Quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gia tăng thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn nữa, coi việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tương tự như dịch Covid-19; các đơn vị y tế cập nhật phác đồ điều trị, bảo đảm đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc... theo đúng quy định.

Cộng tác viên tuyên truyền, vận động người dân ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội) phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cộng tác viên tuyên truyền, vận động người dân ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội) phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Cũng như nhiều địa phương tại Hà Nội, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Đan Phượng tiếp tục diễn biến phức tạp và số ca mắc mới không ngừng tăng những tuần vừa qua. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng Nguyễn Gia Phúc cho biết: Tính đến tuần 43, năm 2022, toàn huyện ghi nhận 1.039 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Bệnh nhân phân bố tại tất cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập,... Tại xã Tân Lập, đến nay đã ghi nhận tổng số 325 ca mắc, với bảy ổ dịch.

Nguyên nhân, là do nhiều người từ các địa phương khác đến thuê trọ để làm việc, trong khi người dân vẫn để nhiều bể chứa nước nổi không đậy nắp, các dụng cụ phế thải, phế liệu tồn đọng tại các khu vực dân cư... Đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sản, phát triển.

Trước tình trạng nêu trên, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các buổi tập huấn cho các cộng tác viên, đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát của các địa phương tham gia phòng, chống sốt xuất huyết; tổ chức truyền thông trực tiếp cho người dân nhận biết khi có các triệu chứng mắc, nghi mắc bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Riêng với xã Tân Lập, Trung tâm Y tế đã điều tra, giám sát các ca bệnh, ổ dịch, đánh giá các khu vực có nguy cơ cao về sốt xuất huyết để triển khai biện pháp xử lý kịp thời.

Đến nay, Trung tâm đã triển khai được bốn chiến dịch vệ sinh môi trường cấp thành phố trên địa bàn xã; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao theo quy định. Ngoài ra, thứ bảy hằng tuần, xã Tân Lập triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường tại các khu dân cư và hộ gia đình.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn toàn thành phố đã ghi nhận hơn 16 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 người tử vong.

Bệnh nhân phân bố tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã; 539 trong số 579 xã, phường, thị trấn; đã ghi nhận 1.292 ổ dịch tại 30 quận, huyện, thị xã, hiện còn 178 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện; tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.

Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngành y tế Hà Nội dự báo số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch, nguy cơ ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân nặng và tử vong.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Đặc điểm của thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Trong khi đó, vào đầu tháng 10 vừa qua, số lượng học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố về Hà Nội nhập học đông, làm cho nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao. Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết thường bùng phát sau 5 năm một lần và trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là năm 2017.

Mặt khác, tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên; vẫn còn tình trạng người dân lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đã có không ít bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh bị nặng và dẫn đến tử vong…

Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt; tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến để phù hợp mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn; đồng thời yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc,... theo đúng quy định. Đặc biệt, cơ sở y tế cần bảo đảm đầy đủ dung dịch cao phân tử, dịch truyền, máu và các loại thuốc khác để điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

Ngành y tế Hà Nội cũng đề nghị chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết tương tự như phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế trong việc tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, qua đó góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lan rộng tại địa phương mình.

Các trường học cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết trong nhà trường.

Mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng, chống dịch như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Bài và ảnh: HUY TUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-post729288.html