Quyết liệt gỡ khó giúp doanh nghiệp
Dịch Covid-19 đã bào mòn 'sức khỏe', khả năng chống đỡ của doanh nghiệp. Đã có gần 79 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc tạm ngừng kinh doanh từ đầu năm 2021 đến nay. Thực tế này đặt ra đòi hỏi phải quan tâm, thúc đẩy cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh và hiệu quả hơn nữa…
Các cấp, ngành chức năng đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nhật Nam
Khó khăn bủa vây
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ có hơn 39% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ khá hơn trong quý III-2021 và đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với các quý trước. Trên thực tế, doanh nghiệp tiếp tục đối diện với tình trạng sản xuất bấp bênh, gián đoạn trong việc tham gia chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, nhân công. Thực tế, mỗi tháng có gần 15 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng cũng có gần 11 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính trong 7 tháng năm 2021, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng lên tới gần 79 nghìn đơn vị.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thông tin, doanh nghiệp chịu sức ép lớn do giá nhiên liệu tăng 110%, giá thuê đất trong khu công nghiệp tăng 8%, cước vận tải biển tăng 4 lần... Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu, việc duy trì được các đơn hàng, việc làm là “may mắn” đối với doanh nghiệp trong tình hình hiện tại.
Thêm vào đó, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng gây ra những ảnh hưởng tức thời, khiến doanh nghiệp lúng túng, bị động, nhất là hoạt động vận tải hàng hóa. Ông Phan Đức Hiếu (đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Bình) nhận định, sự phối hợp giữa các địa phương, đơn vị chức năng có lúc chưa kịp thời, chặt chẽ là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó khăn. Sự khác biệt của các địa phương trong điều hành là cần thiết, vì tình hình dịch bệnh ở mỗi nơi khác nhau, nhưng vì thế mà làm tắc nghẽn lưu thông thì không được, thay vào đó cần sự hợp tác để mọi việc nhanh, suôn sẻ...
Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh thì cho rằng, lúc này doanh nghiệp rất trông đợi vào chính sách hỗ trợ, đồng hành của cơ quan chức năng. Nếu sự hỗ trợ chậm trễ, thiếu linh hoạt và thiếu chính xác đối với từng đối tượng doanh nghiệp thì sẽ khó mang lại hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả hỗ trợ
Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn cho hay, Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, trong đó có những tiến bộ đáng kể về hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự kinh doanh. Hiện, doanh nghiệp thành lập mới sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập. Đặc biệt, 3 quy trình gồm đăng ký bảo hiểm xã hội, khai trình sử dụng lao động và đăng ký sử dụng hóa đơn đã được tích hợp vào quy trình đăng ký doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí. Hơn nữa, với việc liên thông điện tử giữa các cơ quan và thực hiện đăng ký trực tuyến, thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục được rút ngắn, bảo đảm sự chính xác, công bằng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, việc Chính phủ đưa ra gói tài khóa trị giá 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 là hành động chia sẻ thiết thực với cộng đồng doanh nghiệp. Được biết, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hiểm bệnh nghề nghiệp đã hoàn thành rà soát, 375.000 đơn vị sử dụng lao động đã được hỗ trợ với kinh phí 4.300 tỷ đồng và 11 triệu lao động được thụ hưởng.
Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội vừa yêu cầu cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới kinh phí chứng thực chữ ký số và cài đặt phần mềm, kèm 500 gói hóa đơn điện tử. Cục Thuế Hà Nội thông tin, tính đến ngày 28-7, đã chấp nhận hơn 21.000 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, với số tiền đã gia hạn là 7.270 tỷ đồng.
Nói về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ưu tiên số một hiện nay vẫn là phòng, chống dịch bệnh và đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin phòng Covid-19. Song song, cần nghiên cứu gói hỗ trợ tài khóa bổ sung. Theo ông Phan Đức Hiếu, doanh nghiệp cần chủ động giải pháp thích ứng, bảo vệ sản xuất; các cấp chính quyền cần thông tin sớm tình hình, thống nhất giải pháp chống dịch để không làm đứt gãy sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc tiếp tục nhấn mạnh về sự hỗ trợ thể chế, thông qua tháo gỡ thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Các địa phương có thể áp dụng mô hình tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ để rà soát, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1007773/quyet-liet-go-kho-giup-doanh-nghiep