Quyết liệt hơn nữa chặt 'vòi bạch tuộc' tín dụng đen

Những năm qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cho các thành phần kinh tế, đồng thời cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, tình trạng tín dụng đen vẫn hoành hành đòi hỏi thêm những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Lãi suất tín dụng đen lên đến 300-700%/năm

Tín dụng đen thực chất là hình thức cho vay nặng lãi, mặc dù bị cấm nhưng vẫn tồn tại len lỏi trong dân cư, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và bất ổn xã hội. Ở Việt Nam, tín dụng đen xuất hiện dưới các hình thức chủ yếu sau: Biến tướng từ cho vay tư nhân; các hiệu cho vay cầm đồ; biến tướng của chơi họ, hụi, biêu, phường; cho vay online qua các ứng dụng trên điện thoại; các công ty tài chính cho vay mang tính chất lừa đảo… Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Tại Điều 246 Bộ luật Dân sự quy định trần lãi suất cho vay cao nhất là 20%/năm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hiện lãi suất tín dụng đen có khi lên đến 300-700%/năm. Toàn quốc hiện có 23.425 cơ sở kinh doanh cầm đồ với 36.895 người làm nghề; 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 1.076 người làm nghề. Công an đơn vị, địa phương hiện đang quản lý, đấu tranh với 664 băng nhóm, 5.106 đối tượng, trong đó có 226 băng nhóm và 1.475 đối tượng cho vay nặng lãi; 88 băng nhóm và 687 đối tượng biểu hiện côn đồ, hoạt động đòi nợ thuê.

Quảng cáo tín dụng đen ngang nhiên khắp mọi nơi. Ảnh: TTXVN.

Quảng cáo tín dụng đen ngang nhiên khắp mọi nơi. Ảnh: TTXVN.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN Việt Nam: Từ đầu năm 2019, để mở rộng các hình thức cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen, NHNN Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, như: Khảo sát tại một số địa phương để nắm bắt nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng của người dân; tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen tại Gia Lai... Cùng với đó, NHNN Việt Nam đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị-xã hội để phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen; họp với các tổ chức chính trị-xã hội nhằm tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng nhằm hạn chế tín dụng đen; ban hành Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31-5-2019 về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tín dụng đen...

Ngân hàng tăng cường cho vay tiêu dùng, đáp ứng vốn đột xuất

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank): Đến tháng 10-2019, doanh số cho vay của gói cho vay tiêu dùng 5.000 tỷ đồng mà Agribank dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình đạt 3.791,348 tỷ đồng. Hiện có 79.098 khách hàng còn dư nợ 1.667,328 tỷ đồng; gần 50% khách hàng vay vốn trả được nợ trong thời gian ngắn sau khi thu xếp được tài chính gia đình. Mặc dù hạn mức món vay không quá 30 triệu đồng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, việc có thể đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi nó dần xóa bỏ tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng của người dân do những rào cản về thủ tục vay vốn liên quan đến hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính và hồ sơ tài sản bảo đảm. Đây cũng chính là yếu điểm mà đối tượng cho vay nặng lãi thường khai thác để đưa người dân thiếu hiểu biết rơi vào bẫy của tín dụng đen.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đánh giá, một trong những lý do mà nhiều người dân ngại vay từ ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tín dụng đen luôn bủa vây, chủ động tìm đến người dân và cho vay lại quá dễ dàng (vay vốn chỉ với chứng minh nhân dân, điện thoại, giấy phép lái xe... làm vật bảo đảm). Cũng theo TS Cấn Văn Lực, hiện tại, tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức 14% là bình thường, nên để mức tăng trưởng này lên đến 20-25% bởi lĩnh vực này còn nhiều dư địa để tăng trưởng với cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng cho sinh hoạt hằng ngày gia tăng... Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các công ty bán lẻ với tài chính tiêu dùng và ngân hàng để bớt đi thủ tục, giấy tờ; thúc đẩy nhận diện định danh khách hàng bằng các công cụ sinh trắc học để tiết giảm thủ tục hành chính, chi phí… “Làm được điều này giúp tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả hơn. Từ đó giảm tệ nạn tín dụng đen và các hệ lụy xã hội đi kèm”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Quản lý các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ

Để hạn chế tình trạng tín dụng đen, PGS, TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước và pháp luật cần rà soát, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật để có thể phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm khắc nhất các hành vi cho vay nặng lãi hay tín dụng đen. Ban hành các quy định làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý đối với các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ mới và có nguy cơ trở thành tín dụng đen ở Việt Nam. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các cấp chính quyền, các bộ, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm và tích cực ngăn chặn, loại bỏ tín dụng đen. Đối với các tổ chức tín dụng, cần tổ chức khảo sát, nghiên cứu nhu cầu tín dụng của người nghèo, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, quần chúng và tổ chức nghề nghiệp tại địa phương để tiến hành thẩm định tín dụng chính xác. Bên cạnh đó, các ngân hàng nên nghiên cứu và xác định mức lãi suất phù hợp với đối tượng vay vốn là những người nghèo và những người đang trong hoàn cảnh khó khăn; thiết lập sẵn hạn mức cho các đối tượng khách hàng khác nhau.

Các chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn thì cần chủ động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để tránh xa và loại bỏ tín dụng đen. Ngoài ra, người đi vay phải tự tăng cường trau dồi nhận thức về tín dụng đen, các hoạt động của tổ chức cung cấp tín dụng đen và những cạm bẫy đi kèm; tăng cường học hỏi để nâng cao kiến thức tài chính cá nhân, giảm việc buộc phải chấp nhận các khoản “vay nóng”. Khi có nhu cầu về tài chính cấp bách, các cá nhân nên chia sẻ chân thành, cởi mở với mọi người và các tổ chức đoàn thể tại địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ. Tuyệt đối cảnh giác với những loại hình cho vay không rõ nguồn gốc và quảng cáo hấp dẫn nhưng thực chất là những cạm bẫy. Bên cạnh đó, người đi vay nên tìm hiểu về chính sách tín dụng và các sản phẩm cho vay của các tổ chức tín dụng chính thức để được phục vụ tốt nhất.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/quyet-liet-hon-nua-chat-voi-bach-tuoc-tin-dung-den-606542