Quyết liệt, thần tốc phản ứng nhanh trong phòng chống dịch
PTĐT - Từ ngày 27/4 đến ngày 9/5, cả nước có 241 trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, một số tỉnh lân cận với Phú Thọ đang có số ca lây nhiễm tăng cao.
PTĐT - Từ ngày 27/4 đến ngày 9/5, cả nước có 241 trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, một số tỉnh lân cận với Phú Thọ đang có số ca lây nhiễm tăng cao. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn, các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai tinh thần phòng chống dịch ở mức cao nhất, quyết liệt, thần tốc truy vết, nỗ lực bảo đảm bình an cho nhân dân.
Thần tốc truy vết
Tính đến ngày 9/5, trên địa bàn tỉnh có tổng số có 11 ca bệnh COVID-19 được phát hiện. Trong đó: 1 ca bệnh (BN3116) là ca bệnh cộng đồng tại Kim Đức, Việt Trì, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ; 10 công dân tỉnh Phú Thọ nhiễm COVID-19 tại địa phương khác, gồm: 2 ca bệnh (BN2975, BN3194) phát hiện tại Vĩnh Phúc; 5 ca bệnh (BN3010, BN3026, BN3027, BN3082, BN3115) đã được phát hiện và đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 3 ca đã khỏi bệnh hoàn toàn (BN1567, BN2520, BN2622).Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này, tỉnh Phú Thọ nằm giáp ranh với một số địa phương phát hiện ca sớm trong nước là Vĩnh Phúc, Yên Bái và Hà Nội. Trong đó, một số ổ dịch có tính chất hết sức phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều biến chủng, xuất hiện nhiều ca bệnh tại các cơ sở y tế. Vì vậy, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch. Đồng thời thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến người dân trong tỉnh về tình hình diễn biến dịch bệnh, kịp thời rà soát, lập danh sách các trường hợp có liên quan đến các vùng dịch và ca bệnh đã mắc trước đó.
Đến thời điểm hiện nay, ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận 9.900 liều vắc xin từ Trung ương và triển khai đồng loạt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại 21 điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 9/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện được tổng cộng 4.932 mẫu xét nghiệm với SARS-CoV-2, trong đó: 01 mẫu dương tính (BN3116); 4.812 mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính; có 119 mẫu xét nghiệm đang chờ kết quả.
Đặc biệt, khi ngày 7/5, trên địa bàn xã Kim Đức, thành phố Việt Trì phát hiện trường hợp nhiễm SARS-nCoV-2 là chị L.T.K.D - công nhân Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ, KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì, ngay lập tức, ngành Y tế và chính quyền địa phương đã huy động tối đa các lực lượng truy vết những trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến ca nhiễm COVID-19 để có biện pháp khoanh vùng, cách ly kịp thời; nhanh chóng xây dựng các phương án, biện pháp cấp bách ứng phó, khống chế không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Bắt đầu từ trưa kéo dài đến hết đêm ngày 7/5, toàn bộ cán bộ Khoa xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được huy động để xét nghiệm COVID-19 cho hơn 2.000 nhân viên, công nhân Công ty TNHH Công nghệ Namuga, đến ngày 9/5 đã cho kết quả âm tính lần 1 với 100% mẫu.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - cán bộ khoa xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Khoa xét nghiệm có 7 cán bộ. Khi nhận được nhiệm vụ của đồng chí Giám đốc Trung tâm là lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các cán bộ, nhân viên Công ty Namuga có liên quan đến ca nhiễm COVID-19, 7/7 cán bộ của Khoa xét nghiệm đã chuẩn bị vật tư, trang thiết bị và các biện pháp bảo hộ cần thiết nhanh chóng lên đường thực hiện nhiệm vụ. Vì số lượng mẫu cần lấy rất lớn nên trong khi lấy mẫu, các thành viên chỉ nghỉ khoảng 15- 20 phút ăn trưa, ăn tối còn lại làm việc liên tục. Chúng tôi đều xác định: Đây là thời điểm quan trọng nên tất cả phải cùng nhau chung sức, đồng lòng, nỗ lực hết mình để có kết quả sớm nhất đáp ứng yêu cầu khẩn trương, quyết liệt, thần tốc của công tác phòng chống dịch…Không chỉ lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên công ty Namuga, trong hai ngày từ 8-9/5, chị Hằng lại tiếp tục tham gia tăng cường lấy mẫu xét nghiệm cho nhân dân khu 2 và khu 10 xã Kim Đức với tổng số mẫu cần lấy là hơn 2.000 người.Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc - TUV, Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng BCĐ phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết: Là tuyến đầu và cũng là tuyến cuối trong công tác phòng chống dịch, vì vậy toàn ngành Y tế thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; siết chặt kỷ luật, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn tại các đơn vị, nhất là cơ sở khám, chữa bệnh. Trong thực hiện nhiệm vụ chống dịch, lãnh đạo và nhân viên các cơ sở y tế luôn chủ động bám sát tình hình, triển khai xét nghiệm thần tốc, tập trung nhân lực, vật lực, đảm bảo yếu tố thời gian để có kết quả xét nghiệm các mẫu nhanh nhất có thể. Xây dựng, triển khai các phương án sắp xếp con người, trang thiết bị, vật tư Y tế phù hợp cho Bệnh viện Dã chiến, đảm bảo hoạt động của đơn vị tuyến đầu này luôn sẵn sàng trong tình huống có các ca bệnh trong tình trạng khẩn cấp.
