Quyết liệt phòng chống tội phạm, bảo đảm tốt ANTT
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh điều này khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Công an tháng 2/2023 và tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm ANTT Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sáng 27/2.
Dự hội nghị có các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương tại các điểm cầu...
Kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội 13,76%
Báo cáo do Đại tá Đặng Hồng Đức, Chánh Văn phòng Bộ Công an trình bày cho biết, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều đơn vị làm việc "xuyên Tết" để đảm bảo tiến độ công việc chung của Bộ; các vụ việc, vụ án dư luận quan tâm được giải quyết hiệu quả, tạo sự lan tỏa tích cực trong nhân dân, được lãnh đạo các cấp và đông đảo nhân dân ghi nhận, biểu dương.
Trong cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, Công an các đơn vị, địa phương đã ra quân quyết liệt, triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp tấn công trấn áp tội phạm, đã góp phần kéo giảm tội phạm, bảo đảm tốt ANTT, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, bảo đảm cho nhân dân vui xuân, đón Tết an lành.
Trong tháng 2/2023, Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia, lợi ích của Việt Nam; quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các tổ chức phản động, chống đối. Đã tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp kiềm chế, kéo giảm tội phạm, tội phạm về trật tự xã hội; trong tháng xảy ra 3.253 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 13,76% so với tháng 1/2023; hầu hết các loại tội phạm đều giảm như giết người, cướp tài sản (giảm 50%), cướp tài sản (giảm 28,05%), đánh bạc, tổ chức đánh bạc (giảm 44,99%)...
Trong tháng, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 2.753 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt 84,63%), bắt 6.379 đối tượng; triệt phá 26 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động, thanh loại 414 đối tượng truy nã; bắt, xử lý 500 vụ, 2.932 đối tượng cờ bạc...
Công an các đơn vị, địa phương cũng đã tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; trong tháng đã phát hiện 72 vụ, 255 đối tượng phạm tội về tham nhũng và chức vụ; phát hiện 325 vụ, 427 cá nhân, 3 tổ chức phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 14 vụ buôn lậu, 174 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm... Phát hiện 1.558 vụ, 2.446 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 16,37 kg heroin, hơn 155 kg và 56.286 viên ma túy tổng hợp, 17,26 kg cần sa...
Công an các đơn vị, địa phương cũng đã nâng cao tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt hơn 77% trên tổng số hồ sơ; 224 dịch vụ công trực tuyến đều duy trì tỉ lệ tiếp nhận hồ sơ tăng cao. Các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) được tăng cường; công tác xử lý vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn tạo được hiệu ứng và dư luận tích cực trong xã hội; lực lượng CSGT được Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen ngợi, biểu dương. Nhiều tấm gương CBCS CAND dũng cảm, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy tích cực đấu tranh, phòng, chống tội phạm, hiến máu, CNCH, làm nhiều việc tốt, giúp đỡ nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp người CBCS CAND...
Khởi tố điều tra 37 vụ án, trên 370 bị can sai phạm trong đăng kiểm
Dưới sự điều hành của Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, hội nghị đã thảo luận, đánh giá những bài học kinh nghiệm trong tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Tham luận về tình hình vi phạm, tội phạm trên lĩnh vực đăng kiểm thời gian qua, Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết, đến nay, Công an 25 địa phương đã phát hiện, khởi tố điều tra 37 vụ án, trên 370 bị can tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 51 trung tâm đăng kiểm và 2 chi cục đăng kiểm, về 7 tội danh, gồm: "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"; "Môi giới hối lộ"; "Giả mạo trong công tác"; "Sản xuất, mua bán công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật"; "Xâm nhập trái phép mạng máy tính" và "Che giấu tội phạm".
Một số địa phương đã phát hiện, khởi tố điều tra nhiều vụ án như: Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố 9 vụ án với trên 128 bị can; Công an TP Hà Nội khởi tố 10 vụ án với 89 bị can; Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố 2 vụ án với 23 bị can. "Đây là lĩnh vực đã xảy ra nhiều vi phạm và tội phạm chỉ sau tình trạng phạm tội có liên quan đến kit test Việt Á", Đại tá Nguyễn Ngọc Lâm nhận định.
Đặc biệt, kết quả điều tra tại Công an TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố cho thấy, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã buông lỏng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, để xảy ra nhiều sai phạm, phạm tội trong lĩnh vực đăng kiểm, nhất là tại các cơ sở đăng kiểm do tư nhân quản lý (191 cơ sở/280 trung tâm đăng kiểm), dẫn đến sai phạm, hình thành "lợi ích nhóm", liên kết, móc ngoặc giữa một số đối tượng ở Cục Đăng kiểm Việt Nam với một số đối tượng ở các trung tâm đăng kiểm và nhóm đối tượng môi giới, giúp sức tạo thành đường dây tổ chức đăng kiểm trái quy định để trục lợi, nhận hối lộ, trong đó có cả Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam hai thời kỳ...
Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực kiểm định, đưa công tác này đi vào hoạt động ổn định, khách quan, đúng quy định của pháp luật, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị, đối với Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, khởi tố điều tra cần tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xử lý nghiêm, triệt để, đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", chú ý làm rõ yếu tố tư lợi, "lợi ích nhóm", thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước. Với Công an địa phương chưa khởi tố cần tiếp tục thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, nếu có đủ dấu hiệu tội phạm cần khẩn trương khởi tố điều tra...
