Quyết liệt sống – nhật ký gia đình nhưng là hồi ký chung về nghề báo
LTS: Đúng dịp kỷ niệm lần thứ 99 Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 2024), NXB Trẻ cho ra mắt bạn đọc cuốn 'Quyết liệt sống' - tác giả là cặp đôi nhà báo nổi tiếng Nguyễn Hồ - Minh Hiền, cùng một số bài viết của bằng hữu, đồng nghiệp về nhà báo Minh Hiền sau khi bà qua đời.
Nguyễn Hồ là nhà văn, nhà biên kịch, từng giữ chức vụ phó giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, giám đốc hãng phim TFS. Minh Hiền (1951-2016) là một tổng biên tập trong thời gian điều trị bạo bệnh đã dày công xây dựng nhiều tờ báo, cũng là người kiên trì đề xuất ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 và có công trong các phong trào xây dựng doanh nghiệp Việt Nam.
Sách dày 556 trang, gồm 4 phần: Phần 1 - Kể chuyện những năm tháng đã qua (ghi chép của nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch Nguyễn Hồ về bạn đời); Phần 2 - Hãy nắm tay em đi (nhật ký gia đình từ 12.2013 đến những phút cuối cùng của nhà báo Minh Hiền); Phần 3 - Trời kêu nhưng tôi không dạ & 20 câu chuyện khác (một số bài viết của nhà báo Minh Hiền); Phần 4 - Nhớ một người thương một nghề (tập hợp những bài viết về nhà báo Minh Hiền).
Với sự đồng ý của NXB Trẻ, Người Đô Thị chọn trích đăng một số bài viết trong cuốn Quyết liệt sống, hy vọng giúp độc giả hiểu thêm về một nghề nghiệp đặc biệt vì song hành với danh vọng và quyền lực mềm là không ít câu thúc, thậm chí tai ương nên để đeo đuổi nó, phải có một tâm thế quyết liệt đúng như tựa cuốn sách. Tác giả Nguyễn Hồ hoạt động đa lĩnh vực nên qua những câu chuyện hậu trường chưa nhiều người biết, Quyết liệt sống còn tái hiện một thời vang bóng của làng văn nghệ, phim ảnh TP.HCM và cả miền Nam.
Bìa cuốn sách Quyết liệt sống.
* * *
Kỳ 1:
Cô bé quàng khăn đỏ
Từ Xóm Chùa xã An Phú bên bờ sông Sài Gòn, nhìn về hướng mặt trời lặn có thể thấy núi Bà Đen ẩn hiện trong ráng chiều. Cuối năm 1964, có một đoàn 32 thanh niên nam nữ xã An Phú và Phú Mỹ Hưng, qua sông Sài Gòn nhắm hướng núi mà đi. Ban đầu núi phía trước mặt, nhưng những khúc quanh dời núi, chuyển từ bên trái sang bên phải đoàn người, có khi núi bị bỏ lại phía sau lưng. Từ đây đoàn người đi về hướng đông bắc quốc lộ 22, nơi rừng thẳm, ánh mặt trời soi không thấu những tán lá rừng, về đêm, rừng chỉ còn ánh lân tinh mờ ảo trên lớp thực bì và rong rêu cộng sinh trên các thân cây cổ thụ.
Hồi đó, mặc cho bao đoàn người đi qua những lối mòn, âm u rừng thẳm, trên cành vẫn vượn hú chim kêu, muông thú tự nhiên trong giang sơn riêng của chúng. Tò mò nhất có lẽ là loài khỉ, chúng vạch lá nhìn xuống những đoàn người, khọt khẹt với nhau những gì không ai nghe được. Trái chín vàng trên cành, rụng xuống đầy cả lối đi.
Với tài nguyên xanh vô tận, rừng nguyên sinh âm u đón nhận những vị khách chưa quen. Đó là những con người từ nhiều nơi trên cả nước hội về. Nơi đó gọi là R, là đại bản doanh của cách mạng miền Nam, trong đó có cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là báo Giải Phóng.
