Quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Những tháng tới chính là 'thời điểm quyết định' để Việt Nam xử lý dứt điểm các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), chứng minh những cam kết mạnh mẽ trong thực tế chống khai thác IUU, hoàn thành mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' ngay trong năm nay.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân kiểm tra công tác chống khai thác IUU và thăm hỏi bà con ngư dân tại cảng cá Cái Rồng, đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: LÊ QUÂN)

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân kiểm tra công tác chống khai thác IUU và thăm hỏi bà con ngư dân tại cảng cá Cái Rồng, đặc khu Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: LÊ QUÂN)

Dự kiến cuối năm 2025, Đoàn công tác Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Để tìm hiểu rõ hơn về những thách thức lớn nhất trong quá trình đàm phán với Ủy ban châu Âu, các giải pháp cấp bách cần triển khai trong thời gian tới, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với đồng chí Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Những khó khăn, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong việc ngăn chặn các hành vi khai thác IUU và trong đàm phán với Ủy ban châu Âu (EC) về gỡ “thẻ vàng” là gì, thưa đồng chí?

Cục trưởng Trần Đình Luân: Việt Nam có đội tàu cá rất lớn, với khoảng hơn 82.000 tàu cá đã được cập nhật trên VNFishbase, trong đó có hơn 17.000 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên không đủ điều kiện hoạt động (chưa đăng ký, đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác…), cho nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, số lượng tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên bắt buộc phải cập cảng để bốc dỡ thủy sản còn thấp so với số lượng đội tàu.

Việc một số địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, còn buông lỏng quản lý, công tác xử phạt chưa mang tính răn đe, thiếu hợp tác đồng bộ giữa các địa phương, cũng là những khó khăn lớn trong việc giải quyết dứt điểm khai thác IUU.

Việc ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài là một trong những điều kiện tiên quyết để EC gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2025 đến nay đã có 11 tàu, 72 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Chính vụ việc tàu cá KG-95441-TS của Kiên Giang (nay là An Giang) bị lực lượng thực thi pháp luật Thái Lan bắt giữ vào ngày 24/2 khi xảy ra va chạm với tàu cá và lực lượng chức năng của nước này, là một trong những lý do chính khiến EC quyết định tạm lùi thời hạn sang thanh tra tại Việt Nam lần thứ 5 (dự kiến diễn ra từ tháng 3/2025).

Trong những khó khăn nêu trên, chúng ta phải khẳng định rằng thách thức lớn nhất trong quá trình đàm phán với EC về gỡ “thẻ vàng” là vẫn còn tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc tế của Việt Nam. Đây bị coi là hành vi IUU điển hình mà EC giữ lập trường cứng rắn, kiên quyết chưa tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Phóng viên: Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương có biển của Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang lại những chuyển biến thực chất trong công tác chống IUU. Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả Việt Nam đã đạt được, nhất là trong việc xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU?

Cục trưởng Trần Đình Luân: Sau gần 8 năm chống khai thác IUU, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng đồng bộ các văn bản đáp ứng yêu cầu thực tế của đất nước và phù hợp khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Hiện đã có hơn 82.000 tàu cá được đăng ký, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) để theo dõi, kiểm tra.

 Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bám biển, thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU. (Ảnh: LƯU HƯƠNG)

Ngư dân Quảng Ngãi vươn khơi bám biển, thực hiện nghiêm quy định chống khai thác IUU. (Ảnh: LƯU HƯƠNG)

Trong hoạt động kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát cá ngừ vây ngực dài có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam bằng tàu container theo khuyến nghị của EC.

Kết quả, trong năm 2024, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tàu cá cập cảng theo Hiệp định PSMA đối với 18 tàu nước ngoài vận chuyển thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam, với tổng khối lượng khoảng 42.900 tấn; năm 2025, tổ chức kiểm tra 4 đợt với tổng khối lượng hơn 7.630 tấn.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng tàu cá vi phạm mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên 6 giờ mà không báo cáo vị trí chỉ còn 154 tàu, giảm 82% so với cùng kỳ năm 2024; số tàu cá vi phạm mất kết nối VMS hơn 10 ngày còn 19 tàu, giảm 71%.

Việc ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài - một trong những điều kiện tiên quyết để EC gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, cũng từng bước được giải quyết. Số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong 5 tháng đầu năm chỉ còn 11 tàu vi phạm, giảm hơn 76% so với cùng kỳ năm 2024.

