Quyết liệt đổi mới, hành động, vì Nhân dân phục vụ

ThS.Nguyễn Vân HâụTheo dõi phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, cử tri và Nhân dân đánh giá cao các ĐBQH đã bám sát thực tiễn, phân tích sâu sắc, đánh giá đúng thực trạng tình hình, chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, yếu kém, đề xuất nhiều giải pháp phù hợp với ý nguyện của Nhân dân và yêu cầu của thực tiễn. Cử tri và Nhân dân tin tưởng và kỳ vọng, những vấn đề đặt ra qua phiên giám sát này sẽ tạo ra áp lực pháp lý tích cực, là động lực để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong đổi mới, hành động, vì Nhân dân phục vụ, đạt được mục tiêu Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công

Thể hiện trong Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc và đánh giá của Quốc hội, cử tri và Nhân dân phấn khởi khi đất nước ta đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế đầy sức sống đã khởi động trở lại và vươn lên mạnh mẽ, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của đất nước đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Có lẽ, điều mà đại bộ phận cử tri và Nhân dân quan tâm nhất là tình hình và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tiến độ thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 “Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội đầu năm 2022 và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15. Đây là những quyết sách quan trọng của Nhà nước tác động trực tiếp đến đời sống, được Nhân dân tin tưởng, đồng lòng ủng hộ và rất mong chờ sớm đi vào thực tiễn, góp phần khắc phục hậu quả sau đại dịch, giảm thiểu những khó khăn của người dân, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế...

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình còn chậm, đã qua 5 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết, căn bản nguồn vốn chưa được triển khai trên thực tế. Tình trạng nhiều bộ, ngành chưa phân bổ hết số vốn được giao, chưa triển khai giải ngân kế hoạch vốn đã được Ủy ban Kinh tế chỉ rõ và nhiều ĐBQH thảo luận, phê phán gay gắt cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Cử tri cũng mong muốn Quốc hội, Chính phủ làm rõ các nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để chậm trễ và sớm đẩy nhanh triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, để người dân được thụ hưởng các chính sách quan trọng, thiết thực này. Bởi theo phản ánh của ĐBQH qua thảo luận, việc bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có giảm nghèo bền vững còn chưa cân đối, phù hợp với nhu cầu vốn và khả năng giải ngân. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn sự nghiệp dành cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là 28 nghìn tỷ đồng, nhưng trong 2 năm 2021 - 2022 và thực chất là giải ngân trong năm 2022 chỉ chiếm khoảng 11,3%, còn lại trong 3 năm 2023 - 2025 có đến gần 90% tổng nguồn vốn sẽ cần thiết phải giải ngân. Điều này là chưa hợp lý, việc bố trí vốn sự nghiệp hàng năm mà không cân đối sẽ làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của chương trình giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại Hội trường
Ảnh: Lâm Hiển

Xử lý nghiêm, công khai cho cử tri và Nhân dân biết

Bên cạnh những vấn đề về sinh kế, cử tri và Nhân dân chờ đợi các ý nguyện của mình về giáo dục - đào tạo, y tế và các vấn đề xã hội khác... được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Đem tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến nghị trường phiên thảo luận, vấn đề dạy và học môn lịch sử đã được đại biểu đặt ra và cho rằng không chỉ liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt hơn nữa trong đổi mới phương pháp dạy và học môn lịch sử sao cho hấp dẫn hơn đối với học sinh mà còn là trách nhiệm toàn xã hội và mỗi gia đình, cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Có thể nói, dư luận thời gian qua quan tâm theo dõi, băn khoăn xen lẫn bức xúc về đề xuất vị trí của môn lịch sử trở thành môn học lựa chọn trong chương trình giáo dục THPT từ năm học 2022 - 2023. Vấn đề nhạy cảm này đã được Quốc hội (Khóa XIII, Kỳ họp thứ Mười, năm 2015) thảo luận và có Nghị quyết số 113/2015/QH13 “Về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”, trong đó đã nêu rõ: Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.Tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.... Dư luận đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ, xử lý nghiêm, công khai cho cử tri và Nhân dân biết, vì sao, lý do gì, ai phải chịu trách nhiệm khi lặp lại vấn đề Quốc hội đã quyết, gây hoang mang dư luận trong Nhân dân?

Cũng liên quan đến giáo dục - đào tạo, sau vụ bằng giả Đại học Đông Đô, cử tri và Nhân dân cho rằng, Quốc hội cần sớm nghiên cứu, giám sát chất lượng đào tạo sau Đại học thời gian qua và hiện nay, giải đáp những thắc mắc và nghi ngờ xung quanh dư luận về “tiến sĩ giấy”, bằng thật nhưng học giả, ít có giá trị ứng dụng thực tiễn và cống hiến cho khoa học, gây lãng phí xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung. Những vấn đề về y tế và xã hội khác như khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong giai đoạn hậu Covid-19 cũng được người dân và các doanh nghiệp hết sức quan tâm, kiến nghị Quốc hội và ngành chức năng có giải pháp bảo đảm sức khỏe cộng đồng, khắc phục suy giảm năng suất lao động xã hội, gây tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Cử tri và Nhân dân tin tưởng, với hoạt động giám sát tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nướcsẽ tạo ra áp lực pháp lý tích cực, là động lực để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong đổi mới, hành động, vì Nhân dân phục vụ, đạt được mục tiêu Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết Chính phủ đề ra, phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của người dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/quyet-liet-doi-moi-hanh-dong-vi-nhan-dan-phuc-vu-i291091/