Quyết liệt chống lãng phí sau sắp xếp
Ngày 6/12, kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII đã thực hiện phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Nội dung được các đại biểu và cử tri quan tâm là sử dụng các trụ sở dôi dư sau sắp xếp để tránh lãng phí; việc chậm quyết toán các công trình gây ảnh hưởng đến giải ngân nguồn vốn và hiệu quả sử dụng.
Gặp khó khi xử lý các công sở dôi dư
Tại phiên chất vấn, đại biểu Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Phú Yên nêu lên thực trạng việc quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều hạn chế, bất cập như: Khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; việc quản lý tài sản là nhà làm việc, trường học trên địa bàn tỉnh sau khi sáp nhập, tinh giản đầu mối vẫn còn bỏ hoang, xuống cấp gây lãng phí cho Nhà nước.
Sở Tài chính đã phối hợp kiểm tra, rà soát 1.777 cơ sở nhà, đất; trong đó có phương án sắp xếp lại 1.652 cơ sở nhà, đất và đã thực hiện phương án là 1.429 cơ sở nhà, đất (chủ yếu là cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị đang quản lý, sử dụng). Tuy nhiên vẫn còn khoảng 162 cơ sở nhà, đất (đã có phương án sắp xếp nhưng chưa thực hiện xử lý) là trụ sở cũ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang bỏ trống.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc điều hành Sở Tài Chính thẳng thắng nhận trách nhiệm trong quản lý nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan. Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu giao, điều chuyển, thanh lý, bán, sắp xếp tài sản công tại các cơ quan thuộc thẩm quyền (trụ sở làm việc, xe ô tô, tài sản trên 500 triệu đồng). Ngoài ra, Sở tham mưu giao cho các cơ quan, đơn vị sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn, định mức đối với tài sản Trung ương chuyển giao về địa phương.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hào, để thực hiện chuyển giao 1 cơ sở nhà, đất từ Trung ương về tỉnh quản lý phải mất từ 2 - 4 năm. Khi Sở Tài chính nhận tài sản thì các đơn vị không thể vào làm việc được ngay, phải thực hiện sửa chữa. Ví dụ như: 11 cơ sở nhà, đất của các Chi cục thuế; trụ sở của VTV8; trụ sở của Chi cục Hải quan giao cho Sở Ngoại vụ... Do đó, sẽ có một khoảng thời gian các trụ sở này bỏ trống, không sử dụng.
Các nội dung khác như điều chuyển, thanh lý, sắp xếp các trụ sở cũ khi các đơn vị có trụ sở mới, Sở Tài chính luôn là khâu cuối cùng để tham mưu UBND tỉnh nên không chủ động việc xử lý. Ngoài trách nhiệm của Sở Tài chính, việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản công và cơ quan quản lý nhà nước chủ quản.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn, về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở tỉnh Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung còn nhiều tồn tại, hạn chế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan còn nhiều nguyên nhân chủ quan như: Việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục; chưa giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, các dự án vướng mắc tồn tại từ nhiều năm; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, gây chậm trễ, kéo dài; nhận thức và văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa đầy đủ, toàn diện;…
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp Trung ương đã chỉ đạo, trong đó tập trung tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên; tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản; đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh; sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.
Nhiều công trình chậm quyết toán
Tính đến tháng 11/2024, tỉnh Phú Yên còn có 18 dự án, với tổng mức đầu tư trên 2.905 tỷ đồng chậm nộp báo cáo quyết toán. Ngoài ra, các công trình: Trường Chính trị tỉnh Phú Yên; sửa chữa trụ sở Tỉnh Đoàn Phú Yên, Nhà văn hóa Diên Hồng đã hoàn thành từ lâu nhưng cũng chưa được quyết toán.
Theo ông Phạm Ngọc Công, Trưởng ban Kinh tế HĐND tỉnh Phú Yên, tình trạng chậm quyết toán gây ảnh hưởng lớn đến công tác đầu tư, như: Không thanh toán dứt điểm công nợ cho các nhà thầu dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc chậm quyết toán gây ra tình trạng chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kéo dài việc thanh toán qua nhiều năm với biến động trượt giả làm khó khăn về tài chính đối với các đơn vị thi công; chậm trễ trong công tác hạch toán, theo dõi, quản lý, khai thác sử dụng tài sản hình thành sau đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Giám đốc điều hành Sở Tài chính lý giải, có 4 nhóm nguyên nhân khiến cho việc chậm quyết toán là: dự án chưa phê duyệt quyết toán chi phí đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định tại Nghị định 99/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ; chủ đầu tư chậm lập báo cáo quyết toán do một số nhà thầu đã ngưng hoạt động; vướng về thủ tục hồ sơ pháp lý về quy trình đầu tư đối với dự án khẩn cấp, chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan Nhà nước…; do chờ kết luận của các Đoàn Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Sở Tài chính đề nghị, đối với các công trình chậm nộp báo cáo quyết toán do nhà thầu ngừng hoạt động và chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý, các đơn vị liên quan phối hợp xử lý quyết toán trong quý 1/2025. Các dự án đã có kết luận thanh, kiểm tra, các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện theo các kiến nghị Kiểm toán nhà nước và kết luận của Thanh tra Chính phủ, lập báo cáo trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Trường hợp vượt thẩm quyền xử lý báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên yêu cầu: UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn để đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm thời gian quyết toán dự án hoàn thành. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư trong việc chấp hành quy định về quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định và hoàn thành quyết toán trong quý 1/2025 theo cam kết.