Quyết liệt đấu tranh với tội phạm mua bán người
Thời gian qua, các đơn vị trong Quân đội đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, do ham lợi nhuận lớn, loại tội phạm này hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Cùng với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân cũng cần chủ động chung tay đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Gần đây, hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến việc nạn nhân bị mua bán, lạm dụng, bóc lột sức lao động. Cùng với đó, hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển diễn ra rất khó lường, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Theo đó, các đối tượng tội phạm trong nước cấu kết chặt chẽ với người Việt Nam tại nước ngoài và công dân các nước khác sử dụng mạng xã hội để tuyển lao động với chiêu thức “việc nhẹ, lương cao”. Sau đó, chúng tổ chức đưa nạn nhân xuất cảnh ra nước ngoài (bao gồm cả xuất cảnh hợp pháp và trái phép) nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng.
Qua công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa lực lượng chức năng Việt Nam và nước bạn Lào cho thấy, có nhiều công dân Việt Nam đang làm việc trong các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến của người nước ngoài đặt tại nhiều địa phương của Lào. Trong số đó, có nhiều người đang bị cưỡng bức lao động, bạo hành, thậm chí một số bị ép hoặc lôi kéo tham gia các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tiếp nhận 5 đơn trình báo của công dân ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Vĩnh Phúc tố giác về việc thân nhân của họ bị lừa gạt, bán sang Đặc khu kinh tế “Tam giác vàng”, tỉnh Bò Kẹo (Lào) cưỡng bức lao động và đòi số tiền chuộc lên đến 2,5 tỷ đồng. Không chỉ ở Lào, từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng Campuchia đã triển khai kế hoạch cao điểm, truy quét các tổ chức, đường dây mua bán người, cưỡng bức lao động, qua đó xử lý 87 vụ/124 đối tượng tội phạm, giải cứu 870 nạn nhân.
Quá trình triển khai các kế hoạch cao điểm tấn công tội phạm mua bán người, lực lượng chức năng Campuchia đã trao trả cho phía Việt Nam 43 đợt/1.251 công dân bị cưỡng bức lao động.
Trong khi đó, ở trong nước, nhất là địa bàn các tỉnh phía Nam, tình trạng thiếu hụt lao động trên các tàu cá diễn ra phổ biến. Tội phạm mua bán người đã móc nối chặt chẽ với nhau, lợi dụng dịch vụ môi giới lao động (cò ngư phủ) nhằm lừa gạt, đưa nhiều người lên các tàu cá để bóc lột sức lao động.
Bên cạnh đó, các loại tội phạm “nguồn” của tội phạm mua bán người (tổ chức đưa dẫn người khác xuất, nhập cảnh trái phép; mang thai hộ vì mục đích thương mại; mua bán bộ phận cơ thể người...) cũng diễn biến phức tạp.
Trước tình hình trên, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Quốc phòng vào cuộc rất quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trên mặt công tác phòng ngừa, các đơn vị trong toàn quân đã thực hiện hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”, trong đó có nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người với nhiều nội dung, biện pháp phù hợp.
Điển hình như BĐBP, Cảnh sát biển phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và lực lượng liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới, như: Thông qua “tài khoản ảo”, các hội, nhóm trên mạng xã hội để lừa bán người lao động ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục; lợi dụng việc mang thai hộ, cho-nhận con nuôi, nhất là có yếu tố nước ngoài để mua bán trẻ sơ sinh; lợi dụng tình trạng thiếu lao động trên biển trầm trọng, thông qua hoạt động “cò ngư phủ” để mua bán, cưỡng bức lao động trên biển...
Trong đó, các đơn vị BĐBP chú trọng tuyên truyền cá biệt đến các nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, tuyên truyền trên biên giới, ngay tại cửa khẩu, kể cả với người trong độ tuổi lao động xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài tìm kiếm việc làm.
Trong 6 tháng đầu năm, BĐBP đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được 25.900 buổi/897.000 lượt người tham gia, cấp phát 22.000 tờ rơi có thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người. Quá trình tổ chức tuyên truyền tại cửa khẩu, các đơn vị BĐBP đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 180 người lao động có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người, vận động họ tự giác không xuất cảnh.
Thông qua công tác tuyên truyền pháp luật, nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các đơn vị xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá và bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm mua bán người.
Các đơn vị trong Quân đội đã tiến hành điều tra cơ bản nhiều địa bàn xã, phường, thị trấn, xác định 22 tuyến hoạt động mua bán người, hơn 600 đối tượng cần theo dõi và 1.250 người có nguy cơ cao bị lôi kéo tham gia, tiếp tay để tập trung tuyên truyền cá biệt.
Các đơn vị cũng tăng cường quân số nắm tình hình địa bàn, đối tượng nghi vấn hoạt động mua bán người, nhất là trên những địa bàn, tuyến trọng điểm. Quá trình tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, vùng biển, lực lượng BĐBP và Cảnh sát biển đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý 763 vụ/3.485 lượt người xuất, nhập cảnh trái phép và nhiều trường hợp trên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đường dây tội phạm mua bán người.
Trong đó, BĐBP đã rà soát, sàng lọc, giải cứu, tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 30 vụ/18 đối tượng tội phạm mua bán người/ giải cứu 54 nạn nhân (tăng 15 vụ/11 đối tượng/31 nạn nhân so với 6 tháng đầu năm 2022).
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian tới, hoạt động của tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nói về nhiệm vụ của đơn vị, Đại tá Dương Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An cho biết: “Tội phạm mua bán người chủ yếu hoạt động ẩn, thông qua mạng xã hội, Zalo, Facebook nên công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, trọng tâm là tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm và biết cách phòng, tránh. BĐBP tỉnh Nghệ An cũng sẽ phối hợp với các lực lượng điều tra, xác lập chuyên án đấu tranh trực diện với tội phạm mua bán người”.
Bài và ảnh: VIẾT LAM
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.