Quyết liệt phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, ngành nông nghiệp và các địa phương đang khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.
Dịch bệnh bùng phát, diễn biến phức tạp
Tại huyện Lệ Thủy, bệnh VDNC trên trâu bò xuất hiện từ đầu tháng 3-2021, tại xã Sen Thủy. Đến ngày 8-4, bệnh VDNC đã xuất hiện tại 9 xã trên địa bàn huyện Lệ Thủy, làm 434 con trâu, bò bị bệnh, trong đó có 14 con bị chết.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh tại xã Sen Thủy, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã nhanh chóng khoanh vùng, tập trung xử lý số lượng trâu bò bị bệnh VDNC. Đồng thời, lực lượng chức năng tích cực phun tiêu độc, khử trùng các phương tiện qua lại tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi, không để tiếp xúc với mầm bệnh.
Ông Nguyễn Hữu Tín, ở thôn Tây Thiên, xã Dương Thủy (Lệ Thủy) cho biết: “Để phòng chống dịch bệnh VDNC cho đàn bò, tôi đã cách ly 2 con bò mắc bệnh ở riêng. Đồng thời, cho bò uống nước chanh để cung cấp Vitamin C, uống sữa, nước cám và cho ăn thêm cỏ tươi; tiêm thuốc bổ và thuốc kháng sinh nên 2 con bò bị bệnh cũng đã dần khỏi bệnh. Tại chuồng trại, tôi cũng đã rải vôi, phun tiêu độc, khử trùng và thuốc diệt ruồi, muỗi, bọ chét…; nhân viên thú y xã cũng đã tiêm vacxin phòng bệnh cho số bò chưa bị bệnh”.
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh VDNC, huyện Lệ Thủy đã được tỉnh cấp 5.500 liều vắc xin để tiêm cho đàn trâu, bò. Đến nay, huyện đã tiêm xong trên 2.000 liều, trong đó có 7 xã, thị trấn đã hoàn thành tiêm vắc xin, gồm các xã: Tân Thủy, Thanh Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Xuân Thủy, Liên Thủy và thị trấn Kiến Giang. Các địa phương còn lại sẽ phấn đấu đến ngày 15-4 hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò”. Cũng theo ông Hán, cái khó nhất của huyện lúc này là thiếu nguồn vắc xin phòng bệnh; huyện cần khoảng 10.000 liều mới có thể tiêm hết cho đàn trâu, bò trên 16.000 con. Hiện, huyện cũng đã đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm vắc xin để sớm tiêm phòng cho đàn trâu, bò.
Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã có 14 xã xuất hiện dịch VDNC trên trâu, bò với 261 con bị nhiễm bệnh, trong đó có 5 con chết, buộc phải tiêu hủy. Nguy cơ dịch VDNC trên trâu, bò tiếp tục xâm nhiễm diện rộng vẫn rất cao do đây là loại dịch bệnh mới, chưa có đầy đủ phác đồ điều trị…Hơn nữa, thời tiết đang ở trạng thái nóng, ẩm, các động vật trung gian truyền bệnh, như: muỗi, ve… phát triển nhanh, mật độ dày đặc. Trong khi đó, tổng đàn trâu, bò có nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn toàn huyện khá lớn với 12.575 con.
Theo báo cáo từ Chi cục Chăn Nuôi và Thú y, từ ngày 8-2 đến ngày 8-4-2021, dịch bệnh VDNC đã xuất hiện tại 1.845 hộ/308 thôn/83 xã/8 huyện, thị xã, thành phố làm 2.887 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó có 92 con bò chết do bệnh. Các địa phương trong toàn tỉnh đã phun 2.492 lít hóa chất và rải 16.310kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò.
Nâng cao ý thức phòng, chống dịch
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò theo chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chức năng. Trong đó, cần tập trung tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, toàn bộ các vùng có nguy cơ cao; khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào vùng có dịch.
Ngoài phun tiêu độc khử trùng, biện pháp phòng, chống bệnh tốt nhất là các hộ chăn nuôi trâu, bò cần chủ động mua ngay thuốc phun diệt muỗi, ve, ruồi xung quanh khu vực chăn nuôi. Thời điểm này, các hộ tại vùng có dịch không được chăn thả rông trâu, bò. Đối với các vùng chưa xuất hiện dịch bệnh, bà con cần hạn chế việc chăn thả rông, chủ động nguồn thức ăn tại chỗ cho trâu, bò. Đặc biệt là không vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng có dịch; thường xuyên rắc vôi bột tại khu vực chuồng trại.
Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, VDNC trên trâu, bò là loại dịch bệnh mới, khả năng lây nhiễm lớn nên các ngành, địa phương cần nhanh chóng vào cuộc, tăng cường phối hợp, triển khai các biện pháp cần thiết để phòng chống, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Ngành chăn nuôi và các địa phương tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân hiểu về căn bệnh và cách phòng tránh, không hoang mang, dẫn đến việc bán tháo, giết mổ đàn trâu bò; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm từ thịt hay việc mua bán trâu, bò từ các địa phương khác tới nhằm quản lý tốt công tác phòng dịch.
“Đây là loại dịch bệnh dễ lây lan, thời gian ủ bệnh dài, không làm gia súc chết ngay lập tức như các loại dịch bệnh khác. Vì vậy, khi thấy gia súc có dấu hiệu bị bệnh VDNC, người dân cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh, tích cực chăm sóc vật nuôi, tăng sức đề kháng để trâu, bò nhanh lành bệnh. Sau khi Bộ Nông nghiệp-PTNT công bố vắc xin phòng bệnh VDNC, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trích ngân sách mua 40.800 liều vắc xin để tiêm phòng cho trâu, bò. Thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thành việc tiêm phòng cho trâu, bò. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục mua thêm 50.000 liều vắc xin phòng bệnh VDNC để tiêm cho trâu, bò. Qua 2 đợt tiêm phòng, dự kiến sẽ có hơn 80% tổng đàn, trâu bò trong toàn tỉnh được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC”, ông Mai Văn Minh cho biết thêm.
Để phòng chống bệnh VDNC trên trâu, bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo các địa phương, người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh đang lan rộng; cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo các chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường công tác tuyên truyền liên tục cho người dân tự giác thực hiện các giải pháp phòng, chống; tập trung nhân lực để thực hiện phun thuốc diệt muỗi, ve; vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên; giám sát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc…
Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn cùng với sự tích cực vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, dịch VDNC trên đàn trâu, bò sẽ sớm được kiểm soát, không chế.