Quyết liệt không để dịch bệnh lây lan diện rộng

Quán triệt tinh thần 'chống dịch như chống giặc' của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương tiếp tục quyết liệt triển khai giải pháp phòng chống dịch COVID-19, qua đó chủ động phát hiện, cách ly kịp thời và ngăn chặn triệt để dịch bệnh lây lan.

Cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/3. Ảnh: VGP/Thế Phong

Cuộc họp của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về phòng chống dịch COVID-19 ngày 18/3. Ảnh: VGP/Thế Phong

Tại Thừa Thiên-Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết đến hết ngày 18/3, tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm 93 người, trong đó có 2 trường hợp dương tính với COVID-19 (bệnh nhân số 30 và 49, là du khách đến từ Anh), 80 người âm tính, 11 người đang chờ kết quả. Số lượng bệnh nhân dương tính COVID-19 đang điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế là 4 người, trong đó có 2 người được đưa từ Quảng Nam ra điều trị.

Tỉnh đã chuẩn bị 6 khu cách ly tập trung sẵn sàng tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ các nước. Các sơ sở này có thể tiếp nhận khoảng hơn 1.220 người.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kê khai y tế toàn dân; tập trung rà soát, giám sát, nắm chắc các trường hợp có yếu tố dịch tễ theo quy định ngay từ cơ sở; tạm dừng kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar, massage, rạp chiếu phim, điểm cung cấp trò chơi điện tử; tạm thời không đón khách vào tham quan tại các di tích, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; vận động người dân tổ chức cưới hỏi trong phạm vi gia đình, phù hợp nghi lễ truyền thống; chỉ đạo Sở GĐ&ĐT tổ chức dạy học qua truyền hình cho học sinh lớp 12 và lớp 9.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo cũng như đối với các lao động trở về địa phương, lao động thất nghiệp do ảnh hưởng dịch bệnh cũng được chuẩn bị.

Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kịp thời rà soát các đối tượng để phân loại thực hiện xét nghiệm và cách ly theo quy định. Sở Y tế, Bệnh viện Trung ương Huế có giải pháp nâng cao năng lực tổ chức xét nghiệm COVID-19 với quy mô phấn đấu đáp ứng trên 300 mẫu/ngày.

Người dân thuộc diện cách ly ở thôn Tiêu Sơn, huyện Thanh Miện đến Trung tâm Y tế huyện để cách ly ngay trong đêm 18/3.

Người dân thuộc diện cách ly ở thôn Tiêu Sơn, huyện Thanh Miện đến Trung tâm Y tế huyện để cách ly ngay trong đêm 18/3.

Tại Hải Dương, tối 18/3, sau khi Bộ Y tế thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn (là bệnh nhân nam, 11 tuổi, quê ở thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện), ngay trong đêm 18/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Thanh Miện đã họp khẩn.

Ban chỉ đạo yêu cầu xã Thanh Giang khoanh vùng khu vực gia đình bệnh nhân để phun thuốc tiêu độc khử trùng; lập danh sách những người tiếp xúc với bệnh nhân (F1), người tiếp xúc gần với F1 (F2), người tiếp xúc với F2 (F3)... để cách ly theo quy định; tiến hành phun thuốc khử trùng tại thôn Tiêu Sơn. Cấp phát thuốc sát khuẩn cho người dân thôn Tiêu Sơn chủ động phun khử trùng tại gia đình.

Ngay trong đêm 18/3, xã Thanh Giang đã thành lập 3 đoàn vận động những người liên quan đi cách ly. Đến 1h 30 ngày 19/3, đã xác định được 44 người thuộc diện F1, trong đó 4 người trong gia đình bệnh nhân đã được cách ly từ ngày 13/3; ba người cách ly tại nhà.

Công an huyện phối hợp với chính quyền xã Thanh Giang bố trí lực lượng chốt chặn tại 5 điểm ra vào thôn Tiêu Sơn, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Ngày 19/3, xã Thanh Giang dừng họp chợ, không tập trung đông người.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 18/3. Ảnh: Hà Nội Mới

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 18/3. Ảnh: Hà Nội Mới

Chiều 18/3, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thành phố Hà Nội đã họp với lãnh đạo 30 quận, huyện và các sở, ngành.

Phát biểu tại kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết trong vòng 3-4 ngày tới sẽ là giai đoạn đỉnh điểm của dịch. Vì thế, trong thời gian tới, những trường hợp thuộc diện F1 đang cách ly tại bệnh viện sẽ được chuyển tới các khu cách ly tập trung của thành phố. Các bệnh viện sẽ tập trung cho việc điều trị người nhiễm bệnh…

Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện phát hiện và cách ly; rà soát việc khai báo y tế của những người đi từ vùng dịch về; thực hiện nhanh việc lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cần nâng cao năng lực để bảo đảm lấy được từ 1.500-3.000mẫu/ngày.

Về các phương án cách ly, Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận 10.000 -15.000 người Việt Nam, du học sinh ở nước ngoài về nước cách ly tập trung. Bên cạnh đó, thành phố cũng huy động được từ 1.500 – 2.000 phòng tại các khách sạn để cùng tham gia vào phương án cách ly. Thời gian tới, thành phố sử dụng ứng dụng (app) "Hà Nội Smart City" phổ biến tới từng tổ dân phố, xã phường, người dân để quản lý việc giám sát, cách ly.

* Tại Đà Nẵng, lãnh đạo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết hiện có nhiều khách sạn trên địa bàn đã đăng ký được làm cơ sở cách ly cho du khách với khoảng 700 phòng. Theo chỉ đạo của Thành phố, các cơ sở có đội ngũ nhân viên điều hành, vận hành và có từ 50 phòng trở lên được ưu tiên lựa chọn.

Nhiều khách sạn ủng hộ hoàn toàn cơ sở vật chất (miễn phí) để thực hiện việc cách ly người nước ngoài.

Hiện đã có 2 khách sạn đã triển khai việc cách ly và ngành chức năng đang tính toán, cân nhắc số lượng khách nhập cảnh vào Đà Nẵng để phân bổ hợp lý.

Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP. Đà Nẵng đã quyết định chọn khách sạn Sam Grand (đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà) để làm khu vực cách ly tập trung cho du khách nước ngoài thuộc diện cách ly.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/quyet-liet-khong-de-dich-benh-lay-lan-dien-rong/390274.vgp