Quyết liệt cải cách hành chính, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế
Để tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC), cải thiện hình ảnh nền hành chính phục vụ, đột phá các điểm nghẽn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh.
Chỉ đạo quyết liệt, cải cách mạnh mẽ
Xác định CCHC là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo quan trọng. Trong đó, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền hành chính công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số CCHC (PAR Index).
Bên cạnh đó, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Tỉnh đã thành lập và tích cực triển khai các hoạt động của Tổ công tác của tỉnh (theo Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh) và Tổ công tác đặc biệt (theo Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 26/5/2023) để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các nhà đầu tư gặp phải, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư. Nam Định là một trong những địa phương tiên phong xây dựng và áp dụng Bộ Chỉ số đánh giá CCHC từ năm 2013; đây là công cụ hữu hiệu giúp lãnh đạo tỉnh theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương. Hàng năm, tỉnh tổ chức chấm điểm, xếp hạng chỉ số CCHC, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Nhờ đó, chỉ số PAR Index năm 2023 của tỉnh đạt 87,32 điểm, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020. Các chỉ số cải cách thủ tục hành chính (TTHC), phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng công chức đều có sự bứt phá.
Nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân, tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. Trung tâm này hoạt động theo cơ chế “một cửa liên thông” giúp doanh nghiệp chỉ cần làm việc với một đầu mối duy nhất mà không phải nộp bất kỳ chi phí ngoài quy định nào khi giải quyết các TTHC liên quan đến các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, xây dựng… giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời kỷ luật công vụ được siết chặt, xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Phong trào thi đua “Đẩy mạnh CCHC tỉnh Nam Định” góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Các sở, ban, ngành, địa phương trong toàn tỉnh triển khai sâu rộng đến toàn bộ công chức, viên chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu trong nỗ lực CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng thiết thực, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan, đơn vị mình.
Nhờ những nỗ lực cải cách, môi trường đầu tư của Nam Định ngày càng được cải thiện. Kết quả, Chỉ số PCI của Nam Định có sự chuyển biến tích cực qua các năm: Năm 2021 đạt 64,99 điểm, xếp thứ 24/63 tỉnh, tăng 16 bậc so với năm 2020. Năm 2022 đạt 65,29 điểm, duy trì đà tăng trưởng. Năm 2023 đạt 66,67 điểm, tiệm cận mức trung bình của cả nước, tiếp tục cải thiện về chất lượng điều hành. Một số chỉ tiêu quan trọng thuộc PCI của tỉnh đã duy trì kết quả và xếp hạng cao như: 0% doanh nghiệp phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục đăng ký doanh nghiệp để chính thức hoạt động; hướng dẫn thủ tục (đăng ký doanh nghiệp) rõ ràng, đầy đủ; cán bộ am hiểu chuyên môn (thủ tục đăng ký doanh nghiệp); phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng... Với những kết quả đạt được, tỉnh đang từng bước xây dựng một nền hành chính công vụ hiện đại, minh bạch, hiệu quả, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao lòng tin của doanh nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư tại Nam Định. Tiêu biểu như Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư tổ hợp 3 dự án thép xanh sử dụng công nghệ tiên tiến từ các nước G7 với tổng mức đầu tư 98.900 tỷ đồng tại Nghĩa Hưng. Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy tính, Quanta Computer Inc., đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã đầu tư dự án sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Thuận (120 triệu USD), dự kiến đạt 9 tỷ USD doanh thu/năm từ 2028, đóng góp ngân sách 90 triệu USD/năm. Tập đoàn Toray đến từ Nhật Bản đầu tư dự án sản xuất vải tại KCN Dệt may Rạng Đông với tổng vốn 2,3 tỷ USD, kỳ vọng doanh thu 400 triệu USD/năm, đóng góp ngân sách 80 tỷ đồng/năm. Tập đoàn nhôm Kim Kiều đầu tư dự án sản xuất thanh hợp kim nhôm xanh, vật liệu điện tử 3C cao cấp và phụ kiện nhôm ô tô Kim Kiều với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD tại KCN Mỹ Thuận; nhà đầu tư Xingfu Safety Technology (Singapore) đầu tư dự án sản phẩm kỹ thuật bảo hộ an toàn tại KCN Mỹ Thuận của với tổng mức đầu tư 85 triệu USD; nhà đầu tư JIA WEI LIFESTYLE đầu tư dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa và Melamine tại KCN Mỹ Thuận của với tổng mức đầu tư 77 triệu USD; Công ty YI DA DENIM MILL (VN) CO., LTD đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi, vải, may mặc tại KCN Dệt may Rạng Đông của với tổng mức đầu tư 60 triệu USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 25/3/2023 với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các KCN, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 25/10/2023 với Công ty TNHH AEON Việt Nam phát triển dự án trung tâm thương mại AEON Nam Định… Những kết quả này giúp Nam Định vươn lên mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng bền vững cho tỉnh.
Hướng tới nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
Trước bối cảnh yêu cầu không ngừng nâng cao năng lực quản lý và phục vụ của các cơ quan Nhà nước, Nam Định đang triển khai kế hoạch CCHC năm 2025 với tầm nhìn xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và hiệu quả với mục tiêu trọng tâm: Đẩy mạnh hiện đại hóa dịch vụ công, chú trọng ứng dụng công nghệ, số hóa các TTHC nhằm mang đến dịch vụ nhanh chóng, chính xác và tiện lợi cho mọi đối tượng. Tích cực cải thiện chỉ số CCHC, phấn đấu đưa Nam Định lọt vào nhóm các tỉnh đạt chỉ số CCHC “khá” trên toàn quốc. Gắn kết CCHC với phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường sự liên kết giữa công tác hành chính và phát triển kinh tế.
Trong khuôn khổ kế hoạch đề ra, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục coi CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng điểm, được đánh giá nghiêm ngặt trong công tác thi đua và khen thưởng của các cấp lãnh đạo. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện một loạt nhiệm vụ cải cách đột phá gồm: Đơn giản hóa và nâng cao chất lượng TTHC với mục tiêu cắt giảm và đơn giản hóa các TTHC, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng và chính sách xã hội; số hóa 100% hồ sơ TTHC cùng với giải quyết trực tuyến sẽ góp phần rút ngắn thời gian xử lý và tăng cường trách nhiệm của cán bộ. Xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, tận dụng dữ liệu dân cư và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, thúc đẩy quá trình thanh toán trực tuyến, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, từ đó tối ưu hóa thời gian làm việc của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng tích cực thực hiện tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả công vụ. Qua việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập, hướng tới một hệ thống quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả. Đồng thời, công tác đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng nhằm đảm bảo đúng người, đúng việc và tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong công vụ. Đến nay, tính riêng khối chính quyền, tỉnh đã thực hiện sáp nhập cơ cấu, thiết lập hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả. Sau khi sáp nhập, số lượng sở, ngành giảm 5 đơn vị so với trước. Sau khi sáp nhập, số lượng các phòng chức năng của các sở giảm từ 25% đến 36,6%, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, loại bỏ sự trùng lặp và tăng cường hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách tài chính công, tăng quyền tự chủ cho cấp huyện, xã giúp các địa phương chủ động giải quyết công việc, đồng thời cải cách tài chính công nhằm nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, tối ưu hóa nguồn lực và sử dụng ngân sách hiệu quả.
Với quyết tâm đổi mới và hiện đại hóa nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả, Nam Định hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững của tỉnh.