Quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Hiện nay, Thái Nguyên nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao của cả nước. Với quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch năm 2024, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn trong những tháng cuối năm.
Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao là trên 5.612 tỷ đồng; HĐND, UBND tỉnh giao trên 9.299 tỷ đồng. Tỉnh xác định phương châm “Triển khai tốt, giải ngân nhanh, điều hành linh hoạt”, thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Tính đến ngày 12/11/2024, lũy kế thanh toán vốn của tỉnh trên tổng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 3.555 tỷ đồng (63,4%), cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn địa phương giao thì mới đạt 40,7%.
Mặc dù đối mặt với không ít khó khăn song nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã rất nỗ lực với quyết tâm cao nhất để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đơn cử như Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (viết tắt là Ban QLDA nông nghiệp) năm 2024 được giao trên 109,7 tỷ đồng.
Theo bà Hà Thị Hiền, Phó Ban QLDA nông nghiệp: Năm 2024, Ban triển khai thực hiện 14 dự án, gồm 3 dự án chuyển tiếp, 10 dự án khởi công mới, 1 dự án chuẩn bị đầu tư và tư vấn quản lý dự án cho chủ đầu tư khác. 3 dự án chuyển tiếp là: Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Con (phường Châu Sơn, TP. Sông Công) đã được bàn giao, đưa vào sử dụng và quyết toán hoàn thành theo quy định; Dự án sửa chữa, khắc phục kè Soi Quýt (phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên) đang được trình UBND tỉnh phê duyệt quyết toán hoàn thành; Dự án cải tạo, nâng cấp các hồ đập trên địa bàn tỉnh đã được triển khai cải tạo, nâng cấp 32 công trình hồ, đập, đến nay cơ bản được hoàn thành, còn 3 gói thầu đang triển khai thi công. Về các dự án khởi công mới năm 2024, có 9 công trình sửa chữa đã được tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, trong đó 7 công trình khởi công từ tháng 10-2024. Lũy kế giải ngân vốn từ đầu năm đến ngày 14/11/2024 là trên 81,3 tỷ đồng, đạt 74,08% kế hoạch vốn.
Những ngày này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (viết tắt là Ban QLDA giao thông) đang tập trung cao độ chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, phấn đấu hoàn thành toàn bộ hạng mục (phần đường, 8 cầu nhỏ và các công trình trên tuyến) trước ngày 15/1/2025; đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2024. Đây là 2 dự án trọng điểm của tỉnh do Ban QLDA giao thông làm chủ đầu tư.
Về tiến độ giải ngân vốn đối với Dự án Tuyến đường liên kết vùng, Ban QLDA giao thông yêu cầu nhà thầu trong 2 tháng (11 và 12-2024) phải đạt giá trị giải ngân khối lượng hoàn thành là 457 tỷ đồng, giá trị thu hồi tạm ứng 182,5 tỷ đồng (về giá trị sản lượng đạt 639,5 tỷ đồng).
Trường hợp không đáp ứng theo mốc tiến độ, giá trị sản lượng đã cam kết, Liên danh nhà thầu Hoàng Sơn - 319 - Minh Đăng chấp nhận mức phạt 4% giá trị công việc không hoàn thành theo cam kết.
Năm 2024, Ban QLDA giao thông được giao kế hoạch vốn trên 1.989 tỷ đồng, với 11 dự án (trong đó có 1 dự án kéo dài vốn từ năm 2023 chuyển sang), tính đến ngày 12/11/2024, tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đạt 41%.
Ông Bùi Tiến Chính, Giám đốc Ban QLDA giao thông: Chúng tôi quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị để triển khai thêm các mũi thi công; tăng ca, kíp khi điều kiện thời tiết thuận lợi, bảo đảm thi công đến đâu có sản phẩm đủ điều kiện nghiệm thu đến đó. Ban cam kết bố trí nguồn vốn và thanh toán đầy đủ cho nhà thầu đối với các hạng mục công trình đã hoàn thành.
Cùng với 2 ban QLDA nêu trên, các địa phương trong tỉnh cũng nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 12/11/2024, huyện Võ Nhai dẫn đầu các địa phương về kết quả giải ngân vốn đầu tư công (kế giao 201,4 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 69,8%); tiếp đến là Phú Lương (kế hoạch giao gần 170 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 65,5%); huyện Định Hóa được giao 215,7 tỷ đồng, đã giải ngân đạt 64,1%…
Theo đánh giá của các đơn vị, địa phương thì khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển hệ thống đường điện còn chậm. Về khách quan, thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng của cơn bão số 3 làm gián đoạn thi công. Ngoài ra, một số nhà thầu chưa tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực thi công…
Để nỗ lực hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2024, ngày 15/11/2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản số 6716/UBND-TB về việc cam kết giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, xác định đây là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của người đứng đầu và các tập thể, cá nhân liên quan...
Theo cam kết của chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố đã ký với Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án như sau: Đối với dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2024 và sau năm 2024, đến ngày 31/12/2024 giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn và hết ngày 31/1/2025 giải ngân đạt 100%.
Đối với dự án khởi công mới, hoàn thành thủ tục đấu thầu, triển khai thi công, đến hết 31/12/2024 giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch vốn và đến hết 31/1/2025 giải ngân đạt 100%.
Đối với dự án chuẩn bị đầu tư: nhiệm vụ dự án được bố trí để thực hiện nhiệm vụ chi đến hết 31/1/2025 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Vốn kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024, giải ngân đạt 100%.