VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, nhóm đầu tư công và khu công nghiệp hút vốn mạnh

Dòng tiền đang trở lại mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index chính thức vượt ngưỡng 1.300 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/2 vừa qua. Không chỉ nhóm cổ phiếu trụ cột, dòng tiền còn lan tỏa sang các mã vốn hóa vừa và nhỏ. Đáng chú ý, nhóm đầu tư công và khu công nghiệp đang hưởng lợi từ chính sách mở rộng quy mô và các tín hiệu tích cực từ chính quyền địa phương, mở ra cơ hội đầu tư mới trong thời gian tới.

Chứng khoán tuần qua: Dù chưa chinh phục được mốc 1.300 điểm, nhưng VN-Index đã có một tuần giao dịch khởi sắc Chứng khoán ngày 24/02: “Bank – chứng – thép” kéo VN-Index vượt 1.300 điểm

Trong những ngày qua, VN-Index đã tiến sát mốc 1.300 điểm và trong phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số này chính thức vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng với thanh khoản dồi dào. Diễn biến này cho thấy dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Đáng chú ý, không chỉ nhóm cổ phiếu trụ cột mà cả các mã thuộc nhóm vốn hóa vừa cũng ghi nhận đà bứt phá ấn tượng. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu đầu tư công và khu công nghiệp đang hưởng lợi từ chính sách mở rộng quy mô và các động thái tích cực từ chính quyền các tỉnh, thành phố.

Cổ phiếu midcap bứt phá

Theo ông Đoàn Hoàng Gia Bảo, chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dòng tiền trên thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây. Nếu nhìn rộng hơn từ năm 2021 đến nay, có thể thấy thanh khoản toàn thị trường đã có sự bứt phá mạnh kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Dựa trên diễn biến giao dịch, từ đó đến nay không có phiên nào ghi nhận giá trị khớp lệnh dưới 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, thanh khoản không chỉ tăng lên mà còn có sự phân bổ đồng đều ở cả ba nhóm cổ phiếu: VN30 (cổ phiếu vốn hóa lớn), midcap (vốn hóa trung bình) và penny (vốn hóa nhỏ).

VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong phiên ngày 24/2 với sự bứt phá của cổ phiếu thép và chứng khoán. Nguồn: KBSV.

Một xu hướng đáng quan tâm là sự dịch chuyển của dòng tiền. Trong suốt khoảng thời gian dài từ tháng 6/2024 đến hết tháng 1/2025, dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện dấu hiệu chuyển hướng sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, trong khi dòng tiền dần rút khỏi các mã trụ cột. Điều này cho thấy khả năng các cổ phiếu midcap và penny mới chỉ ở giai đoạn đầu của một đợt sóng tăng mới, khi được hỗ trợ bởi dòng tiền.

Xét về nhóm ngành, 2 lĩnh vực có vốn hóa lớn nhất trên thị trường là bất động sản dân cư và dịch vụ tài chính đang có những diễn biến trái chiều. Nhóm bất động sản tiếp tục gây thất vọng khi xu hướng giảm kéo dài từ cuối tháng 1 và hiện đã lùi về vùng đáy thiết lập từ năm 2021, chạm đáy lần thứ tư hoặc thứ năm trong giai đoạn này. Trong khi đó, nhóm dịch vụ tài chính, dù tỷ lệ hút dòng tiền vẫn còn thấp, nhưng trong những phiên gần đây đã có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Bên cạnh đó, một số nhóm ngành khác cũng ghi nhận sự bứt phá, điển hình là đầu tư công. Mặc dù gần đây có dấu hiệu chững lại, nhưng xét trên diễn biến dòng tiền, mức thanh khoản của nhóm này vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy tiềm năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ngoài ra, nhóm hóa chất cũng thu hút dòng tiền mạnh, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc ngành cao su và phân bón – 2 nhóm đã có diễn biến tích cực trong thời gian vừa qua.

Đầu tư công hút dòng tiền

Đồng quan điểm, ông Trần Trung Hiếu, chuyên gia từ VDSC cho biết, nhóm cổ phiếu đầu tư công đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của thị trường trong thời gian gần đây, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn nhờ sự hỗ trợ từ thông tin truyền thông. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy nhóm này là yêu cầu từ Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Điều này khiến giới đầu tư kỳ vọng vào sự bứt phá của nhóm đầu tư công, với vai trò là động lực đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP trong năm nay.

Nguồn: FiinTrade.

Nguồn: FiinTrade.

Diễn biến thị trường cũng cho thấy dòng tiền đang đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu này, thể hiện rõ sự vượt trội so với nhiều nhóm ngành khác. Nhìn lại cuối năm 2024, đặc biệt vào dịp Giáng sinh, nhóm đầu tư công đã có một phiên giao dịch đầy ấn tượng khi hàng loạt cổ phiếu đồng loạt bứt phá, thậm chí nhiều mã tăng trần.

Ngành chứng khoán đang có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới nhờ thanh khoản cải thiện, lãi suất thấp và các yếu tố hỗ trợ từ chính sách. Theo chuyên gia từ VDSC, dù nhóm cổ phiếu đầu tư công và cao su có thể cần thời gian điều chỉnh, thì nhóm dịch vụ tài chính, đặc biệt là chứng khoán, đang trở nên hấp dẫn hơn.

Sự hồi phục mạnh mẽ này không chỉ phản ánh qua diễn biến giá cổ phiếu mà còn được củng cố bởi những đánh giá tích cực từ các công ty chứng khoán, cũng như các chính sách thúc đẩy từ Chính phủ. Những yếu tố này góp phần gia tăng kỳ vọng vào tiềm năng của nhóm đầu tư công trong năm 2025.

Ngoài nhóm đầu tư công, nhóm cổ phiếu cao su cũng có diễn biến tích cực khi tăng mạnh trong khoảng hai tuần gần đây. Các cổ phiếu của một số doanh nghiệp cao su lớn đều ghi nhận mức tăng đáng kể trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với đà tăng nhanh và mạnh, nhóm này có dấu hiệu đạt đỉnh ngắn hạn, khiến khả năng tiếp tục tăng trở nên khó đoán. Trong ngắn hạn, việc tham gia mua mới ở nhóm cổ phiếu cao su không còn quá hấp dẫn, thay vào đó, nhà đầu tư cần chờ những nhịp điều chỉnh hoặc tích lũy để có cơ hội tham gia hợp lý hơn.

Nhìn chung, trong thời gian tới, cả nhóm đầu tư công và nhóm cao su có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh, tích lũy trước khi xác lập xu hướng mới. Giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 có thể chưa phải là thời điểm bứt phá mạnh mẽ của hai nhóm này. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến thị trường và tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành khác để có chiến lược đầu tư hiệu quả hơn.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vn-index-vuot-moc-1300-diem-nhom-dau-tu-cong-va-khu-cong-nghiep-hut-von-manh-171174.html