Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả
Công tác đấu tranh chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại (GLTM), hàng giả là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Vì vậy, tỉnh Long An thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp.
Khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ
Qua gần 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-HĐND, ngày 08/12/ 2017 của HĐND tỉnh về đẩy mạnh công tác phòng, chống BL, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra 2.896 vụ, phát hiện 1.956 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách hơn 55 tỉ đồng; điều tra khởi tố 22 vụ với 29 đối tượng.
Thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành chức năng, địa phương có liên quan đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ vừa chống BL, GLTM, hàng giả, vừa kiểm soát khu vực biên giới, phòng, chống dịch Covid-19.
Nhìn chung, tình trạng BL, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng cơ bản được kiềm chế, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh kết quả đã đạt, công tác chống BL, GLTM, hàng giả trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế. Trong đó, tình hình BL, GLTM và hàng giả vẫn còn tiềm ẩn phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn trong tỉnh.
Việc đấu tranh, xử lý các đối tượng BL, GLTM, hàng giả có lúc, có nơi chưa thật sự toàn diện, nghiêm minh, triệt để. Tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng còn xảy ra nhiều, nhất là các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thực phẩm, thuốc và vật tư y tế với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng vẫn còn ở mức thấp. Việc quản lý, xử lý các tang vật, phương tiện bị tạm giữ vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí các nguồn lực xã hội. Công tác bảo đảm điều kiện cho các lực lượng chức năng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chống BL, GLTM, hàng giả. Gần đây, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về các giải pháp nâng cao công tác phòng, chống BL, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Tại phiên giải trình, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã thông tin, làm rõ nhiều nội dung mà đại biểu, cử tri quan tâm liên quan đến công tác này.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều đề nghị UBND tỉnh và các ngành, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, nhất là Nghị quyết số 76 về đẩy mạnh công tác phòng, chống BL, GLTM và hàng giả trên địa bàn tỉnh; xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; trong công tác phối hợp phải đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, các cấp, các ngành liên quan cần thường xuyên chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ về phòng, chống BL, GLTM và hàng giả; quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân có việc làm, không tham gia, làm thuê, tiếp tay cho đầu nậu BL.
Ngoài ra, người đứng đầu cần đề cao trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng BL, GLTM, hàng giả diễn biến phức tạp, mất kiểm soát tại địa bàn; xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ an toàn, lành mạnh cho người dân, doanh nghiệp.
Nắm chắc, kiểm soát chặt địa bàn
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quản lý đối tượng chặt chẽ, kiểm soát chắc địa bàn; xác lập các chuyên án và kế hoạch phối hợp các lực lượng chức năng đấu tranh triệt phá các tụ điểm tập kết hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Đồng thời, nắm chắc các luồng, tuyến, phương thức, thủ đoạn hoạt động, địa bàn trọng điểm, các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để triệt phá tận gốc các đường dây BL, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh tiếp tục phối hợp chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động, có phương án cảm hóa phù hợp đối với các đối tượng BL, tham gia BL, nhất là đối tượng cộm cán, cầm đầu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thu thập chứng cứ, điều tra, đấu tranh, xử lý tội phạm về BL, GLTM, hàng giả trong điều kiện thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp.
Đối với lực lượng biên phòng tăng cường công tác kiểm soát trên tuyến biên giới. Trong đó, chú trọng các đường mòn, lối mở, các tuyến giao thương đường bộ, đường thủy giáp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng BL. “Lực lượng biên phòng bám sát địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay hoạt động BL, GLTM và hàng giả. Chủ động phối hợp các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ vùng biên giới để kiềm chế và xóa bỏ các điểm, cơ sở tập kết hàng cấm, BL, hàng gian, hàng giả” - Đại tá Đoàn Văn An - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh - Phạm Đức Chinh, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, gian lận nguồn gốc, xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, niêm yết giá,... trong thị trường nội địa. Mặt khác, nỗ lực thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Tham mưu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai, thực hiện; tăng cường kiểm tra hoạt động của các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 và xây dựng kế hoạch chuyên đề đấu tranh đối với các mặt hàng nổi cộm; có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên địa bàn tỉnh./.