Quyết liệt ngăn chặn 'ô nhiễm trắng'
Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là 'ô nhiễm trắng' đang là vấn đề cấp bách, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Chất thải rắn – “gánh nặng” cho môi trường
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa hiện vẫn ở mức rất cao. Đây là một “gánh nặng” nghiêm trọng cho môi trường. Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra là 25 triệu tấn. Trong đó, chỉ có 30% được xử lý đốt hoặc sản xuất phân hữu cơ, hơn 70% chôn lấp trực tiếp. Riêng tại Hà Nội, mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỉ lệ chôn lấp tới 90%, còn ở TPHCM xấp xỉ 70%. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8-12%. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50% đến 80% lượng rác thải biển. Hiện Việt Nam có đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Các chuyên gia nhận định, nguồn gây ô nhiễm chính liên quan đến chất thải nhựa trên biển ở Việt Nam bao gồm nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác).
Mặt khác, trong những năm qua, ngành du lịch biển phát triển mạnh mẽ, mỗi năm thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch trong nước và nước ngoài. Vì vậy, khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam năm 2020, dự báo khoảng hơn 206 nghìn tấn, trong đó gần 40% xả ra biển. Nhiều bãi biển đẹp như Vịnh Hạ Long, tại một số đảo như Cát Bà, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù lao Chàm..., đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là lượng rác thải nhựa ngày một gia tăng.
Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường
Để quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa; đến năm 2025, cả nước không sử dụng loại sản phẩm túi nilon dùng một lần…
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý chất thải rắn vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; quản lý nhựa sử dụng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Bên cạnh đó, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có việc quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Quốc hội phê duyệt Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định túi nilon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường (thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy là 50.000 đồng/kg)…
Song song với giải pháp về mặt chính sách, nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Cụ thể, phối hợp với UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa; xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (tại các dòng sông, suối, kênh, rạch, bãi tắm, bãi biển, cảng cá ven biển); xây dựng và triển khai các mô hình tốt về quản lý chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy cho phù hợp với đặc thù của địa phương.
Huy động các lực lượng nòng cốt chống rác thải nhựa
Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người, ngành thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa; khen thưởng kịp thời các cá nhân, tổ chức có thành tích tốt trong phong trào chống rác thải nhựa hoặc sáng kiến có giá trị; nhân rộng các mô hình tốt về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các mô hình nói không với rác thải nhựa.
Đặc biệt, việc huy động các lực lượng nòng cốt như phụ nữ, thanh niên tham gia phong trào là những hành động thiết thực đang được nhân rộng trên phạm vi cả nước để chống rác thải nhựa. Điển hình như tại Hà Nội, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng”, “Chống rác thải nhựa”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Tái chế – Tái sử dụng – Tiết kiệm”, “Công sở xanh”, “Sử dụng làn đi chợ”, “Biến chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản,… góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của Thủ đô ngày càng trong sạch, an toàn và phát triển bền vững.
Không chỉ chú trọng chống các nguồn thải trên đất liền, các nguồn thải trên biển cũng cần được đặc biệt quan tâm. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Chính phủ ban hành, ngành đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương. Đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, xử lý và kiểm soát các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển, từ các hoạt động trên biển, hải đảo. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất, phối hợp các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn ở một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp và khu chế xuất ven biển...
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương, trong đó tập trung hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, chuẩn quốc gia phục vụ rác thải nhựa đại dương; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường. Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương và triển khai các sáng kiến của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương...
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 75% rác thải nhựa đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn không còn rác thải nhựa...
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/quyet-liet-ngan-chan-o-nhiem-trang/411346.vgp