Gần năm mươi năm sau, bà Út Vân trong đoàn lính mới Củ Chi kể lúc lên đường về R, cả 32 nam nữ trang phục và trang bị không giống bất cứ đoàn tân binh nào hành quân lên rừng. Áo quần, khăn nón, dép, bình toong nhựa đủ màu xanh đỏ trông giống một đoàn thanh thiếu niên học sinh nông thôn đi trại hè. Đến trạm giao liên Suối Ông Hùng, cả đoàn bị máy bay địch phát hiện, ném bom gần, nhưng chỉ một đợt rồi thôi.
Chúng lầm, nếu quan sát kỹ hơn, chắc chúng ném... kẹo mới phải. Trận bom tuy vậy cũng đủ làm cho cả đoàn lính mới ô hợp táo tác, mệt nhoài vì căng thẳng. Thành viên nhỏ yếu nhứt có cô bé không đủ sức đi bộ tiếp tục nên được ông Trần Tâm Trí, người phụ trách tuyển lính cho ngồi ba ga xe đạp của ông. Đó là cô bé quàng khăn đỏ Nguyễn Thị Hiền, sau này là nhà báo Nguyễn Minh Hiền.
Thầy giáo làng Út Cương, chú của Minh Hiền, kể, hồi đó, bắc Củ Chi là vùng giải phóng, có trường cấp hai, lên tới lớp bảy ở Hố Bò xã Phú Mỹ Hưng. Minh Hiền học giỏi, cuối niên khóa đứng nhứt lớp. Lúc bấy giờ, đã bốn năm sau Đồng khởi, mấy chị của Hiền đã lần lượt tham gia cách mạng. Năm 1964, nhân báo Giải Phóng tuyển nhân viên, Minh Hiền quyết liệt xin đi theo con đường của các chị, nhưng trong lòng ấp ủ một chí hướng riêng bắt nguồn từ mấy chữ báo Giải Phóng. Mười ba tuổi thì còn quá nhỏ để thoát ly gia đình, lúc bấy giờ đa số các em phải trốn cha mẹ. Nhưng Hiền không trốn mà đòi đi cho bằng được. Má Hiền nói: Má lưỡng lự nửa muốn cho đi, nửa muốn không. Còn ba Hiền thì hạ một câu như rựa chém đất. Bảy Tiên, em gái kế Hiền kể, ba nói: hễ đi thì đi, đứa nào trốn về tao đánh chết. Thế là đi trong độ tuổi mười ba, nhưng để cho chắc ăn hơn cô bé liều khai 14 tuổi.
Má Hiền nhớ lại, hồi nhỏ Hiền ham học, ham đọc sách, thích làm quen với bạn bè, chòm xóm. Năm học cấp hai, Hiền ở trọ nhà người bà con, Chủ nhật mới về nhà ở Xóm Chùa. Về tới nhà là chạy qua hàng xóm, nơi có bộ đội, cơ quan đóng để làm quen, tới bữa cơm phải kêu réo mới về.
Khoảng 12 tuổi, có một ngày Chủ nhật, cô bé đi từ sáng sớm, cả nhà không ai biết đi đâu. Tới chiều về, cô bé mặc quần áo của ai không biết mà rộng thùng thình, lại còn dắt theo một người đàn bà lạ hoắc cùng với mấy đứa con nhỏ. Thì ra, đó là vợ con ông Chín Hà, cán bộ hồi kết, làm việc ở Ban kinh tài Đặc khu ủy Sài Gòn, quê nhà ở tận Châu Đốc. Quần áo Hiền mặc là của con gái bà Chín Hà. Theo bà Năm Hiếu, chị thứ năm, đây là chuyến đi xa lần đầu của Hiền. Từ Củ Chi đi xe đò xuống Sài Gòn, rồi lên xe đò lục tỉnh xuống tận Châu Đốc, theo địa chỉ mà tìm nhà của ông Chín Hà như người “móc gia đình” chuyên nghiệp.