Ngày 8 và 9/5, sau khi tiếp nhận thêm một trường hợp tại xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy và một trường hợp tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn mắc COVID-19, công tác truy vết thần tốc, khoanh vùng khử khuẩn được chỉ đạo thực hiện gấp rút, tất cả thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Đồng lòng chống dịch
Mặc dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã tập trung nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chung sức đồng lòng chống dịch. Tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không lơ là chủ quan trong phòng chống dịch song cũng không quá hoang mang lo lắng. Bên cạnh việc tích cực truy vết, cần thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Tại phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, ông Phạm Xuân Lâm - Chủ tịch UBND phường cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin ca bệnh COVID-19 là cán bộ Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên có tiền sử dịch tễ về nhà mẹ đẻ ở khu Tân Lập, Phường Hùng Vương chơi và ở lại ăn cơm tối, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của phường đã phân công các lực lượng Công an, Trạm y tế thực hiện rà soát, truy vết các đối tượng F1, F2 và phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã đưa toàn bộ đối tượng F1 đi cách ly tập trung ngay trong đêm ngày 5/5. Đồng thời, triển khai các biện pháp cách ly theo quy định với các đối tượng còn lại. Phường cũng đã tổ chức kiện toàn bổ sung hai tổ phản ứng nhanh gồm các đoàn thể, lực lượng dân quân, tổ bảo vệ hỗ trợ công tác phòng chống dịch, thường xuyên kiểm tra trên địa bàn về việc chấp hành cách ly và các quy định về phòng chống dịch…
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân trên địa bàn phường chấp hành rất nghiêm các quy định về phòng dịch. Đặc biệt, Hội Phụ nữ, các đoàn thể và MTTQ, Ban công tác mặt trận các khu luôn theo sát, nắm bắt tình hình, sẵn sàng hỗ trợ mua sắm nhu yếu phẩm, gửi quà động viên, thăm hỏi đối với trường hợp F1 đang cách ly tập trung tại các điểm cách ly của tỉnh.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 154.473 người sử dụng khai báo sức khỏe NCOVI, 565.633 trường hợp khai báo y tế. Qua đó, đã phát hiện 5.363 đối tượng có yếu tố nguy cơ và Trạm Y tế xã đã tiến hành rà soát, xác minh và áp dụng biện pháp xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với 4.785 trường hợp.Toàn tỉnh có 3.541 điểm kiểm soát dịch đã thực hiện đăng ký khai báo y tế qua QR-code, cụ thể: Thanh Thủy (1.058), Hạ Hòa (657), Việt Trì (417), Đoan Hùng (286), Thanh Sơn (214), thị xã Phú Thọ (158), Tân Sơn (151), Thanh Ba (158), Lâm Thao (146), Cẩm Khê (139), Tam Nông (120), Yên Lập (67), Phù Ninh (58).
Còn tại huyện Thanh Thủy, đối với 4 chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại khu 7, xã Tân Phương, lãnh đạo huyện Thanh Thủy đã kịp thời đến thăm, động viên các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ tại đây và trao tặng nhiều suất quà có ý nghĩa như mì tôm, thùng nước lọc, sữa với tổng trị giá trên 12 triệu đồng. Những phần quà này do Trung tâm mua sắm Viện Hậu - Thị trấn Thanh Thủy ủng hộ.Có thể thấy, trong công tác phòng chống dịch bệnh lần này với việc tiếp tục huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được triển khai trên mọi lĩnh vực với nhiều hoạt động cụ thể, thể hiện quyết tâm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.Tin tưởng rằng với hành động quyết liệt, thần tốc, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, chắc chắn những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh được ngăn ngừa. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả của công tác phòng chống dịch, người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng, cùngchung tay đẩy lùi dịch bệnh…