Quyết liệt ngăn chặn khai thác cát trái phép

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh việc phòng, chống, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông. Tuy nhiên, do đây là lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao nên các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó. Nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, các cấp, ngành, địa phương cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra một bến tập kết vật liệu xây dựng hoạt động không phép ven sông Hồng tại xã Thống Nhất (huyện Thường Tín).

Lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh

Đã bước vào mùa mưa, theo quy luật những đối tượng khai thác cát trái phép (“cát tặc”) sẽ ngừng hoạt động, nhưng trên các tuyến sông Hồng, Đà, Đuống qua địa phận thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng vẫn phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến lĩnh vực này.

Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) thông tin, khoảng 2h30 ngày 5-5 vừa qua, tại địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh, đơn vị phát hiện một phương tiện thủy gắn số kiểm soát VR-16044549 khai thác cát trái phép nên tổ chức vây bắt. Trước đó, khoảng 10h15 ngày 14-4, trên tuyến sông Đà đoạn qua địa phận xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, đơn vị cũng bắt quả tang 1 tàu cuốc ngang nhiên khai thác cát trái phép. “Trong quý I-2021, tổng số phương tiện do đơn vị bắt giữ, xử lý liên quan đến “cát tặc” lên đến 12 tàu, thuyền”, Thiếu tá Hà Trọng Hoan cho biết.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trong năm 2020, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 1 đã bắt giữ 33 phương tiện khai thác cát trái phép, tiếp nhận hồ sơ xử lý 2 trường hợp liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép, phạt thành tiền gần 1,6 tỷ đồng. Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2 lập biên bản xử lý nhiều trường hợp liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép, phạt hành chính gần 1 tỷ đồng.

Anh Khổng Quang Trường (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, nhiều đêm người dân khu phố Bắc Cầu giáp sông Đuống, sông Hồng không ngủ được vì tiếng máy hút cát ầm ĩ hoạt động. Chỉ khi người dân thông báo cho công an phường sở tại và tổ chức xua đuổi, “cát tặc” mới rời đi nơi khác.

Nhận định tình hình, Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận để hoạt động. Nhiều vụ việc vừa bắt giữ cho thấy, các đối tượng phạm tội đã đầu tư phương tiện hút cát công suất lớn để khai thác triệt để tài nguyên trong một thời gian ngắn. “Trong quý I-2021, Phòng Cảnh sát giao thông đã bắt giữ 18 vụ việc khai thác cát trái phép, tạm giữ 24 phương tiện, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020”, Đại tá Dương Đức Hải thông tin.

Phối hợp xử lý

Trên thực tế, do lợi nhuận thu được lớn khiến các đối tượng khai thác cát trái phép bất chấp quy định của pháp luật để hoạt động. Một số đối tượng còn thuê người canh gác ở gần khu vực khai thác, theo dõi bến để xuồng của Cảnh sát giao thông đường thủy, hạt quản lý đê nhằm cảnh báo, dừng hoạt động khi phát hiện lực lượng chức năng. Do đó, muốn xử lý hiệu quả tình trạng này cần sự phối hợp của nhiều lực lượng.

Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy số 2 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đảm nhận công tác tuần tra kiểm soát tuyến sông Hồng có chiều dài khoảng 57km chạy qua 26 xã, phường, thị trấn thuộc 7 quận, huyện và một số địa bàn giáp ranh với tỉnh Hưng Yên; tuyến sông Đuống dài 24km, chạy qua 17 xã, phường, thị trấn thuộc 3 quận, huyện. Vì địa bàn quản lý trải rộng nên việc xử lý tình trạng “cát tặc” gặp nhiều khó khăn nếu chỉ dựa vào Cảnh sát giao thông đường thủy. Do đó, để ngăn chặn “cát tặc” cần có sự phối hợp với chính quyền các địa phương.

“Đầu tháng 5-2021, đơn vị lập biên bản xử lý 7 bến tập kết vật liệu xây dựng tại xã Thống Nhất (huyện Thường Tín) hoạt động không phép ven sông Hồng. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương, Công an huyện Thường Tín tiếp tục giám sát, nếu không đủ các thủ tục pháp lý thì đề nghị đình chỉ, rút giấy phép hoạt động của các bến tập kết này”, Trung tá Đỗ Trọng Tuân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Viễn, thuyền trưởng một xà lan vận tải xăng dầu trên tuyến sông Hồng cho biết, Cảnh sát giao thông đường thủy đã thiết lập đường dây nóng, tuyên truyền, nhắc nhở các thuyền trưởng khi phát hiện “cát tặc” cần thông báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời xử lý.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đình Công, Bí thư Đảng ủy phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết, chính quyền phường thường xuyên chỉ đạo rà soát hoạt động bến bãi tập kết vật liệu xây dựng bên sông Hồng trên địa bàn để xử lý, không để “cát tặc” núp bóng hoạt động. Ngoài ra, Công an phường đẩy mạnh tuần tra tuyến đường đê Thanh Trì qua địa bàn nhằm không để xe ben chở cát quá tải hoạt động…

Việc nhiều lực lượng và nhân dân cùng vào cuộc chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng “cát tặc” lộng hành trên những tuyến sông của Thủ đô.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1000502/quyet-liet-ngan-chan-khai-thac-cat-trai-phep