Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật
Sở NN&PTNT vừa có Văn bản số 1870 /SNN-CNTY gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB) động vật.
Sở NN&PTNT vừa có Văn bản số 1870 /SNN-CNTY gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB) động vật.
Hiện, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn TP Hòa Bình tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các loại dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn ghi nhận phát sinh các ổ dịch mới. Để chủ động kiểm soát, PCDB trên đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, ưu tiên tập trung mọi nguồn lực và trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở chấn chỉnh, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, PCDB động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, trong đó chú trọng, triển khai ngay một số biện pháp chủ yếu sau:
Tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 05/CĐ-UBND, ngày 25/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp PCDB gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Công văn số 800/UBND-KTN, ngày 30/5/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; các văn bản chỉ đạo của cơ quan chuyên môn.
Chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch khi còn ở diện hẹp; công bố dịch và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định, bảo đảm xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh dai dẳng kéo dài; tổ chức chống dịch, đặc biệt cần thực hiện công khai, minh bạch việc tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do dịch bệnh động vật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tạm dừng giết mổ động vật trên địa bàn đang có dịch bệnh xảy ra theo đúng quy định.
Rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi và căn cứ tình hình dịch bệnh, lưu hành các loại mầm bệnh, nguy cơ dịch bệnh, để tổ chức triển khai tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung đối với đàn vật nuôi mới phát sinh hoặc đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch…
Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thường xuyên, định kỳ thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi và xung quanh khu vực chăn nuôi; các địa phương đang có dịch chủ động triển khai tổ chức thực hiện việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh.
Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ động vật; đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép. Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác số liệu tình hình dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, tiêm phòng và thực hiện nghiêm công tác báo cáo trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam -VAHIS.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp PCDB cho động vật.
Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo UBND huyện, thành phố làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp PCDB gia súc, gia cầm, đặc biệt kiểm tra, chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc xin, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng…