tương tự với Trái Đất sơ khai. Kết quả cho thấy những thiên thạch này chứa lượng hydro đáng kể, yếu tố thiết yếu để hình thành nước. Điều này gợi ý rằng Trái Đất có thể đã sở hữu đủ hydro để tạo ra nước mà không cần đến sự đóng góp từ các tiểu hành tinh giàu nước.

Phát hiện này hỗ trợ giả thuyết rằng nước trên Trái Đất hình thành như một phần tự nhiên của quá trình phát triển hành tinh, thay vì được cung cấp từ bên ngoài. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Icarus vào ngày 16 tháng 4 năm 2025.

Theo CNN, IE, Phone Arena, Reuters

Đăng Khoa

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tin-cong-nghe-214-vivo-sap-ra-mat-dien-thoai-sieu-may-anh-pin-ev-sac-day-trong-20-phut-post184795.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat