Quyết liệt ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới

Nhờ chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người của các đơn vị BĐBP trên cả nước đạt nhiều kết quả tích cực.

Cán bộ điều tra BĐBP Tây Ninh lấy lời khai của Đới Thị Yến Linh. Ảnh: Phương Vy

Cán bộ điều tra BĐBP Tây Ninh lấy lời khai của Đới Thị Yến Linh. Ảnh: Phương Vy

Nhiều đối tượng bị lừa bán còn nằm trong độ tuổi vị thành niên

Thực hiện Chuyên án truy xét mang bí số TN-724p, mới đây, BĐBP Tây Ninh đã chủ trì, phối hợp với Công an Tây Ninh bắt giữ 2 đối tượng mua bán người xuyên quốc gia từ Việt Nam sang Campuchia và giải cứu thành công một nạn nhân 16 tuổi. Theo hồ sơ chuyên án, ngày 9/7, khi tiếp nhận một số người Việt Nam là lao động bất hợp pháp được Campuchia trao trả, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh phát hiện G.M.Đ (ngụ tại tỉnh Bình Dương) và V.V.T (ngụ tại tỉnh An Giang) có dấu hiệu là nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Động viên và khai thác thông tin từ G.M.Đ và V.V.T, lực lượng chức năng phát hiện thêm, trong số các công dân được trao trả còn có đối tượng Phạm Thị Kim Anh (21 tuổi, cư trú tại Long Khánh, Đồng Nai) là một “mắt xích” quan trọng trong đường dây mua bán người qua biên giới. Khi bị bắt giữ, Phạm Thị Kim Anh khai nhận, cùng nhiều người Việt Nam (làm việc ở casino tại Campuchia) tạo các tài khoản mạng xã hội để tuyển dụng người Việt Nam sang Bà Vét (tỉnh Svay Riêng, Campuchia) làm việc. Sau khi những người này tới Campuchia và dính bẫy "việc nhẹ, lương cao", Kim Anh đã cùng đồng bọn bán các nạn nhân cho nhiều công ty cờ bạc, lừa đảo với giá 100 - 500 USD/người.

Mở rộng điều tra, ngày 24/7, BĐBP Tây Ninh phối hợp với Công an tỉnh Svay Riêng, Campuchia giải cứu thành công nữ nạn nhân tên M.L (16 tuổi, tỉnh Bình Dương) bị cưỡng bức lao động ở khu Venus (thuộc thành phố Bà Vét). Tiếp theo, từ thông tin của M.L, tối 25/7, lực lượng chức năng Campuchia đã bắt giữ đối tượng Đới Thị Yến Linh (17 tuổi, cư trú tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) và bàn giao cho Ban chuyên án. Chính Linh là người đã lừa gạt và đưa M.L. từ Việt Nam sang Campuchia, sau đó bán vào công ty cờ bạc để lấy tiền. Linh khai nhận, từ tháng 4/2024 đến nay, Linh nhiều lần lên mạng dụ dỗ các thiếu nữ qua biên giới với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Các nạn nhân này sau đó đều bị cưỡng bức lao động, bị tra tấn nhục hình. Ai không chịu nổi thì chúng yêu cầu gọi điện thoại về Việt Nam cho gia đình mang tiền qua để “chuộc mạng”. Ban chuyên án đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán người dưới 16 tuổi và tổ chức bàn giao Linh cho cơ quan điều tra Công an tỉnh Tây Ninh tiếp tục thụ lý. Chuyên án trên khép lại và đánh dấu một cột mốc quan trọng, "chặt đứt" đường dây buôn người qua biên giới do BĐBP Tây Ninh và các cơ quan, đơn vị phối hợp đấu tranh.

Đại tá Trương Công Số, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Tây Ninh cho biết, tại Tây Ninh, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh sang Campuchia làm việc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, thậm chí bị mua bán từ công ty này sang công ty khác diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng bị lừa bán còn nằm trong độ tuổi vị thành niên. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP Tây Ninh đã tiếp nhận 22 vụ/408 công dân Việt Nam cư trú, lao động bất hợp pháp tại Campuchia. Trong đó, đã phối hợp với Tổ chức trẻ em Rồng Xanh giải cứu 4 nạn nhân bị mua bán ở Campuchia trở về. Phối hợp với Công an tỉnh Tây Ninh đấu tranh thành công 1 chuyên án mua bán người, bắt 2 đối tượng, chuyển tuyến 3 nạn nhân để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh hỗ trợ.

Hoạt động mua bán người qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình trạng mua bán người vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Các băng nhóm buôn người có sự câu kết chặt chẽ giữa đối tượng môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây phạm tội liên tỉnh, xuyên quốc gia. Nạn nhân mà bọn mua bán người nhắm tới thường là những thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết pháp luật; chị em phụ nữ có cuộc sống gia đình đổ vỡ, bị tổn thương về tình cảm nên có tư tưởng chán nản, bi quan; các bé gái ở tuổi mới lớn chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Nếu như trước đây, các đối tượng tiếp cận, làm quen với nạn nhân theo hình thức trực tiếp gặp mặt thì hiện nay đã chuyển qua sử dụng các trang mạng xã hội để dụ dỗ. Sau khi con mồi “mắc bẫy”, chúng khống chế, buộc phải lao động nặng nhọc tại các sòng bạc, hoạt động mại dâm, bán nội tạng, đẻ thuê hoặc bán sang nước thứ 3. Nhiều nạn nhân không chịu được bóc lột, hành hạ, đánh đập, chúng bắt gọi điện về cho gia đình tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước. Ở khu vực phía Nam, hoạt động mua bán người đưa ra nước ngoài diễn ra nhiều ở các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý 98 chuyên án, vụ án mua bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các đơn vị BĐBP chủ trì xác lập, đấu tranh 32 chuyên án, vụ án mua bán người; đấu tranh thành công 23 chuyên án và 4 vụ án. Với tinh thần kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, các đơn vị BĐBP trên cả nước đã bắt, khởi tố 27 vụ/80 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận 57 nạn nhân trong các chuyên án; điều tra, xác minh và bàn giao 38 đối tượng cho công an các cấp tiếp tục xử lý theo thẩm quyền. Các đơn vị BĐBP cũng đã giải cứu, phối hợp giải cứu 32 vụ/52 nạn nhân, người nghi là nạn nhân. Tiếp nhận, rà soát, sàng lọc công dân do lực lượng chức năng nước ngoài trao trả 144 vụ, phát hiện 266 nạn nhân, người nghi là nạn nhân.

Thời gian tới, dự báo diễn biến tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trên tuyến biên giới chung với Campuchia. Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên chỉ đạo các đơn vị BĐBP triển khai đồng bộ các biện pháp để đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn và phòng ngừa. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là địa phương vùng biên giới cũng như lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới nước láng giềng đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người qua biên giới. Đồng thời, tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây mua bán người, kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Các đồn, trạm, đơn vị Biên phòng phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Phương Vy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-liet-ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-qua-bien-gioi-post481323.html