Nổi lên tội phạm cưỡng đoạt tài sản "núp bóng" công ty luật
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) cho biết, hai tháng đầu năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội giảm 1.544 vụ (18,2%) so với hai tháng liền kề, giảm 21,46% so với năm 2019. Một số loại tội phạm giảm sâu, gồm: mại dâm, giảm 80%; đánh bạc, giảm 45%; cướp, giảm 28%...
Tuy nhiên, về tội phạm cưỡng đoạt tài sản, nổi lên một số công ty, văn phòng luật lợi dụng hợp đồng tư vấn pháp lý với các ngân hàng, công ty tài chính, ứng dụng cho vay... sau đó, tuyển chọn, đào tạo, hướng dẫn nhân viên gọi điện thoại để đe dọa khủng bố đòi nợ với hàng trăm đối tượng tham gia. Điển hình, Cục CSHS đã phối hợp Công an tỉnh Tiền Giang triệt phá nhóm đối tượng cưỡng đoạt tài sản "núp bóng" công ty luật với trên 200 nhân viên; phối hợp Công an TP Hà Nội triệt phá ổ nhóm cưỡng đoạt tài sản dưới hình thức mua bán nợ, đòi nợ thuê với gần 200 nhân viên tham gia...
"Thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng "núp bóng" công ty luật, sử dụng công nghệ cao, lôi kéo người khác tham gia cùng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, hoạt động đòi nợ thuê", Trung tướng Trần Ngọc Hà đánh giá.
Dự báo thời gian tới, tội phạm về trật tự xã hội sẽ diễn biến phức tạp, hoạt động tội phạm sẽ theo 3 xu hướng: theo phương thức truyền thống; tội phạm kết hợp truyền thống và sử dụng công nghệ cao; tội phạm mới, như: mua bán dữ liệu cá nhân, tải khoản ngân hàng, phần mềm lừa đảo, cho vay, làm giả thẻ ngân hàng... Cục trưởng Cục CSHS đề xuất nhóm giải pháp: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch chỉ đạo của lãnh đạo Bộ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về ANTT, làm sạch tài khoản ngân hàng; tiếp tục thực hiện các giải pháp kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tham mưu lãnh đạo Bộ các địa bàn phức tạp, trọng điểm để tập trung đấu tranh...
Tham luận về cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, lực lượng CSGT đã đổi mới tư duy, điều chỉnh phương thức hoạt động tuần tra kiểm soát, xác định khâu đột phá trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ, xác định việc xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, quá khổ quá tải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Qua đó, kết thúc đợt cao điểm đã kiểm tra, xử lý 117.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 21,5%), câu chuyện xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm của từng gia đình, mọi người dân; TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2022.
Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý theo các chuyên đề, quyết tâm duy trì mức cao nhất, hiệu quả nhất việc xử lý nồng độ cồn, làm thường xuyên và tạo chuyển biến trong xã hội "đã uống rượu bia thì không lái xe"; siết chặt trách nhiệm lực lượng thực thi công vụ và CBCS vi phạm. Tiếp tục duy trì các tổ kiểm tra, đôn đốc tại Công an các địa phương. Phối hợp với Cục Truyền thông CAND và các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của lực lượng CSGT để tạo lan tỏa sâu rộng...
Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã tham luận về kết quả thực hiện các giải pháp phục vụ bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an tham luận về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và triển khai kế hoạch thực hiện quyết định phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an; Trung tướng Hoàng Đức Lừng, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ tham luận về một số điểm mới dự thảo các thông tư quy định việc tuyển chọn công dân vào CAND và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong CAND; Trung tướng Đỗ Văn Hoành, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an về xây dựng Cơ quan CSĐT thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại...
Chủ động giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá, vừa qua chúng ta kiểm soát tốt tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không để xảy ra phức tạp, kể cả các lễ hội, sự kiện diễn ra trong dịp Tết và cho tới nay. Chúng ta đã chủ động nắm, có biện pháp đối phó với tình hình tội phạm sau khi nới lỏng giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, trước 3 nhóm tội phạm mà Cục trưởng Cục CSHS tổng hợp, nêu lên tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Công an các đơn vị, địa phương cần lưu ý, cần đánh giá tình hình tội phạm, từ đó làm tốt công tác phòng ngừa, có giải pháp phù hợp để ngăn chặn tội phạm, bởi dự báo thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, phức tạp và tội phạm theo đó cũng sẽ phức tạp hơn.
"Bảo đảm tiếp nhận sớm nhất, từ cơ sở những tin báo tố giác tội phạm và xử lý triệt để, để vụ việc từ to thành bé, từ bé thành không có gì, đồng thời giảm tải cho cấp trên", đồng chí Thứ trưởng chỉ rõ và yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chú trọng tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Về Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thời gian vừa qua chúng ta đã có 6 bài học kinh nghiệm quý và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình còn nhiều khó khăn và Công an các đơn vị, địa phương đều phải cố gắng, triển khai quyết liệt hơn. Các Giám đốc Công an địa phương và Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội chịu trách nhiệm hoàn thành các nhóm đầu việc theo lộ trình, với phương châm "rõ người, rõ việc, rõ thời gian" và đảm bảo dữ liệu luôn "đúng, đủ, sạch, sống".
"Cục trưởng các Cục nghiệp vụ phải gắn kết các Giám đốc Công an địa phương, thể hiện rõ vai trò "tư lệnh" trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu lãnh đạo Bộ kịp thời chỉ đạo các mặt công tác", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý.