Quyết liệt phòng chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Trong phiên thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để phòng chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

>>> Hỗ trợ để nông sản Hải Dương vươn tầm thế giới

>>> Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII xem xét các báo cáo, tờ trình quan trọng

>>> Đồng chí Phạm Xuân Thăng tái đắc cử Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Triệu Thế Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng sự phối hợp giữa các sở, ngành còn rất hạn chế

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng sự phối hợp giữa các sở, ngành còn rất hạn chế

Không để dịch bùng phát trở lại

Đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của tỉnh, đồng chí Nguyễn Hữu Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang cho rằng tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19; quyết tâm không để dịch bùng phát trở lại, tạo điều kiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra năm 2021.

Đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính nhận định để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm gần 12% sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại, trong đó giải pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát tốt, không để dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế để tiếp cận, sớm mua vaccine tiêm cho người dân.

Cùng quan điểm trên, đồng chí Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Sách đề nghị cần quan tâm hơn đến chế độ, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, thành viên tổ "Covid cộng đồng" để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe người dân. "Phần lớn thành viên của các tổ “Covid cộng đồng” đều tình nguyện, họ không có chế độ gì”, đồng chí Lâm nêu ý kiến.

Theo đồng chí Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, tỉnh cần sớm nâng cao năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm cho cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Tuấn cho biết vừa qua doanh nghiệp phải thuê đơn vị ở TP Hà Nội tổ chức xét nghiệm cho công nhân, người lao động nên gặp không ít khó khăn.

Tháo gỡ những nút thắt cản trở phát triển

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh tỉnh cần linh hoạt trong công tác điều hành lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh việc quy hoạch vùng để thu hút đầu tư và quy hoạch cần có tính mở. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng sự phối hợp giữa các sở, ngành còn rất hạn chế. Một số cơ quan chuyên môn mới chỉ đặt ra cho mình quyền nhưng chưa gắn với trách nhiệm. Về công tác cán bộ, mỗi cơ quan, địa phương có cách làm khác nhau, tạo ra điểm nghẽn khác nhau, không thu hút nhân tài. "Tỉnh cần kiểm điểm đánh giá sâu sắc vấn đề này để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới”, đồng chí Lưu Văn Bản nhấn mạnh.

Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề xuất HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng

Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề xuất HĐND tỉnh cần tăng cường giám sát để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng

Về triển khai các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trong lĩnh vực kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chí Linh đề nghị khi HĐND tỉnh có nghị quyết thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế, UBND tỉnh cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho cấp dưới dễ thực hiện và tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn.

Nhiều đại biểu đánh giá vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là một điểm nghẽn thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có giải phóng mặt bằng một số dự án lớn tại địa phương như khu công nghiệp Gia Lộc với diện tích gần 200 ha liên quan đến trên 2.400 hộ dân. Huyện chưa thể họp dân vì thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ. Thời gian tới huyện sẽ triển khai quyết liệt để giải phóng mặt bằng.

Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho rằng nhiều cấp, nhiều địa phương chưa quyết liệt, chưa thống nhất chung trong hồ sơ các dự án nên còn gây ra tình trạng chậm, phức tạp… Đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề xuất HĐND tỉnh cần có các biện pháp, đặc biệt là trong công tác giám sát để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng; có nghị quyết về nguyên tắc trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh sự thỏa thuận chênh lệch nhau giữa các dự án.

Đồng chí Trần Hồ Đăng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Dương thì cho rằng việc xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng mới dừng ở chỗ dự án vướng chỗ nào xử lý chỗ đó, mất thời gian, kéo dài tiến độ dự án. TP Hải Dương đang xây dựng các công trình trọng điểm, nhiều công trình đi qua nhiều địa bàn chênh lệch nhau về giá đền bù đất, gây khó khăn, không thống nhất trong thực hiện. “Chậm ngày nào tiến độ các công trình chậm theo ngày đó. TP Hải Dương đã có bản kiến nghị 10 điều gửi HĐND tỉnh, đề nghị HĐND tỉnh sớm quan tâm tháo gỡ”, đồng chí Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết.

Tham gia thảo luận tại các tổ, nhiều đại biểu cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ các địa phương, nhất là cấp xã nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức tại các bộ phận "một cửa" để phục vụ mục tiêu cải cách hành chính. Tỉnh cũng cần giao cơ quan chuyên môn xây dựng, công khai quy trình về cấp phép thủ tục đầu tư, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn cho Quỹ phát triển đất của tỉnh để góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai..

PV

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi chuyên xuất hàng sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu nên việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt, thời gian vừa qua do nhu cầu xuất khẩu tăng, lượng container rỗng thiếu khiến chi phí vận chuyển tăng từ 7 - 10 lần. Hiện nay, dù xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã thuận lợi hơn nhưng do không có container rỗng nên doanh nghiệp cũng không dám chạy hết công suất thiết kế, khó khăn chồng chất khó khăn.

Tôi mong muốn tại kỳ họp HĐND lần này, các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất nhập khẩu như hỗ trợ lãi suất vay vốn, gia hạn thuế... Đặc biệt, HĐND cần có những chủ trương cụ thể, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành làm việc với các bộ, ngành trung ương đề xuất những giải pháp giải quyết những khó khăn hiện nay, nhất là việc tìm nguồn cung vỏ container rỗng giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong xuất nhập khẩu.

CAO VĂN TUẤN
Giám đốc Công ty TNHH Phú Sơn (Kinh Môn)

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch

Là người phụ trách nhân sự của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê đóng chân tại huyện Cẩm Giàng, tôi hiểu rằng nếu ngay tại doanh nghiệp mình chỉ cần xuất hiện 1 trường hợp mắc Covid-19 sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như hàng loạt người lao động và gia đình họ phải cách ly, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, không chỉ người lao động, chủ doanh nghiệp mà cả Nhà nước cũng bị thiệt hại kinh tế.

Huyện Cẩm Giàng có nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan do tiếp giáp với các tỉnh có tình hình dịch bệnh đang phức tạp; là huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp nhất tỉnh với trên 60.000 công nhân lao động.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi mong rằng tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chống chủ quan, lơ là. Để giữ vững phòng tuyến, không để dịch bệnh quay lại, tỉnh cần phát huy kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, đồng thời nhanh chóng triển khai chiến lược vaccine. Có như vậy mới giữ ổn định tình hình, thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

PHẠM HUYỀN TRANG
(Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê, Cẩm Giàng)

Phát huy hơn nữa trách nhiệm của người đại biểu dân cử

Qua theo dõi, tôi nhận thấy đại biểu HĐND các cấp ngày càng gần gũi, đi sâu về cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải trình và làm rõ nhiều ý kiến cử tri quan tâm, kiến nghị.

Bước vào nhiệm kỳ mới 2021-2026, tôi mong đại biểu HĐND các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử để không phụ lòng cử tri đã tin tưởng, bầu chọn. Mỗi đại biểu HĐND các cấp cần quan tâm hơn nữa, thường xuyên đồng hành, gắn bó với nhân dân từ những việc, vấn đề dù nhỏ nhưng phát sinh từ thực tiễn như xây dựng kênh mương, hỗ trợ xi măng để nâng cấp, mở rộng đường, hỗ trợ con giống, thuốc thú y đối với các hộ chăn nuôi… Bằng tâm huyết, trách nhiệm, mỗi đại biểu cần tiếp tục là người đại diện cho cử tri để cùng xây dựng nhiều chính sách tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp.

NGUYỄN THỊ NGUYỆT

(Xóm 6, thôn Cam Lộ, xã Tân Việt, Thanh Hà)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thoi-su/quyet-liet-phong-chong-dich-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-171656