Quyết liệt hoàn thiện hạ tầng giao thông, Miền Tây bứt phá vươn lên
Trong phần cuối của loạt bài đề cập sự đoàn kết, đồng lòng trong triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, để Miền Tây có cơ hội vươn mình, phát triển đồng bộ, toàn diện.
Trong 2 bài viết trước của loạt bài “ĐBSCL nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông để vươn mình”, VOV đã nêu rõ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vướng mắc để đẩy tiến độ các dự án bảo đảm tiến độ. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân đã tích cực hỗ trợ, nhanh chóng bàn giao mặt bằng để thi công các dự án để tiến tới hoàn thành khoảng 600 km đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL trong giai đoạn 2021 - 2026, làm tiền đề để đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc ở khu vực trong thời gian tới.
Để đến năm 2026 khu vực ĐBSCL có khoảng 600 km đường cao tốc, các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, vượt khó, tập trung tinh thần trách nhiệm, chủ động điều phối trong cung ứng nguồn vật liệu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để các dự án về đích theo đúng tiến độ, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Châu thổ Cửu Long.

Các dự án giao thông triển khai ở vùng ĐBSCL đang dần được định hình
Mỗi người mỗi việc, cùng đoàn kết, quyết tâm để dự án hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt. Kỹ sư Dương Đức Hoàng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, trong quá trình các công nhân, kỹ sư làm việc tại công trình luôn nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tại công trường, đây được xem như liều thuốc tinh thần để giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả trên công trường.
“Mỗi người lao động luôn trân trọng sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, không chủ quan, không tự mãn với những thành quả đạt được, từ đó định vị lại bản thân và có tư duy đột phá, mạnh dạn đề xuất những sáng kiến hay, những cách làm tốt để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật của công trình”, Kỹ sư Hoàng nói.

Mỗi người mỗi việc, cùng đoàn kết, quyết tâm để dự án hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Xây dựng) cho biết, các dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Rạch Miễu 2 và Cao Lãnh đang đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo về đích theo kế hoạch. Cùng với đó, nguồn cát từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long đã được bố trí đầy đủ, đạt trên 98% kế hoạch. Đồng thời, nguồn đá từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng đã được bố trí đáp ứng nhu cầu của các dự án.
Để đảm bảo tiến độ các dự án triển khai và hoàn thành theo tiến độ, các nhà thầu, Ban quản lý dự án báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Cùng với đó, tiếp tục phát huy hiệu quả của cơ chế đặc thù, hỗ trợ kịp thời các địa phương trong triển khai các dự án. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh khối lượng giữa các dự án đã hoàn thành và đang triển khai để tối ưu hóa tiến độ.
“An Giang đã chủ động điều chỉnh khối lượng phân bổ cho trục ngang để ưu tiên trục dọc với đích hoàn thành năm 2025. Đối với những dự án khác đã hoàn thành còn thừa khối lượng vật liệu, các chủ đầu tư sẽ báo cáo lên UBND tỉnh để điều chỉnh nguồn phân bổ cho các dự án khác, điều này tiết kiệm được rất nhiều thời gian để làm thủ tục từ đầu”, ông Thi cho hay.

Quyết liệt hoàn thiện hạ tầng giao thông, Miền Tây bứt phá vươn lên
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang được đánh giá là dự án quan trọng, có tính chất kết nối và lan tỏa, tạo sức bật cho địa phương cho phát triển. Do đó, địa phương đã nhanh chóng xác định và tập trung nguồn lực để giải phóng mặt bằng. Ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch UBND Hậu Giang cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 3 đi qua địa bàn tỉnh đến nay đã đạt khoảng 40% tiến độ và giải ngân gần 60%. Hậu Giang cam kết hoàn thành dự án vào tháng 7/2026, với điều kiện được phép chuyển các công trình đã hoàn thành để khai thác đồng bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu thi công.
Hiện nay, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng thành phần 4 qua địa bàn Sóc Trăng đang được triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, với tính cấp thiết của dự án địa phương đã và đang nỗ lực, cam kết, quyết tâm, quyết liệt cùng với các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo. Cùng với đó, trong định hướng phát triển, Sóc Trăng đề xuất 3 dự án trọng điểm có tính kết nối cho Vùng ĐBSCL như tuyến quốc lộ Nam sông Hậu (quốc lộ 91B); Đường bộ ven biển và Cảng biển Trần Đề, là những dự án trọng điểm có tính kết nối để tạo động lực bứt phá cho Vùng.
“Dự án đường bộ ven biển vừa mang tính phát triển kinh tế, xã hội liên vùng, vừa có yếu tố phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh. Trong đó, dự án cảng biển Trần Đề có tính chất để phục vụ cả khu vực ĐBSCL nằm trong quy hoạch cảng biển Việt Nam và quy hoạch nhóm cảng biển thuộc cửa ngõ của ĐBSCL”, ông Lâu thông tin.

Tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ
Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công các hạng mục công trình bước đầu đã mang lại hiệu quả. Cùng với đó, linh động điều phối cát sau khi dỡ tải từ dự án này sang dự án khác cũng như phương án điều chuyển các mỏ đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác cho dự án khác tiếp tục khai thác nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ khai thác, cung ứng.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà nhấn mạnh, cơ quan chủ quản các dự án đôn đốc chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bám sát tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2025, dự phòng thời gian trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Xác định rõ đường “găng”, tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công, nguồn lực tài chính để tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ, chất lượng, an toàn và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
“Bộ Xây dựng rất lo lắng với chất lượng của đường cao tốc, trong bối cảnh nhiều dự án phải đẩy nhanh tiến độ. Bộ đã yêu cầu các chủ đầu tư, các ban quản lý, lãnh đạo các cơ quan chủ quản cần quan tâm yêu cầu thực hiện đúng các chỉ dẫn kỹ thuật, đúng thiết kế. Dù đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo được theo yêu cầu kỹ thuật để kiểm soát được chất lượng”, ông Hà cho biết.

Xác định rõ đường “găng”, tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy tính đoàn kết, thống nhất, phấn đấu hết nhiệm kỳ này vùng ĐBSCL có 600 km cao tốc và phấn đấu tới năm 2030 có ít nhất 1.300 km cao tốc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 3 yêu cầu lớn với các dự án là kịp và vượt tiến độ; bảo đảm và nâng cao chất lượng; không đội vốn, đội giá; đồng thời không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&MT khẩn trương hướng dẫn về điều phối cát sau khi dỡ tải từ dự án này sang dự án khác, cũng như phương án điều chuyển các mỏ đang còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác cho dự án khác. Các Ban quản lý dự án cần phải thần tốc và táo bạo hơn nữa, trong triển khai phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chiến lược cho ĐBSCL và năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau thì phải tốt hơn nhiệm kỳ trước.
Qua loạt 3 bài cho thấy, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sự quyết tâm triển khai của các địa phương, hệ thống giao thông khi hoàn thiện sẽ tạo động lực, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân và phát triển vùng theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững. Điểm nghẽn về hạ tầng giao thông cho vùng Châu thổ Cửu Long được khơi thông sẽ giúp cho vùng vươn mình phát triển đồng bộ, toàn diện; trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả nước đúng kỳ vọng của Trung ương sẽ không còn xa.
Cùng loạt bài "ĐBSCL nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông để vươn mình":
Quyết liệt hoàn thiện hạ tầng giao thông, Miền Tây bứt phá vươn lên
Đẩy nhanh tiến độ trên công trường cao tốc miền Tây
“Bàn làm, không bàn lùi” để ĐBSCL kết nối, lan tỏa