Ông chú Út Cương kể, năm Hiền mười hai tuổi, ông bị tù dân sự, Hiền là người duy nhứt tới thăm nuôi chú, nhờ nhỏ tuổi, nhỏ con nên không bị làng lính làm khó dễ. Người bạn tù của chú có mượn hàng xóm chiếc xe đạp, bị xẹp bánh, đứt dây sên, nhờ đẩy về trả cho chủ, Hiền không đắn đo nhận liền, cho dù phải đẩy xe một đoạn đường xa, cũng không ngại. Tốt bụng với mọi người là cái tính trời cho nó, ông chú Út Cương kết luận và kể tiếp: Năm tốt nghiệp lớp bảy, chụp hình kỷ niệm chưa có tiền lấy, chủ tiệm thấy hình đẹp, đem trưng trong tủ kiếng coi như trừ nợ. (Tấm hình đó được các bà chị giữ trở thành bằng nhân chứng tuổi mười ba, học lớp bảy của Hiền). Khi Hiền thoát ly đi kháng chiến, má Hiền mới hay Hiền mua chịu bánh kẹo chiêu đãi bạn học cùng lớp trước khi chia tay. Ông chú Út Cương của Hiền nhắc đi nhắc lại phẩm hạnh của Hiền: ôn hòa, sớm tự mình nghĩ suy, thấy ai cãi cọ, tranh nhau thiệt hơn thì tránh đi chỗ khác.
Mấy chị em đi kháng chiến chống Mỹ đa số sinh ra từ cuối kháng chiến chống Pháp, nối gót các cậu, các chú, những người dũng cảm vượt qua nỗi đau lớn của dòng họ ngoại năm 1947. Dòng họ ngoại có năm người ruột thịt đang ở trong hàng ngũ Việt Minh ở xã, huyện bị “tảo thanh” ở Củ Chi - Hóc Môn.
Thời ấu trĩ đó, ba má Hiền phải lánh nạn nhiều ngày trên sông Sài Gòn để tránh vạ lây. Che giấu, bảo bọc ông bà là chú Tám của Hiền. Người tiếp tế cơm nước là em rể, chồng cô thứ Mười. Chém vè ven sông Sài Gòn một thời gian, ba má Hiền phải đi lánh nạn ở Long Nguyên, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) trong vùng do Tây kiểm soát. Cho đến khi có chủ trương sửa sai, ba má mới dám trở về xã nhà.
Dù bị đại nạn đau lòng nhưng tất cả dòng họ nội (Nguyễn), họ ngoại (Huỳnh), dòng lớn, dòng nhỏ đều vượt qua nỗi đau, hăng hái tham gia cả hai cuộc kháng Mỹ. Ba mươi năm ròng rã, người lớn kẻ nhỏ, dù thoát ly hay bám đất quê hương, ai cũng làm tròn bổn phận người chiến sĩ cách mạng, người công dân bám đất đánh giặc giữ làng.
Theo nhà báo Trần Tâm Trí (Ba Trí, Thư ký tòa soạn báo Giải Phóng), ban đầu cơ quan chỉ có ba người: ông Kỳ Phương (Mười Phương), Ba Trí và ông Thái Duy, chưa có nhân viên. Ông Ba Trí xuống Củ Chi tuyển lính mới cho cơ quan. Lính đào hầm tải gạo, cưa cây hái lá cất nhà và làm “chị nuôi” nấu ăn. Hầu hết thanh niên nam nữ tự nguyện đều đáp ứng rất tốt nhu cầu lao động giản đơn. Nhưng có một cô nữ sinh tóc vấn bính (tóc bím) xin cha mẹ cho đi một cách quyết liệt nhứt. Cô bé đã tỏ ra có cảm xúc khác với các tân binh cùng được tuyển.