Phóng viên: Bên cạnh giám sát chặt chẽ, việc tăng cường tuyên truyền để ngư dân thực hiện đúng cam kết theo quy định chống IUU là một thách thức lớn. Thời gian qua, công tác tuyên truyền được triển khai như thế nào và đạt được những kết quả cụ thể gì, thưa đồng chí?

Cục trưởng Trần Đình Luân:Các địa phương ven biển đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua nhiều kênh như loa phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội, pa-nô, áp phích tại cảng cá và khu dân cư ven biển. Tổ chức các buổi tập huấn, đối thoại trực tiếp tại các xã, phường ven biển với sự tham gia của ngư dân, chủ tàu, ban quản lý cảng cá và các lực lượng chức năng như biên phòng, kiểm ngư, chi cục thủy sản.

Cộng đồng ngư dân ven biển và chủ của hơn 80.000 tàu cá đã được cập nhật các nhiệm vụ và giải pháp chống IUU thông qua các ứng dụng công nghệ số. Ngoài ra, các tài liệu, số tay hướng dẫn ghi nhật ký khai thác, cách sử dụng thiết bị VMS đã được phát miễn phí cho ngư dân.

Với những cách thức tuyên truyền mới mẻ, cụ thể, dễ theo dõi và làm theo, phần lớn ngư dân, đặc biệt là chủ tàu, đã có nhận thức rõ ràng về tác hại của khai thác IUU, cho nên ý thức tuân thủ được nâng lên rõ rệt.

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị VMS đã đạt cao hơn nhiều so với trước. Một số tỉnh đã đạt gần 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên thực hiện lắp đặt theo quy định.

Có thể khẳng định, công tác tuyên truyền về IUU đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của ngư dân, tạo tiền đề cho việc gỡ “thẻ vàng” của EC.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả bền vững, cần tiếp tục đổi mới phương pháp, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và chính quyền địa phương, cũng như phát huy vai trò của ngư dân trong giám sát lẫn nhau.

Phóng viên: Theo đồng chí, trong “thời gian vàng” hiện nay, Việt Nam cần đẩy mạnh những giải pháp trọng tâm nào để đáp ứng tốt nhất những khuyến nghị của EC nhằm gỡ được “thẻ vàng”?

Cục trưởng Trần Đình Luân: Cần xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành, địa phương trong chống khai thác IUU, triển khai đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu ở trên.

Phải bảo đảm tàu cá cập cảng theo quy định; theo dõi kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển, tại cảng. Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử bảo đảm tính minh bạch, hợp pháp đối với các lô hàng xuất khẩu, không vi phạm IUU.

Đặc biệt là tập trung công tác thực thi pháp luật, xử lý triệt để các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển; ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm vùng biển nước ngoài; bảo đảm không phát sinh các vụ việc vi phạm tại thời gian trước, trong và sau khi Đoàn Thanh tra EC tới kiểm tra thực địa lần thứ 5. Đây là khuyến nghị tiên quyết để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Phóng viên: Song song với nhiệm vụ gỡ “thẻ vàng”, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì sự minh bạch trong khai thác thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, hướng đến phát triển một nghề cá bền vững và có trách nhiệm, thưa đồng chí?

Cục trưởng Trần Đình Luân: Để duy trì sự minh bạch trong khai thác thủy sản và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân, chúng ta cần thực hiện một chiến lược toàn diện với các giải pháp lâu dài.

Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tế nghề cá Việt Nam; các khuyến nghị của EC và các cam kết quốc tế để hướng phát triển nghề khai thác thủy sản bền vững, trách nhiệm và hiệu quả. Tăng cường thực thi pháp luật, bảo đảm kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát hoạt động tàu cá như: Hệ thống VMS, nhật ký điện tử; hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử.

Cùng với đó, phát triển nuôi trồng và du lịch sinh thái chính là một hướng đi mà ngành thủy sản đang hết sức chú trọng nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho những ngư dân không còn phù hợp với các nghề khai thác thủy sản truyền thống, lạc hậu. Để giảm cường lực khai thác trên các tất cả các vùng biển, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản lâu dài cho thế hệ mai sau, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đang hướng tới việc quy hoạch lại đội tàu cá, đồng thời nâng cao sinh kế cho ngư dân bằng cách hướng dẫn, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề cá.

Ngoài ra, nuôi biển hiện đại ở vùng biển xa và nuôi biển kết hợp du lịch sinh thái, du lịch làng nghề cá sẽ là những hướng phát triển trong tương lai của nghề cá “màu xanh dương” của Việt Nam.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Quân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-ngan-chan-tau-ca-vi-pham-vung-bien-nuoc-ngoai-post896009.html