Quyết liệt ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Hà Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt, phù hợp điều kiện cụ thể tại địa bàn, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch nguy hiểm.

An Giang: Tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 15/8

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: baoangiang.com.vn

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: baoangiang.com.vn

Ngày 4/8, UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố, sơ kết tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh.

Đến nay, An Giang đã áp dụng giãn cách xã hội 18 ngày, đa số người dân chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại một số địa bàn tiếp tục tăng. Tính đến 6 giờ ngày 4/8, An Giang có 426 trường hợp mắc COVID-19. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đến hết ngày 15/8/2021.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang yêu cầu, thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đấy”; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, khoa học tại các cửa ngõ vào tỉnh cả đường thủy và đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch.

Ông Lê Hồng Quang lưu ý, tỉnh đang vào giai đoạn thu hoạch cao điểm lúa Hè Thu 2021 cũng như các sản phẩm nông sản, chăn nuôi khác và chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất Thu Đông 2021; việc thực hiện Chỉ thị 16 phải thực sự quyết liệt, nghiêm túc, khoa học, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội và sinh kế của người dân. “Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, không để chuỗi sản xuất và cung ứng nông sản bị đứt gãy trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp; trên nguyên tắc phải bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh”- Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh tiếp tục quan tâm, quyết liệt thực hiện nghiêm Chỉ thị 16; tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Các địa phương tiếp tục quan tâm đến lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch của tỉnh ở cả trên tuyến biên giới và trong nội địa; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; bảo đảm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (đợt 2) theo nguyện vọng của các thí sinh bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh cần chủ động dự báo tình hình, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư y tế, phòng, chống dịch một cách hiệu quả, tiết kiệm; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án 3 tại chỗ, đảm bảo an toàn; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động sự chung tay, góp sức của người dân, các nhà hảo tâm, các nguồn lực trong xã hội để chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng đủ cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Công tác an sinh xã hội chăm lo cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tỉnh triển khai quyết liệt, toàn tỉnh đã tổ chức 110 địa điểm theo mô hình "cửa hàng 0 đồng", "chuyến xe 0 đồng" và "quầy hàng 0 đồng" cung cấp các mặt hàng thiết yếu hỗ trợ trên 30 nghìn lượt hộ dân, với giá trị trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã quan tâm chia sẻ, hỗ trợ trên 44.800 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn với tổng số tiền và hiện vật trên 40 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 13.978 người bán vé số lưu động của 11 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số tiền trên 20,9 tỷ đồng…

Cần Thơ: Siết chặt quản lý shipper

Ngày 4/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đã ký ban hành Công văn số 3102 gửi các cơ quan chức năng, địa phương về việc quy định quản lý hoạt động loại hình nhân viên giao hàng (shipper) trên địa bàn thành phố trong thời gian tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 4/8, yêu cầu các đơn vị quản lý, cung ứng dịch vụ nhân viên giao hàng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện bổ sung các giải pháp phòng, chống dịch COVID -19. Cụ thể, các đơn vị điều chỉnh số lượng nhân viên giao hàng giảm 30% số lượng nhân viên đang quản lý và thời gian hoạt động chỉ cho phép từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Đội ngũ nhân viên giao hàng phải được xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần. Khi di chuyển trên đường phải mang theo Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn thời hạn trong vòng 3 ngày.

Ngoài các giải pháp nhận diện nhân viên giao hàng như hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho nhân viên giao hàng, ứng dụng quản lý đơn hàng mà nhân viên giao hàng đang giao nhận...), các đơn vị triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của đơn vị cho từng nhân viên giao hàng và ứng dụng công nghệ nhận diện nhân viên giao hàng thông qua mã QR Code hiển thị đầy đủ thông tin về nhân viên giao hàng, phương tiện di chuyển.

Đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi...), các đơn vị quản lý tập hợp đăng ký danh sách nhân viên giao hàng gửi Sở Công Thương thành phố xác nhận. Mỗi nhân viên giao hàng chỉ được hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện; chỉ giao hàng địa bàn quận, huyện khác khi vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ cho các bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch.

Các đơn vị quản lý thường xuyên nhắc nhở đội ngũ nhân viên giao hàng tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra, các đơn vị quản lý nhân viên giao hàng phải công bố thông tin số điện thoại đường dây nóng để các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra, phối hợp, hỗ trợ, xác minh xử lý nhân viên giao hàng khi cần thiết...

Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an thành phố Cần Thơ phối hợp hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các nhân viên giao hàng, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.

Nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm người đứng đầu

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Thanh Tuấn/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh:Thanh Tuấn/TTXVN

Ngày 4/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với 6 huyện, thị xã, thành phố bàn các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và ý thức phòng, chống dịch. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương rà soát lại các điểm yếu, lỗ hổng trong công tác phòng, chống dịch để kịp thời khắc phục; chú trọng sàng lọc các trường hợp ốm, ho, sốt ngoài cộng đồng, tại các bệnh viện và các trường hợp ở vùng dịch về.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện xét nghiệm tầm soát khoảng 15% công nhân tại các nhà trọ, công nhân trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện giãn cách sản xuất, giảm số lượng công nhân lao động tại các nhà máy và khuyến khích làm việc trực tuyến.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Ngành Y tế chuẩn bị nguồn nhân lực, vật tư để phục vụ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine trên diện rộng. Các địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Nam đã thiết lập 8 chốt kiểm soát liên ngành tại các quốc lộ, tỉnh lộ; 27 chốt xã giáp ranh với các tỉnh. Đến nay, các chốt đã kiểm tra, giám sát được trên 164.000 lượt người, trong đó có hơn 6.000 người đến từ vùng dịch; phát hiện 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ Thành phố Hồ Chí Minh về Lào Cai qua địa bàn tỉnh bằng phương tiện cá nhân.

Ngành Y tế xây dựng phương án Bệnh viện Lao và Bệnh phổi là bệnh viện điều trị COVID-19 trong tình huống cần thiết; xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế khi có tới 3.000 người mắc COVID-19 trên địa bàn...

Tính đến ngày 3/8, Hà Nam đã được cấp 41.300 liều vaccine các loại và đã tiêm được trên 39.000 mũi, đạt 95%; Quỹ vaccine phòng COVID-19 của tỉnh đã tiếp nhận gần 34 tỷ đồng ủng hộ.

Công Mạo - Thanh Tuấn - Ngọc Thiện (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-bien-phap-quyet-liet-nham-ngan-chan-day-lui-dai-dich-covid19-20210804175518090.htm