Nhà báo Minh Hiền (bút danh: Hương Chi, Minh Hiền, Minh Nguyễn) tên thật là Nguyễn Thị Hiền (22.12.1951 – 23.4.2016), quê quán huyện Củ Chi TP.HCM. Từng công tác tại:
- Báo Giải Phóng (1964-1975)
- Báo Sài Gòn Giải Phóng (5 – 19.5.1975)
- Nhật báo Giải Phóng bộ mới (1975)
- Báo Đại Đoàn Kết (1975-1976)
- Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM (1978-1992)
- Phó Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM (1992-1997)
- Thư ký tòa soạn báo Đại Đoàn Kết Cuối tuần (1998)
- Tổng biên tập tờ tin Thông tin Công thương - tờ tin Doanh Nhân Sài Gòn - báo Doanh Nhân Sài Gòn (1999-2008)
- Thành viên Hội đồng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (2009-2012) và tạp chí Người Đô Thị (2012-2016).
Ba Trí tìm hiểu thì được biết đó là cô bé 13 tuổi, gia đình có sáu chị em gái. Ba chị lớn thứ hai, tư và năm đã tham gia cách mạng, nhà chỉ còn Hiền thứ sáu, hai em gái thứ bảy, thứ tám và em trai út. Bé Hiền vừa học xong lớp 7 trường làng và có tiếng là học giỏi. Ông đọc tờ khai sơ yếu lý lịch thấy nét chữ khá đẹp, không sai chánh tả như những bản lý lịch khác.
Về đến tòa soạn, ông thử cho bé Hiền chép tin đọc chậm trên đài phát thanh giải phóng. Bản tin đọc chậm là cả một bài chánh tả dài nhưng cô bé chép không sai và dễ đọc. Tòa soạn đang cần một nhân viên như vậy để theo dõi tin tức thay thế cho các biên tập viên người lớn tập trung lo nội dung bài vở. Báo đang chuẩn bị ra số đầu tiên, tin chép trên đài là nguồn tin chính thống nhanh nhất lúc bấy giờ.
Nhà báo Đinh Phong kể, anh từ miền Bắc vào Nam, được phân công về báo Giải Phóng, ngạc nhiên thấy người báo cáo tin tức trong cuộc họp giao ban là cô bé tuổi quàng khăn đỏ. Thính giả của cô bé toàn là các chú bác lớn tuổi như Kỳ Phương, Trần Tâm Trí, Trần Đình Vân, Tô Quyên, Lê Phan và nhiều nhà báo khác đến từ mọi miền đất nước. Đặc biệt trong số thính giả có cả bác Ba Nghĩa, tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người đứng tên Chủ nhiệm tờ báo. Là phóng viên báo Nhân Dân, Đinh Phong chưa từng thấy cuộc giao ban tòa soạn nào giống như vậy.
Đinh Phong còn kể rằng khi về đến cơ quan, bé Hiền cũng là người anh gặp đầu tiên ở nhà khách. Cô bé đã pha cho anh ly nước chanh đường ngọt lịm làm anh ngỡ cô nhóc dễ thương đó là chân lon ton của phòng hành chánh quản trị.
Chép tin đọc chậm là một khởi sự của biết bao người làm báo kháng chiến chống Mỹ. Tôi biết điều này vì chính tôi và nhiều bạn đồng nghiệp cũng thay nhau chép tin từ radio để làm tin và học cách viết. Tôi đã chép tin đọc chậm trước Hiền bốn năm từ báo Chiến Thắng Bến Tre, khi đã là người có viết lách ít nhiều rồi.
Nhưng so với Hiền, tôi may mắn được biết trước sự ra đời của tờ báo Giải Phóng nhờ nhà báo Kỳ Phương về Nam bằng tàu không số, đến bến Khâu Băng, quê hương Đồ Chiểu, trước khi về R. Tại đại hội chiến sĩ thi đua các Lực lượng võ trang tỉnh Bến Tre ở Tân Xuân (Ba Tri), ông cho tôi xem bản maquette 12 trang do ông phác thảo trên tàu. Đó là phôi thai của tờ báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Còn tiếp...